“Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa sản xuất vừa bán lẻ điện, lại xây dựng biểu giá điện là không hợp lý, không khách quan. Do vậy, cần có một cơ quan độc lập chịu trách nhiệm xây dựng chính sách về điện”. Nhiều chuyên gia đã đề xuất như thế tại hội thảo xây dựng thể chế thị trường năng lượng cạnh tranh ở Việt Nam do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức hôm 1-7 tại Hà Nội.
Gánh nặng đè lên vai người dùng
Các chuyên gia đã tập trung mổ xẻ câu chuyện độc quyền thị trường sinh ra biểu giá điện bất cập làm nóng dư luận thời gian gần đây. Theo TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng CIEM, Bộ Công Thương và EVN cần xem lại biểu giá lũy tiến đang áp dụng có phù hợp với thu nhập của người dân hiện nay không. Theo ông, việc tính giá điện lũy tiến đang là vấn đề bức xúc của dư luận. Người dân có cơ sở để hoài nghi về các khuất tất trước các hóa đơn tiền điện cao bất thường. “Ngành điện lấy lý do giá điện thấp, không thu hút nhà đầu tư nên phải tăng giá điện là dồn gánh nặng lên đầu người dân” - ông nói.
TS Doanh cho rằng EVN nói giá điện trong nước còn thấp so với các nước rồi tăng giá. Nhưng thu nhập của người dân có bằng nước đó không mà so sánh về giá điện với họ? Chẳng hạn, giá điện ở Việt Nam thấp so với Singapore nhưng thu nhập của họ cao hơn rất nhiều lần. Vì vậy, EVN cần phải xem lại giá điện hiện nay có phù hợp không.
Việc tính giá điện lũy tiến đang là vấn đề bức xúc của dư luận. Ảnh: HTD
Đi vào cụ thể, TS Doanh nói: “Tại sao ngành điện lại lấy mốc tiêu thụ ban đầu là 50 kWh? Mức này quá ít với nhiệt độ nắng nóng hiện nay. Ngoài ra, biểu giá điện lũy tiến cần được tính giãn ra, phù hợp từng đối tượng tiêu thụ. Với nhiệt độ thời tiết tăng lên cao, giá điện như vậy càng oằn vai người dân” - ông Doanh nhấn mạnh.
Ngoài ra, theo ông Doanh, không chỉ với hộ tiêu dùng, ngành điện đang đẩy khó khăn cho cả doanh nghiệp, nhất là các ngành thép, xi măng. Các doanh nghiệp này cũng đang cắn răng chịu giá điện cao. Điều này làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trong quá trình hội nhập.
Độc quyền sinh bất bình đẳng
TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM, cũng cho rằng ngành điện của Việt Nam còn đầy rẫy mâu thuẫn lợi ích nội tại. Theo đó, Bộ Công Thương vừa quản lý vừa làm chính sách và lại là chủ sở hữu, điều hành EVN. Phần mình, EVN vừa sản xuất, phân phối và bán lẻ. Đây là những thách thức cải cách rất lớn vì muốn thay đổi thì phải thay đổi cấu trúc quyền lực và quyền lợi. “Người trong cuộc không bao giờ tự thay đổi, chỉ khi có áp lực bên ngoài đủ lớn. Do vậy, chúng ta cần hiểu được thị trường thế nào, kinh nghiệm các nước ra sao mới có kiến nghị hợp lý để có sự thay đổi. Chúng ta đang chuyển đổi sang kinh tế thị trường, nguyên tắc cái nào thị trường tự định giá thì để thị trường tự quyết. Những thứ gì cạnh tranh được thì thiết lập cạnh tranh và Nhà nước chỉ quản lý ở khâu độc quyền tự nhiên” - ông Cung bày tỏ.
TS Nguyễn Ngọc Hưng, Viện Năng lượng (Bộ Công Thương), cho rằng mức độ cạnh tranh của thị trường điện Việt Nam rất thấp. EVN đang độc quyền, ôm tất cả các khâu từ sản xuất, truyền tải đến bán lẻ tạo ra sự bất bình đẳng trong cạnh tranh. Cụ thể, EVN có rất nhiều nhà máy điện và các trung tâm điều độ điện quốc gia, tổng công ty truyền tải đều thuộc EVN. Nhà đầu tư nào muốn đầu tư vào thị trường điện đều phải “qua tay” EVN để đấu nối vào hệ thống lưới điện.
Ông Hưng kết luận: “Yếu tố kỹ thuật và thể chế là rào cản đối với các nhà đầu tư khi tham gia vào thị trường điện. Các nhà máy điện lớn phải phụ thuộc, đàm phán giá với EVN, do chỉ được bán điện cho một người mua duy nhất là EVN. Còn nhà máy nhỏ không vướng rào cản về cơ chế nhưng muốn bán điện vẫn phải thông qua EVN đấu nối vào hệ thống lưới điện”.
TS Lê Đăng Doanh nhấn mạnh việc EVN và Bộ Công Thương xây dựng chính sách điện là không hợp lý. Thực tế Bộ Công Thương chưa bao giờ từ chối đề xuất tăng giá điện của EVN. Do vậy vấn đề cốt lõi là cải cách thể chế, cần có cơ quan độc lập, tách khỏi chức năng chủ sở hữu của bộ này. Cơ quan độc lập - tách chức năng chủ sở hữu. Cơ quan độc lập này có thể trực thuộc Quốc hội hoặc Ủy ban MTTQ.
Hóa đơn tiền điện: Có nghi ngờ thì cứ khiếu nại Tại cuộc họp giao ban sáu tháng đầu năm của Bộ Công Thương ngày 1-7, ông Nguyễn Tài Anh, Phó Tổng Giám đốc EVN, cho biết việc hóa đơn tiền điện tăng trong tháng 5 và tháng 6 là do nhu cầu dùng điện tăng cao. Doanh thu toàn tập đoàn tháng 6 là 109 tỉ đồng. Trường hợp nào có nghi ngờ về hóa đơn tiền điện tăng bất thường thì EVN sẽ tạo điều kiện để khách hàng kiểm soát ghi chỉ số điện hằng tháng. Các số liệu này đều được công khai, minh bạch. Ngoài ra, biểu giá điện hiện nay được căn cứ trên quy định pháp luật, cũng như chủ trương chính sách của Bộ Công Thương. Các trường hợp khiếu nại hóa đơn điện sẽ được các chi nhánh điện kiểm tra giải quyết và giải thích với khách hàng. |