Đây là quan điểm của ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), đưa ra tại tọa đàm công bố báo cáo kinh tế vĩ mô quý II-2016 do CIEM tổ chức ngày 26-7. CIEM cũng là cơ quan được giao chủ trì soạn thảo dự thảo nghị định về việc thành lập ủy ban quản lý, giám sát vốn và tài sản nhà nước tại DN.
Theo đó, ông Cung nhấn mạnh khi ủy ban ra đời sẽ thay đổi hoàn toàn cơ chế xin-cho, vừa đá bóng vừa thổi còi ở các bộ, ngành. Lý do là hiện nay các bộ, ngành đang vừa thực hiện chức năng quản lý nhà nước vừa đại diện phần vốn nhà nước tại các DN.
Tuy nhiên, TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng CIEM, nghi ngại về tính khả thi của mô hình siêu ủy ban này. Ông Doanh cho rằng ở Việt Nam có quá nhiều DN nhà nước với nhiều quan hệ phức tạp sẽ gây ra khó khăn trong công tác quản lý. “Nên chăng thử nghiệm ở quy mô nhỏ rồi hãy xem xét tiếp đến việc thành lập một siêu ủy ban” - ông Doanh đề nghị.
Tại tọa đàm, nhiều chuyên gia kinh tế khác cũng cho rằng không nên thực hiện ngay phương án lập siêu ủy ban mà nên cẩn thận suy xét kỹ lưỡng, chuyển biến từng bước, tham vấn nhiều bên, thí điểm trước khi nhân rộng mô hình.
Cũng tại tọa đàm, CIEM đã phác họa bức tranh toàn cảnh về nền kinh tế Việt Nam không mấy sáng sủa. Theo đó tăng trưởng kinh tế không đạt kỳ vọng và chưa lấy được đà phục hồi. Việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong cả năm 2016 không khả thi. Tăng trưởng kinh tế quý III dự báo chỉ có thể đạt mức 6,14%.