Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã phát biểu như vậy tại hội thảo khoa học quốc tế đánh giá tác hại của chất độc da cam/dioxin do Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam. Hội thảo do Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tổ chức sáng 7-8.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nhắc đến tuổi thơ với đầy rẫy khó khăn nhưng so với nhiều người, nhất là nạn nhân chất độc da cam, ông thấy mình rất may mắn.
Các nạn nhân còn sống đang vật lộn với vô vàn khó khăn. Ảnh: VIẾT LONG
Phó Thủ tướng cho rằng người Việt Nam không sản xuất, đi mua, rải chất độc này nhưng người Việt Nam đang gánh chịu hậu quả của nó. Một cuộc chiến tranh mà mỗi người dân Việt Nam phải mang gần 3 lít chất độc… Vì vậy, việc giải quyết hậu quả chất độc là vấn đề lâu dài.
"Không cách nào khác là phải tăng cường hợp tác, phải bằng tiếng nói của khoa học, lương tâm, sự thật để không còn chiến tranh. Để tất cả nạn nhân chiến tranh, đặc biệt là nạn nhân chất độc dioxin được hỗ trợ, trả lại công bằng...” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Với những phát biểu của Phó Thủ tướng, ông Yukio Hatoyama, cựu Thủ tướng Nhật Bản, một lần nữa khẳng định chiến tranh xảy ra không có người nào là chiến thắng. Ngược lại, chiến tranh chắc chắn sẽ mang lại đau khổ và bất hạnh cho vô số người dân vô tội.
"Từ thực tế suy ngẫm, chúng ta phải làm tất cả trong khả năng của mình để đạt được một thế giới không có chiến tranh. Vì vậy, cần có sự nỗ lực mạnh mẽ để hành động thông qua đối thoại mang tính xây dựng và hợp tác nhằm ngăn chặn sự khởi đầu của tất cả cuộc chiến từ trong trứng nước…” - ông Yukio Hatoyama nói.
Hội nghị đánh giá tác tại của chất độc da cam/dioxin. Ảnh: VIẾT LONG
Theo, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, từ năm 1961 đến 1971, quân đội Mỹ đã phun rải gần 80 triệu lít chất độc hóa học, 61% trong đó là chất da cam, chứa 366 kg dioxin xuống miền Nam Việt Nam.
Hậu quả làm cho môi trường, sinh thái bị hủy hoại nặng nề, khoảng 4,8 triệu người bị phơi nhiễm, gần ba triệu người là nạn nhân chất độc da cam/dioxin, hàng trăm ngàn người đã chết.
Những nạn nhân còn sống đang phải vật lộn với các căn bệnh hiểm nghèo, di chứng chất độc da cam đã truyền qua thế hệ con, cháu, chắt. Hàng vạn người bị tước đi quyền làm cha làm mẹ. Hàng triệu trẻ em sinh ra nhưng không được làm người. Không chỉ người Việt Nam, mà cả binh lính Mỹ và đồng minh của Mỹ tham chiến ở Việt Nam cũng là nạn nhân của cuộc chiến tranh hóa học này.