Nạn nhân chết sau một tháng bị đâm, tội gì?

Được đưa đi bệnh viện cấp cứu, một tháng sau anh D. chết do choáng nhiễm trùng, nhiễm độc do viêm đa nội tạng, sau hậu phẫu vết thương thủng ruột non do vật nhọn gây ra. Sau đó nhóm bạn nhậu của anh D. bị khởi tố, truy tố về tội cố ý gây thương tích (dẫn đến chết người).

Tại phiên xử sơ thẩm của TAND quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ), luật sư của gia đình nạn nhân cho rằng phải xử các bị cáo về tội giết người, luật sư của các bị cáo lại nói cái chết của nạn nhân không phải do các bị cáo trực tiếp gây ra mà thuộc về khâu cứu chữa của bệnh viện. Cuối cùng, tòa quyết định trả hồ sơ để làm rõ tội danh của các bị cáo là cố ý gây thương tích hay giết người.

Trước hết phải thừa nhận rằng loại hành vi này về lý luận cũng như thực tiễn xét xử là một loại việc khó! Không thể có một tiêu chí để phân biệt một cách rạch ròi trường hợp nào là cố ý gây thương tích dẫn đến chết người, trường hợp nào là giết người.

Từ những năm 80 của thế kỷ trước, loại hành vi này đã được các chuyên gia bàn luận nhiều trên tạp chí Tư Pháp (nay là tạp chí TAND). TAND Tối cao cũng từng có bản rút kinh nghiệm về loại tội phạm này nhưng cuối cùng thì cũng không thể đưa ra được tiêu chí rõ ràng để phân biệt trường hợp nào là cố ý gây thương tích dẫn đến chết người, còn trường hợp nào là giết người. Hơn 40 năm trôi đi, TAND Tối cao cũng có một số chuyên đề phân biệt giữa hai tội phạm này với nhau nhưng Hội đồng Thẩm phán cũng chưa ra được nghị quyết hướng dẫn chính thức cho các tòa địa phương. Do đó, khi gặp vụ án có các dấu hiệu của hai tội danh giết người hay cố ý gây thương tích thường sẽ có nhiều quan điểm khác nhau.

Tuy nhiên, nói chung đối với trường hợp nếu không có dự mưu từ trước, không có sự bàn bạc giết người từ trước, không có ý định tước đoạt tính mạng của nạn nhân từ trước mà nạn nhân bị đâm, bị chém, bị đánh… sau một thời gian ba, bốn ngày mới chết thì các tòa thường định tội là cố ý gây thương tích dẫn đến chết người.

Trở lại vụ án trên, cần làm rõ một số vấn đề để định tội danh chính xác: Hai bị cáo rủ nhau “đánh dằn mặt” anh D. vì uống rượu thường không hùn tiền trả là đánh như thế nào. Các bị cáo khác có nhìn thấy một bị cáo giật kéo từ tay bạn để đâm anh D. hay không. Nếu sau khi anh D. đã bị người này đâm, các bị cáo khác đều biết nhưng vẫn còn xông vào đấm đá nạn nhân thì các bị cáo phải chịu chung về hậu quả do người đâm gây ra cho nạn nhân.

Đặc biệt, cần phải làm rõ nguyên nhân gây ra cái chết cho anh D. là do bị đâm, bị đấm đá hay do bị nhiễm trùng, nhiễm độc dẫn đến tử vong. Nếu nguyên nhân dẫn đến cái chết của anh D. là do khâu cứu chữa thì không thể buộc các bị cáo chịu trách nhiệm về cái chết của anh D. được. Bởi lẽ hành vi của các bị cáo chỉ gây ra thương tích, còn cái chết của nạn nhân là do điều trị, để nhiễm trùng.

Luật sư ĐINH VĂN QUẾ, nguyên Chánh Tòa Hình sự TAND Tối cao

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm