BV đa khoa khu vực miền núi phía bắc Quảng Nam (Điện Bàn, Quảng Nam) ngày nào cũng đông đúc bệnh nhân. Trong đó đa phần là người nghèo, người dân tộc thiểu số mắc những căn bệnh hiểm nghèo phải chữa trị dài ngày.
“Có bệnh nhân chi phí điều trị lên tới cả trăm triệu đồng, thậm chí cả tỉ đồng. Nếu không có bảo hiểm y tế (BHYT) chắc nhiều người đã phải bỏ cuộc..." - bác sĩ (BS) Tô Mười, Giám đốc BV, chia sẻ.
"Bão" bệnh ập đến bất ngờ
Vẻ mặt buồn rầu, ông Hiền Văn Mước (45 tuổi, dân tộc Cơ Tu, ở Điện Bàn, Quảng Nam) đang dùng khăn lau sạch từng ngón tay nhăn nheo, gầy gò của vợ. Ông cho biết vợ chồng ông lấy nhau đã hơn 20 năm mà vẫn chưa có con, cuộc sống chỉ dựa vào nương rẫy nên cũng đủ ăn.
Cách đây hai tháng, vợ ông bỗng ngã ra giữa đường và được người dân đưa đi cấp cứu. Các BS chẩn đoán vợ ông bị tai biến.
Ông Hiền Văn Mước ngồi bên cạnh vợ và cầu mong có một phép màu giúp người vợ hồi phục. Ảnh: VIẾT LONG
Ông Mước nói ông không biết bệnh tai biến là bệnh gì nhưng khi nghe BS thông báo phải điều trị dài ngày ông vô cùng lo lắng. Cuộc sống chỉ đủ ăn, không có tích lũy, nếu điều trị lâu dài sẽ không có tiền chi trả.
“Khi nghe vậy tôi liền xin BS cho vợ tôi về vì gia đình không có tài sản gì trong tay, bán nhà cũng chẳng ai mua. Sau khi biết được BHYT chi trả toàn bộ tiền chữa trị tôi đồng ý cho vợ ở lại BV, nếu không chắc chỉ còn cách chọn cái chết, chẳng còn cách nào khác” - ông Mước nói mà nước mắt trào ra.
Dù được điều trị tận tình nhưng hơn hai tháng qua vợ ông vẫn chưa tỉnh lại. “Giờ không phải lo lắng về tiền, tôi chỉ hy vọng bà ấy sớm bình phục…” - giọng ông Mước khàn đi.
Cạnh đó là giường bệnh của bà Trần Thị Thúy (80 tuổi, ở Điện Bàn, Quảng Nam) đang điều trị bệnh suy tim. Theo anh Nguyễn Văn Tiến (con trai bà Thúy), trước đó dù biết mình mắc bệnh nhưng bà không muốn chia sẻ với con cháu vì sợ đi BV sẽ là gánh nặng.
Nhưng khi bệnh tình ngày một xấu đi, người thân biết liền đưa bà nhập viện và được BHYT chi trả toàn bộ chi phí. “Nhà nghèo, nếu không có BHYT chi trả, thú thật là mẹ tôi không chịu nằm viện” - anh Tiến chia sẻ.
“Tôi sẽ sửa sai!”
Cách đó không xa là anh Đinh Văn Yên (38 tuổi, ngụ Duy Xuyên, Quảng Nam). Anh đang rất buồn không chỉ vì những vết thương chi chít trên cơ thể do gặp tai nạn trên đường, mà còn chứng kiến cảnh người mẹ già phải gọi điện thoại vay tiền từng người thân để nộp viện phí cứ ngày một tăng trong khi anh không có BHYT.
“Tôi làm nghề tự do, di chuyển nhiều nơi nhưng lại chủ quan không tham gia BHYT. Vì vậy khi nhập viện tôi phải đóng gần 10 triệu đồng và chưa biết sắp tới còn phải đóng bao nhiêu nữa mới đủ…” - anh Yên lo lắng.
Anh cũng cho biết mỗi tháng thu nhập khoảng 3-4 triệu đồng nên nghĩ đóng BHYT vài trăm ngàn cũng tiếc. "Khi bị bệnh tôi mới thấy mình đã sai lầm khi không mua BHYT. Lúc còn khỏe tiếc vài trăm ngàn để giờ này có bao nhiêu tiền cũng đi sạch. Chắc chắn sau khi ra viện tôi sẽ mua BHYT để không phải lặp lại câu chuyện tích góp 10 năm tiêu hết một ngày…” - anh Yên chua xót.
Không có BHYT nên mỗi ngày trôi qua anh Yên phải đóng gần 1 triệu đồng tiền viện phí. Ảnh: VIẾT LONG
Ngoài hành lang phòng bệnh, BS đang trao đổi với mẹ anh Yên rằng anh có khả năng đứt dây chằng chân phải, cần theo dõi thêm, người nhà cần chuẩn bị thêm tiền. Thấy mẹ gạt nước mắt rồi gọi điện thoại, đi vội ra phía cổng, anh Yên buồn buồn bảo chắc bà lại về quê vay tiền người ta.
Là người thăm khám cho nhiều bệnh nhân, ông Tô Mười cho biết hiện nay tiền viện phí tăng rất cao, nếu người bệnh không có BHYT sẽ rất khó khăn. Không ít người đã phải bán nhà cửa, ruộng vườn để có tiền chữa bệnh.
“Như trường hợp bệnh nhân Đinh Văn Yên, hiện đang trong quá trình theo dõi, nếu đứt dây chằng kinh phí chữa trị có khi phải lên đến gần 50 triệu đồng. Với mức thu nhập của người dân miền núi thì đây là khoản tiền rất lớn. Do vậy, người dân tham gia BHYT sẽ có nhiều lợi ích nếu chẳng may phải nằm viện, điều trị dài ngày…” - ông Mười nói.