Trên các số báo trước, Pháp Luật TP.HCM phản ánh nạn trộm cắp, mất ngư cụ, tranh giành ngư trường ở biển Tây.
Trước thực trạng này, Công an tỉnh Cà Mau đã “Cám ơn báo Pháp Luật TP.HCM đã quan tâm, phản ánh để cùng lực lượng chức năng đấu tranh phòng chống tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh”.
Xảy ra 21 vụ mất vỏ ốc bẫy mực
Theo công an tỉnh, hoạt động đánh bắt bằng hình thức ốc bẫy mực diễn ra thường xuyên trên vùng biển giáp ranh Cà Mau - Kiên Giang, cách bờ khoảng 5 hải lý và phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên, thời tiết.
Công cụ phục vụ hoạt động đánh bắt của ngư dân là vỏ ốc, được thả cố định dưới đáy biển, thường không có phao, đèn báo hiệu, không có người trông coi.
Bộ đội biên phòng trên đường đi tuần tra ở biển Cà Mau. Ảnh: TV |
Riêng địa bàn huyện Trần Văn Thời và huyện U Minh có 266 phương tiện hoạt động đánh bắt bằng hình thức ốc bẫy mực (Trần Văn Thời 156 phương tiện; U Minh 110 phương tiện).
Từ đầu năm 2021 đến ngày 31-5-2022, trên địa bàn các huyện Trần Văn Thời, U Minh xảy ra 21 vụ mất ốc bẫy mực (Trần Văn Thời: 11 vụ, U Minh: 10 vụ). Việc mất ốc bẫy mực do nhiều nguyên nhân như tác động điều kiện tự nhiên (bão, thủy triều) do thả dây ốc chồng lấn, ngư dân này làm đứt dây ốc của ngư dân kia, do các ghe cào, đánh bắt bị vướng, cuốn trôi...
Thời gian qua, công an tỉnh thường xuyên chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, công an huyện ven biển chủ động phối hợp với lực lượng biên phòng đấu tranh phòng chống các loại tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự dọc theo tuyến ven biển.
Đặc biệt, công an tập trung tuyên truyền, vận động người dân cảnh giác, bảo vệ tài sản, đồng thời chỉ đạo các lực lượng tăng cường tuần tra, kiểm soát, bảo đảm an ninh trật tự, quản lý chặt địa bàn, đối tượng, phương tiện khai thác, đánh bắt thủy hải sản; thực hiện tốt công tác tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm trộm cắp ngư lưới cụ.
Công an giao trả cho chị Lư Thị Kiên số vỏ ốc bẫy mực bị mất vào năm 2021. Ảnh: TV |
Kết quả là từ năm 2021 đến ngày 31-5-2022, lực lượng công an phối hợp biên phòng điều tra, khởi tố hai vụ án với sáu bị can về tội trộm cắp tài sản là ngư lưới cụ; thu hồi, trả lại cho bị hại 3.400 vỏ ốc bẫy mực và 400 cái lú quế. Các vụ án đều xảy ra ở vùng biển thuộc huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau (một vụ xảy ra ngày 30-1-2021 và vụ còn lại xảy ra ngày 21-3-2022).
Công an khuyến cáo ngư dân
Công an tỉnh Cà Mau thông tin: Để góp phần cùng ngư dân bảo vệ tài sản (ốc bẫy mực) và đấu tranh, xử lý nghiêm kẻ trộm cắp, Công an tỉnh Cà Mau tiếp tục phối hợp các ngành chức năng trong tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động ngư dân chấp hành nghiêm quy định của pháp luật, nâng cao ý thức cảnh giác, chủ động, chặt chẽ trong bảo vệ tài sản; tích cực trong đấu tranh, tố giác tội phạm, nhất là tội phạm trộm cắp ngư lưới cụ trên biển.
Công an tỉnh cũng chỉ đạo lực lượng phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan, nhất là lực lượng biên phòng, Sở NN&PTNT tăng cường công tác nắm tình hình, tuần tra, kiểm soát, bảo đảm an ninh trật tự trên các tuyến ven biển. Đồng thời có kế hoạch xác minh, xử lý các nhóm trộm cắp, tiêu thụ ngư lưới cụ trên địa bàn các huyện ven biển, không để kẻ gian tiếp tục hoạt động, gây mất an ninh trật tự khu vực ven biển của tỉnh.
“Công an tỉnh Cà Mau tiếp tục cám ơn sự hỗ trợ, phối hợp có hiệu quả của báo Pháp Luật TP.HCM, giúp công an tỉnh bảo vệ cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân” - phản hồi của Công an tỉnh Cà Mau nêu.
Ba điều ngư dân nên làm
Ngư dân cần nâng cao cảnh giác, chủ động trong bảo vệ ốc bẫy mực bằng việc dây kết nối vỏ ốc bẫy mực nên gắn phao, đèn báo hiệu, đánh dấu vị trí và bố trí người trông coi... Việc này sẽ tránh tình trạng xảy ra việc thả ốc bẫy mực chồng lấn, ghe cào bị vướng, cuốn trôi hoặc bị mất trộm…
Khi bị mất ốc bẫy mực cần nhanh chóng trình báo đồn biên phòng hoặc công an nơi gần nhất để kịp thời phối hợp xác minh, xử lý.
Đánh dấu đặc điểm riêng để dễ nhận biết ngư lưới cụ, ốc bẫy mực của mình nếu có xảy ra tranh chấp, chồng lấn hoặc bị cuốn trôi ngư dân khác nhặt được…