Quang cảnh Thành cổ Tiahuanaco trước Cổng Mặt Trời.
Sacsayhuaman là một trong những tàn tích tuyệt vời nhất của Đế chế Inca, được bao bọc bởi ba sườn dốc và ví như “cấm thành” với những bức tường giống như tường của lâu đài bao phủ một khu vực rộng lớn.
Trong khi đó, Tiahuanaco là một thánh điện để thực hiện các nghi lễ thiêng liêng với một nền văn hóa đã ảnh hưởng sang nhiều khu vực lân cận.
Những ký hiệu đặc biệt
Thành cổ Tiahuanaco (Bolivia) nằm trên cao nguyên cao 5.000m so với mực nước biển, chứa đựng rất nhiều dấu ấn bí mật cổ xưa thần bí khôn lường. Bức tường của Tiahuanaco được xây bằng những tảng nham thạch nặng 150 tấn, xếp lên những tảng đá nặng 70 tấn. Mặt ngoài của đá được mài sáng bóng, độ lớn của các góc ghép với nhau cũng chính xác tuyệt đối, đều dùng mộng bằng đồng để liên kết, và gắn với nhau rất chặt. Ở một số tảng đá nặng khoảng 10 tấn, các nhà khảo cổ học phát hiện ra một số lỗ sâu tới 3m, những lỗ này được dùng để làm gì cho tới nay vẫn chưa ai giải thích được.
Từ một tảng đá được khai quật, người ta nhìn thấy ở dưới có những phiến đá mài lớn dài tới 5m, có những ống nước bằng đá dài 2m, to 1m giống như những thứ đồ chơi rơi lả tả trên mặt đất. Có thể những di vật này do một đại họa nào đó tạo nên, nhưng điều gây chú ý là chúng được chế tác rất tinh xảo (tới mức ống nước xi măng cực chuẩn ngày nay cũng còn thua kém nhiều). Tổ tiên của người xây dựng thành cổ Tiahuanaco không có những công cụ tiên tiến, tại sao họ lại làm ra được những ống nước phức tạp như vậy?
Từ phi thuyền có một phụ nữ tên là Malianna bước ra với nhiệm vụ sẽ trở thành “Người phụ nữ vĩ đại” của Trái đất. Malianna chỉ có 4 ngón tay, giữa các ngón tay đều có màng. Bà mẹ vĩ đại Malianna sinh được 70 người con cho Trái đất, sau đó bay về trời. Ở Tiahuanaco cũng có bức tường đá vẽ một sinh vật có 4 ngón, tuy nhiên niên đại của bức tranh này chưa thể xác định được.
Thành cổ Tiahuanaco thần bí còn khiến giới khoa học đau đầu vì một loại lịch thiên văn bị vùi sâu trong vũng bùn khô cạn. Bởi vì, những bằng chứng nghiên cứu cho thấy: sinh vật làm ra và sử dụng loại lịch thiên văn này có một nền văn minh và văn hóa cao hơn rất nhiều so với loài người ngày nay. Ngoài ra, các nhà khảo cổ tìm thấy những đầu tượng tạc bằng đá. Nhưng khi xem kỹ lại mới thấy những đầu tượng này thể hiện nhiều giống người khác nhau: người môi mỏng, người môi dày, người mũi dài, người mũi tẹt, người tai to dày, người tai nhỏ mỏng, người lộ rõ góc cạnh, người ôn hòa nhã nhặn và còn có một số đầu tượng đội những cái mũ kỳ lạ. Tại sao có nhiều giống người khác nhau đến thế?
Điều kỳ lạ nhất chính là phát hiện tượng đại thần. Tượng thần được tạc bởi nguyên một khối nham thạch màu hồng, dài 8,5m, nặng hơn 30 tấn, được tìm thấy trong Cổ thần miếu. Các nhà khoa học đã không thể lý giải được hàng trăm ký hiệu vô cùng tinh xảo trên áo của tượng thần và kỹ thuật xây dựng công trình kiến trúc để bảo tồn tượng thần rất nguyên thủy nhưng lại vô cùng siêu việt. Chính từ sự nguyên thủy của kỹ thuật xây dựng này mà công trình đó mới được gọi là Cổ thần miếu.
Theo nhiều chuyên gia, những ký hiệu đặc biệt kể trên ghi lại rất nhiều kiến thức thiên văn học, hơn nữa những tri thức đó lấy sự thực Trái đất hình tròn làm cơ sở. Theo đó, đây có thể là một chỉ báo liên quan tới lý luận về hiện tượng tạo thành Mặt trăng, tạm gọi là “học thuyết vệ tinh”.
Trước đây, có một vệ tinh đã từng bị Trái đất hút. Khi vệ tinh bị kéo về phái Trái đất thì tốc độ quay của Trái đất trở nên rất chậm, cuối cùng thì vệ tinh bị vỡ ra làm nhiều mảnh và sản sinh ra Mặt trăng. Thời gian xuất hiện chuỗi những ký hiệu ghi lại hiện tượng thiên văn này được phỏng đoán từ 27.000 năm trước, cho thấy đây là một ghi chép “để lại cho hậu thế”.
Nói một cách chính xác, tượng thần đó là một vật rất cổ. Nếu chỉ nói rằng “đây là Tượng thần cổ đại” thì chưa chuẩn, nên các nhà khoa học cần có một cách giải thích chính xác hơn nữa về niên đại thực sự và bí ẩn xung quanh bức tượng. Bất luận thế nào, Tượng thần và lịch thiên văn ấy đã thể hiện tính phức tạp của một tri thức làm cho con người vô cùng kinh ngạc. Những kiến thức ấy ở đâu, có thể nào lại xuất phát từ một nền văn minh của người ngoài hành tinh?
Nghệ thuật tạo hình xuất sắc
Ngoài thành cổ Tiahuanaco, di tích nổi tiếng khác đáng để nhắc tới là pháo đài Sacsayhuaman (Peru) - một tàn tích Inca ở độ cao 3.701m. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng những tàn tích của Sacsayhuaman thực chất có từ thời điểm trước Đế chế Inca.
Những bức tường này được cho là đã xây dựng bởi nền văn hóa Killke vào khoảng thế kỷ 12 (văn hóa Killke chiếm đóng ở Nam Mỹ, phát triển rực rỡ quanh khu vực Cusco của Peru từ năm 900 đến 1200 sau Công nguyên, trước khi có sự chiếm của người Inca vào thế kỷ 13). Từ đây, Đế chế Inca bắt đầu cho xây dựng lại và hoàn chỉnh toàn bộ công trình trong suốt 60 năm với sự tham gia của khoảng 20.000 đến 30.000 nhân công.
Đây là một bức tường được sắp xếp rất phức tạp với nhiều điều kì bí, gần thành phố cổ Cusco (Peru). Công trình này mang dáng dấp của một pháo đài rộng lớn được xây dựng bằng những phiến đá khổng lồ nặng trên 300 tấn. Ba bức tường Sacsayhuaman dày khoảng 400m và cao 6m. Có đến 6000 khối đá đã được dùng để xây dựng. Cách thức di chuyển những phiến đá cổ này rất thú vị. Một trong những phiến đá to nhất đã được di chuyển hơn 80km dọc theo những dãy núi với địa hình hiểm trở.
Khoa học hiện đại chưa thể lý giải nổi vào thời ấy các cư dân ở đây đã dùng kỹ thuật gì mà từ bãi đá họ chọn ra những tảng đá lớn nặng tới hơn 150 tấn, sau đó vận chuyển tới một nơi rất xa để tiến hành gia công đục đẽo pháo đài phòng ngự Sacsayhuaman. Khi đã đục đẽo đủ 4 tầng, họ chuyển pháo đài về đặt trong một núi lửa.
Tàn tích còn lưu giữ cho đến ngày nay là các bức tường bên ngoài, được xây dựng một cách kiên cố theo một mô hình ngoằn ngoèo nằm ở ba cấp bậc khác nhau. Giống như nhiều công trình xây dựng khác của Đế chế Inca, những bức tường này được xây dựng rất lớn.
Các tảng đá có hình dạng không đồng đều nhưng khi đặt chúng lại với nhau lại cực kỳ phù hợp, vừa vặn giống như một trò chơi ghép hình. Các tảng đá được xếp chồng lên nhau không cần trát vữa, thậm chí vừa vặn đến mức ngay cả một tờ giấy cũng không thể lọt qua được các khe hở, và đủ chắc chắn để chống chọi lại với những trận động đất lớn. Các chuyên gia đều phải thừa nhận công trình này là một ví dụ xuất sắc của nghệ thuật tạo hình, dù vẫn còn nhiều tranh cãi không dứt về cách thức xây dựng.
Khi người Tây Ban Nha chiếm đóng thành phố Cusco vào những năm 1500, họ bắt đầu phá dỡ công trình này, gỡ bỏ và mang những tảng đá đi xây dựng thành phố mới cùng nhà cho cửa cho giới thượng lưu Tây Ban Nha. Ngày nay, những khối đá đang nằm yên tại địa điểm này chính là những khối đá quá lớn mà họ không thể di chuyển được. Những gì còn sót lại của công trình này chỉ chiếm khoảng 1/4 diện tích ban đầu với sức chứa lên tới hơn 10.000 người.
Những bí ẩn xung quanh kiến trúc của pháo đài Sacsayhuaman đã làm cho thành phố cổ Cusco trở nên nổi tiếng. Khu vực này vẫn còn một những vùng rộng lớn khác, để những nhà kiến trúc và khảo cổ ngày nay có thể mở mang tầm mắt, tiếp tục hé lộ những bí ẩn. Năm 2008, một đền thờ đã tình cờ được phát hiện tại đây, với niên đại ước tính từ khoảng năm 900 đến 1200 sau Công nguyên. Một số kết quả điều tra gần đây cho thấy tàn tích Sacsayhuaman có thể là một ngôi đền rất lớn dùng để tế thần Mặt trời.
Một số nhà sử học thời xưa của Tây Ban Nha đã viết rằng: những bức tường bên ngoài công trình này được xây dựng bởi quỷ dữ. Họ cũng tin rằng những người ngoài hành tinh đã tới trợ giúp, hoặc dạy người Inca cách thức vận chuyển đá để xây dựng nên pháo đài Sacsayhuaman này…
Theo An Ninh Thế Giới