Tổng thống Serbia nói nước ông đang trong 'tình thế cực khó khăn' liên quan vấn đề Kosovo

(PLO)- Tổng thống Serbia cho biết nước này đang ở trong một tình thế cực kỳ khó khăn, sau khi căng thẳng bùng lên giữa Belgrade và chính quyền ly khai Kosovo ở phía bắc.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sau cuộc họp của Hội đồng An ninh Quốc gia Serbia ngày 11-12, Tổng thống Aleksandar Vucic cho biết nước này đang ở trong một tình thế cực kỳ khó khăn, liên quan tình hình Kosovo, theo hãng tin Reuters

Phát ngôn của ông Vucic được đưa ra khi căng thẳng bùng lên giữa Belgrade và chính quyền ly khai Kosovo ở phía bắc, nơi những người biểu tình Serbia dựng rào chắn vào cuối tuần qua.

Tổng thống Serbia - ông Aleksandar Vucic. Ảnh: REUTERS

Tổng thống Serbia - ông Aleksandar Vucic. Ảnh: REUTERS

Ông Vucic nhấn mạnh rằng sự bế tắc không gì khác hơn là “một nỗ lực nhằm chấm dứt vấn đề của người Serbia ở Kosovo”, đồng thời đổ lỗi cho Pristina gây ra những căng thẳng. Ông cáo buộc “một bộ phận cộng đồng quốc tế” “tham gia” kế hoạch của chính quyền Kosovo.

Ông Vucic kêu gọi người Serbia ở miền bắc Kosovo “bình tĩnh và hòa bình và không để bị khiêu khích”. Cụ thể, tổng thống yêu cầu người dân kiềm chế mọi hành động gây hấn chống lại EULEX và KFOR - lần lượt là các phái bộ của Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đóng tại Kosovo.

"Không ai, trong mọi trường hợp, được tham gia vào các cuộc tấn công vào EULEX và KFOR" - ông nói với Reuters.

Ông cũng cho biết Belgrade đã nhận được "sự đảm bảo" từ KFOR rằng họ sẽ không thực hiện "các hành động bạo lực" đối với người biểu tình. “Chúng tôi sẽ làm mọi thứ để duy trì hòa bình và ổn định” - ông nói thêm.

Tổng thống Serbia từ chối giải thích chi tiết về các bước mà Hội đồng An ninh Quốc gia đã thông qua. Khi được hỏi liệu Belgrade có tìm cách giảm leo thang tình hình ở phía bắc Kosovo hay không, ông trả lời: "Chắc chắn rồi".

Tuy nhiên, ông Vucic cáo buộc Mỹ đứng về phía Kosovo và chống lại Serbia bằng cách không tôn trọng các thỏa thuận đạt được với Belgrade. Tổng thống cho rằng Washington đã nuôi dưỡng Kosovo như một “đứa trẻ” trong khoảng 20 năm, đồng thời khẳng định rằng Mỹ hiện đang “bảo vệ” nó.

Cùng ngày, Thủ tướng Ana Brnabic nói EU sẽ mất tất cả thẩm quyền và uy tín nếu họ tiếp tục khăng khăng yêu cầu người Serbia ở Kosovo dỡ bỏ các chướng ngại vật mà họ đã dựng lên.

Bà Brnabic cáo buộc EU đã phớt lờ hoàn toàn nhu cầu của người Serbia ở Kosovo bằng cách nói rằng khối này chỉ “để ý" đến tình hình khu vực khi có các chướng ngại vật”. Việc dựng lên chúng không chỉ là biểu hiện của “sự bất mãn và tuyệt vọng” mà còn là “lời kêu gọi hòa bình và cũng là lời kêu gọi hành động [về phía] cộng đồng quốc tế" - bà Brnabic khẳng định.

Bế tắc ở miền bắc Kosovo nơi tập trung nhiều người Serbia bắt đầu sau khi một cựu sĩ quan cảnh sát bị bắt giữ với cáo buộc tấn công một đội tuần tra thực thi pháp luật Kosovo. Căng thẳng càng leo thang sau khi Pristina tuyên bố sẽ sớm tổ chức bầu cử trong khu vực.

Ngày 10-12, hàng trăm người Serbia đã dựng rào chắn chặn đường và cản trở giao thông tại hai cửa khẩu biên giới chính ở phía bắc Kosovo. Sau khi căng thẳng bùng lên, EU, Mỹ và NATO đã yêu cầu cả hai bên kiềm chế và yêu cầu dỡ bỏ các rào chắn.

Kosovo tuyên bố độc lập khỏi Serbia vào năm 2008, sau cuộc chiến 1998-199, trong đó NATO can thiệp để bảo vệ Kosovo khi đó tập trung chủ yếu là người Albania.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm