Mất bao lâu để Mỹ xây xong cảng tạm thời ở Gaza đưa viện trợ vào?

(PLO)- Theo kế hoạch, quân đội Mỹ sẽ xây một bến cảng nổi và lắp đặt nó ngoài khơi Gaza và cảng này sẽ được nối vào đất liền thông qua một con đường được xây dựng tạm thời.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã lệnh cho quân đội Mỹ xây dựng một cảng tạm thời trên bờ biển của Dải Gaza (Palestine) ở Địa Trung Hải. Cảng tạm thời dự kiến giúp tạo thêm đường đưa hàng viện trợ vào Gaza, góp phần giải quyết tình trạng mất an ninh lương thực đang rất nghiêm trọng tại dải đất này, theo hãng tin Reuters.

Vì sao Mỹ quyết định xây cảng tạm thời ở Gaza?

Liên Hợp Quốc (LHQ) đã cho biết Gaza phải đối mặt nạn đói và cảnh báo "những trở ngại quá lớn" gây khó khăn trong việc nhận viện trợ và phân phối hàng viện trợ xung quanh khu vực này.

Mất bao lâu để Mỹ xây xong cảng tạm thời ở Gaza?
Người dân Gaza lấy các bao bột mì từ một xe chở hàng viện trợ nhân đạo hồi tháng 2. Ảnh: REUTERS

Các cơ quan viện trợ đã kêu gọi Israel tạo điều kiện thuận lợi cho việc gửi hàng cứu trợ vào Gaza và giúp các đoàn xe của họ đi lại an toàn trong dải đất này. Về phía Israel, nước này cho biết họ không đặt ra giới hạn về số lượng viện trợ nhân đạo cho dân thường vào Gaza. Israel cho rằng việc hàng hóa đến tay người dân chậm trễ là do khả năng phân phối của LHQ.

Trong khi đó, chính quyền Tổng thống Biden phải chịu áp lực từ các thành viên đảng Dân chủ về vấn đề Gaza. Nhiều đảng viên Dân chủ đề nghị ông Biden hành động nhiều hơn để Israel tạo điều kiện cho hàng cứu trợ vào Gaza.

Viện trợ hiện nay vào Gaza bằng cách nào?

Hầu hết viện trợ đều được chuyển bằng đường bộ qua cửa khẩu biên giới Rafah (nối Gaza với Ai Cập). Bên cạnh đó, kể từ tháng 12-2023, Israel cho phép hàng viện trợ đi qua cửa khẩu Kerem Shalom (nối Israel với Gaza). Tuy nhiên, dòng viện trợ đi qua hai cửa khẩu này với tốc độ rất chậm.

LHQ cho rằng hoạt động của các cửa khẩu tồn tại nhiều bất cập khi số phương tiện qua lại bị hạn chế, thủ tục kiểm tra phức tạp, đường sá bị hư hỏng. Bên cạnh đó, lượng bom mìn chưa nổ trên các con đường cũng gây khó khăn cho đoàn xe của tổ chức này trong quá trình phân phối hàng viện trợ.

Một số quốc gia như Mỹ và Jordan cũng đã bắt đầu thả viện trợ bằng đường hàng không. Dù vậy, các cơ quan cứu trợ cho biết biện pháp này cung cấp lượng viện trợ nhỏ hơn nhiều so với lượng viện trợ được vận chuyển bằng xe tải.

Ủy ban châu Âu cũng cho biết hành lang viện trợ hàng hải từ Cyprus đến Gaza sẽ sớm bắt đầu hoạt động. Ủy ban châu Âu xác nhận hành lang này được Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất hỗ trợ hoạt động và không nêu chi tiết về cách thức vận hành của hành lang này.

Cảng tạm thời ở Gaza sẽ hoạt động ra sao?

Quân đội Mỹ sẽ xây dựng một bến cảng nổi và lắp đặt nó ở ngoài khơi Gaza. Reuters dẫn lời một quan chức nói rằng cảng này sẽ được nối vào đất liền thông qua một con đường được xây dựng tạm thời.

Viện trợ sẽ được chuyển đến Gaza từ Cyprus. Tại Cyprus, các quan chức Israel sẽ kiểm tra hàng viện trợ – như cách họ đang làm tại các cửa khẩu với Gaza – để ngăn những phương tiện có thể sử dụng cho mục đích quân sự đi vào Gaza.

2024-03-08t125556z_1_lynxnpek270ez_rtroptp_3_israel-palestinians-aid.jpg
Hàng viện trợ được thả vào Gaza vào ngày 7-3. Ảnh: REUTERS

Mất bao lâu để xây dựng cảng tạm thời ở Gaza?

Ông Biden không nói rõ về thời gian xây dựng cảng tạm thời ở Gaza. Tuy nhiên, Reuters dẫn lời một quan chức cho biết Mỹ cần "vài tuần để lên kế hoạch và xây dựng cảng”.

Trong khi đó, thư ký báo chí Lầu Năm Góc – Thiếu tướng John C. Patrick Ryder – cho biết Mỹ có thể sẽ cần tới 1.000 nhân viên quân sự để xây dựng cảng tạm thời và đường nối tạm thời.

Cảng tạm thời sẽ được xây dựng ở đâu?

Đến nay, vị trí xây dựng cảng tạm thời vẫn chưa được tiết lộ.

Theo Hiệp định hòa bình Oslo năm 1993, các nước châu Âu hứa sẽ xây dựng một cảng biển gần TP Gaza (bắc Gaza). Tuy nhiên, cam kết này sau đó đã không được thực hiện. Hiện nay, khu vực mà các nước châu Âu dự kiến xây cảng năm xưa đã biến thành một cảng cá nhỏ, không phù hợp cho các tàu lớn tiến vào.

Ngoài ra, Gaza có một cầu tàu dài được xây dựng trên biển gần TP Khan Younis (nam Gaza), thường được các tàu đánh cá dùng để cập vào.

Các bên liên quan nói gì về kế hoạch?

Phía Israel cho biết họ "hoàn toàn ủng hộ việc triển khai một bến cảng tạm thời ở Gaza" và hứa "hợp tác đầy đủ". Trong khi đó, phía Hamas vẫn chưa đưa ra bình luận về vấn đề này.

2024-03-05t171118z_1_lynxnpek240mg_rtroptp_3_israel-palestinians-gaza.jpg
Trẻ em Gaza chờ nhận thức ăn từ một bếp ăn từ thiện ở TP Rafah (nam Gaza) hôm 5-3. Ảnh: REUTERS

Ngày 7-3, người phát ngôn LHQ Stéphane Dujarric đánh giá cao kế hoạch của Mỹ nhằm xây dựng một cảng tạm thời ở Gaza để nhận viện trợ nhân đạo.

Ông Dujarric cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường cung cấp viện trợ qua các tuyến đường bộ. "Trọng tâm của chúng tôi và cộng đồng quốc tế là tăng cường phân phối và tiếp nhận viện trợ trên quy mô lớn bằng đường bộ" – ông Dujarric nói.

Người phát ngôn LHQ cho rằng phân phối viện trợ trên bộ hiệu quả về mặt chi phí và phân phối.

Cùng ý kiến, bà Sigrid Kaag – điều phối viên tái thiết và nhân đạo của LHQ tại Gaza – cho biết "viện trợ bằng đường biển không thể thay thế cho [viện trợ trên] đất liền”.

Trong khi đó, người phát ngôn Cơ quan LHQ hỗ trợ người tị nạn Palestine (UNRWA) – bà Juliette Touma – cho biết UNRWA hoan nghênh mọi nỗ lực nhằm "cải thiện và tăng cường dòng hỗ trợ nhân đạo".

Tuy nhiên, bà cũng lưu ý rằng "có một cách dễ dàng hơn, hiệu quả hơn để viện trợ nhân đạo vào Gaza, đó là thông qua các tuyến đường nối Israel với Gaza".

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm