Ngày 18-12, đài RT dẫn thông báo từ phái bộ Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại Kosovo cho biết Lực lượng gìn giữ hòa bình ở Kosovo do NATO lãnh đạo (KFOR) sẽ tổ chức các cuộc tập trận quân sự “chiến thuật” trong những ngày tới tại lãnh thổ này.
Thông báo trên được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa chính quyền được phương Tây hậu thuẫn ở Kosovo với cộng đồng thiểu số người Serbia sinh sống ở lãnh thổ này.
“KFOR sẽ tiến hành một cuộc tập trận quân sự gần căn cứ của họ ở khu vực làng Novo Selo” - phái bộ NATO tại Kosovo thông báo trên mạng xã hội Twitter.
Các binh sĩ KFOR tuần tra gần biên giới Kosovo-Serbia vào ngày 2-10-2021. Ảnh: AP |
Theo NATO, cuộc tập trận nhằm mục đích “huấn luyện các đơn vị KFOR đảm bảo quyền tự do di chuyển trong tình huống ứng phó với khủng hoảng, sẽ bao gồm một loạt các hoạt động hậu cần và mô phỏng chiến thuật”.
“Quyền tự do di chuyển” mà NATO nhắc đến có thể ám chỉ việc dỡ bỏ các chướng ngại vật mà cộng đồng người thiểu số Serbia ở Kosovo đã dựng lên xung quanh lãnh thổ này hồi đầu tháng để chống lại sự xâm nhập của lực lượng an ninh Kosovo.
Rào chắn được dựng lên sau khi cảnh sát Kosovo bắt giữ một sĩ quan người Serbia vào tuần trước, cáo buộc sĩ quan này tấn công một trong những đội tuần tra của họ.
Trước đó, hôm 15-12, Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic đã yêu cầu KFOR cho phép nước này triển khai 1.000 binh sĩ và sĩ quan cảnh sát Serbia đến Kosovo, nói rằng hành động này phù hợp với Nghị quyết 1244 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Nghị quyết này, chấm dứt chiến dịch ném bom của NATO vào Nam Tư cũ vào năm 1999, cho phép Serbia cử quân đội và cảnh sát tới Kosovo trong một số tình huống nhất định, kể cả khi "cuộc sống bình thường và yên bình" của người dân ở đó bị đe dọa.
Mặc dù KFOR vẫn chưa phản hồi yêu cầu của ông Vucic, song lực lượng này nói với truyền thông Mỹ vào ngày 16-12 rằng họ “hiện đang đánh giá” yêu cầu trên. Một ngày sau đó, KFOR công bố mở rộng kế hoạch triển khai lực lượng ở phía bắc Kosovo.