Nếu không chết, họ đã có thể....

(PLO)- Xung đột Israel-Hamas khiến hệ thống giáo dục ở Gaza gần như sụp đổ, làm những con người tài năng mất đi cơ hội cống hiến cho quê hương mình.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Nếu đúng theo chương trình, anh Yasser al-Ostaz đang bước vào năm cuối tại ĐH Al-Azhar ở TP Gaza (bắc Gaza, Palestine). Nhưng vào ngày 7-10, đúng một tuần sau khi anh vào năm học mới, hy vọng hoàn thành chương trình học và nhận tấm bằng kỹ sư đã tan thành mây khói, do xung đột Israel-Hamas nổ ra.

Hiện tại, anh al-Ostaz đang sống trong một căn lều ở TP Rafah (cực nam Gaza). Anh al-Ostaz vô cùng lo lắng cho số phận của mình sau khi xung đột kết thúc.

“Nhà cửa và trường đại học của chúng tôi bị phá hủy. Chúng tôi không còn gì cả. Tôi nghĩ đến việc rời đi, nhưng tôi không biết phải làm gì cả” – anh al-Ostaz nói.

(PLO)- Xung đột Israel-Hamas khiến hệ thống giáo dục ở Gaza gần như sụp đổ, làm những con người tài năng mất đi cơ hội cống hiến cho quê hương mình.
Một cậu bé kéo xe qua tòa nhà bị hư hại nặng nề của ĐH Al-Azhar ở TP Gaza hồi tháng 2. Hệ thống giáo dục ở Gaza gần như bị sụp đổ do xung đột. Ảnh: AFP

Theo tờ Financial Times, anh al-Ostaz có “một triệu câu hỏi” cứ luẩn quẩn trong đầu mình.

“Khi tôi chuyển sang nơi khác, những năm tôi học ở trường ĐH có được tính không, hay tôi sẽ phải bắt đầu lại từ đầu? Liệu tôi có thể đi du lịch được không? Tôi có thể gom góp tiền để đi được không?” – anh al-Ostaz tự hỏi.

Tình trạng của anh al-Ostaz cũng là câu chuyện chung của nhiều người trẻ ở Gaza. Xung đột đã cướp đi của họ niềm vui, quyền học tập và ước mơ cống hiến tài năng cho xã hội.

Hệ thống giáo dục ở Gaza gần như sụp đổ

Trước khi xung đột Israel-Hamas nổ ra, Gaza có hơn 800 trường học ở và 17 cơ sở giáo dục sau trung học phổ thông, trong đó có ít nhất 6 trường đại học. Tuy nhiên, nhiều cơ sở trong số này đã bị bom đạn làm hư hại hoặc phá hủy hoàn toàn.

ĐH Al-Azhar mà anh al-Ostaz theo học được thành lập vào năm 1991. Đây được coi là một trong những trường đại học cởi mở ở Gaza nhờ chương trình giảng dạy và các lớp học dành cho cả nam và nữ.

Tuy nhiên, phần lớn cơ sở của trường ở TP Gaza đã bị hư hại do các cuộc không kích của Israel. Trong khi đó, cơ sở thứ hai của trường ở thị trấn Al-Mughraqa gần đó cũng đang trong tình trạng đổ nát. Những tòa nhà nguyên vẹn của ngôi trường này giờ là nơi trú ẩn cho hàng ngàn người dân Gaza phải sơ tán.

Theo Financial Times, hàng chục ngàn sinh viên như anh al-Ostaz và gia đình của hơn 600.000 trẻ em tại Gaza vẫn chưa biết khi nào trường học được mở lại.

Hậu quả của việc trường học và hệ thống giáo dục bị phá hủy là rất nặng nề. Các chuyên gia cảnh báo việc hệ thống giáo dục ở Gaza bị phá hủy sẽ hủy hoại cuộc sống của người dân nơi đây.

ftcms_555dcf15-edde-4450-9b05-bb7f863d9435.jpg
Một lớp học cho trẻ em sơ tán ở TP Rafah vào tháng 3. Ảnh: AFP

Các cuộc tấn công của Israel không chỉ san phẳng hàng trăm trường học mà còn giết chết nhiều người dân Gaza có học thức, bao gồm sinh viên, chuyên gia trẻ, người làm văn hóa, giáo viên và GS ĐH. Một số người cho rằng sự mất mát đối với xã hội Gaza là điều không thể đo lường được.

Ông Ala Alazzeh – GS nhân chủng học tại ĐH Birzeit ở Bờ Tây – cho biết: “Cơ cấu xã hội của các cộng đồng ở Gaza và khả năng xây dựng lại cuộc sống của họ đã bị phá hủy. Hãy nhìn vào số lượng giáo sư bị thiệt mạng. Các cơ sở học tập đã bị phá hủy. Nó sẽ không chỉ là vấn đề xây dựng lại cơ sở vật chất mà còn là vấn đề năng lực và đào tạo học thuật”.

Nếu không chết, họ đã có thể...

Người Palestine tại Gaza và Bờ Tây từ lâu đã được coi là một trong những nhóm người có trình độ đọc viết cao nhất trong nhóm các quốc gia Ả Rập, dù trải qua nhiều khó khăn, xung đột.

Theo Cục Thống kê Trung ương Palestine vào tháng 9 năm 2023, tỉ lệ biết chữ của người Palestine ở mức gần 98%, tương đương tỉ lệ ở các quốc gia vùng Vịnh giàu có. Tỉ lệ mù chữ giảm từ 13,9% năm 1997 xuống còn 2,2% vào năm 2023.

Cuộc xung đột hiện tại không những tàn phá hệ thống giáo dục ở Gaza mà còn khiến cho ước mơ của những tài năng trẻ tại dải đất này không thể thành hiện thực.

Anh Maisara Alrayyes (28 tuổi) là một bác sĩ trẻ và đã hoàn thành bằng Thạc sĩ tại ĐH Nhà vua London, nhờ có được học bổng Chevening danh giá của Vương quốc Anh.

Với bằng cấp ưu tú, anh Alrayyes có thể kiếm được một công việc được trả lương cao ở các nước vùng Vịnh hoặc châu Âu. Nhưng với tình yêu quê hương, anh đã chọn quay trở lại Gaza và làm việc cho một tổ chức từ thiện quốc tế. GS Mads Gilbert – thầy của anh Alrayyes – cho biết: “Cậu ấy chăm chỉ, rất chính xác, rất đáng tin cậy, luôn tốt bụng và có khiếu hài hước”.

GS Gilbert và anh Alrayyes còn khởi động một dự án nhằm cung cấp khóa học sơ cứu cho những người dân bình thường. Tuy nhiên, anh Alrayyes đã thiệt mạng cùng với cha mẹ và nhiều người khác do cuộc không kích của Israel vào ngày 6-11-2023.

Tương tự, sau khi hoàn thành chương trình học thuộc học bổng Fulbright, anh Tariq Thabet quay về Gaza vào năm 2022. Anh phụ trách mảng tạo lập doanh nghiệp tại ĐH Khoa học Ứng dụng.

Bạn bè của anh Thabet ước tính anh đã giúp hàng ngàn thanh niên tìm được việc. Hôm 29-10-2023, anh Thabet và hơn chục thành viên trong gia đình đã thiệt mạng do cuộc không kích của Israel vào trung tâm TP Gaza.

imgonline-com-ua-twotoone-btrnnGg7wxpxR.jpg
Anh Maisara Alrayyes (trái) và anh Tariq Thabet. Ảnh: FINANCIAL TIMES

Một trường hợp khác, là bác sĩ phụ khoa và sản khoa, cô Sirin al-Attar từng làm việc cho Cơ quan Liên Hợp Quốc hỗ trợ người tị nạn Palestine (UNRWA). Cô đã thiệt mạng sau trận đánh bom vào trại tị nạn al-Bureij ở miền trung Gaza hôm 11-10-2023.

Cô al-Attar tốt nghiệp ĐH Al-Quds ở Jerusalem. Cô từng hành nghề y ở Gaza, Jordan và Saudi Arabia, gây ấn tượng với đồng nghiệp về sự tận tâm trong quá trình làm việc và sự đồng cảm với bệnh nhân.

“Cô ấy là một trong những bác sĩ giỏi nhất, tuyệt vời nhất và nhân đạo nhất mà tôi từng gặp và điều trị” – bà Ghada al-Jadba, người đứng đầu chương trình y tế của UNRWA, cho biết.

Khác với những nhân vật trên, cô Abu Nada là người làm trong lĩnh vực văn hóa. Từ lâu, cô Nada thường đăng những đoạn thơ mới của cô và những câu nói ngắn gọn trên mạng xã hội, kèm những bức ảnh chụp cuộc sống tại Gaza.

Các bài đăng của cô Nada được lan truyền rộng rãi, thu hút sự chú ý của nhiều người. Những ngày Gaza chìm trong khói lửa, cô Nada cũng đăng tải các bài thơ cho thấy dải đất đã bị tàn phá kinh hoàng.

Cô Abu Nada thiệt mạng trong một cuộc không kích của Israel vào nhà cô ở TP Khan Younis (nam Gaza) vào ngày 20-10-2023. Khi ấy, cô 32 tuổi.

Xung đột đã khiến những người trẻ này không thể tiếp tục làm việc, sống với đam mê của mình.

Nếu xung đột không xảy ra, hệ thống giáo dục ở Gaza có thể tiếp tục thực hiện vai trò bảo vệ và thúc đẩy quyền học tập cho hàng trăm ngàn trẻ em. Và nếu những người trẻ trên không chết, họ đã có thể tiếp tục cống hiến tài năng của mình, để xã hội Gaza có cơ hội khởi sắc.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm