Chiều 8-8, khách hàng Trương Đình Công Vĩnh, người tố cáo Công ty Cổ phần Con Cưng (Con Cưng) có sản phẩm nghi bị cắt tem nhãn, đã có buổi tiếp xúc với đại diện Cục Quản lý thị trường (QLTT). Nội dung cuộc gặp mặt là để ông Vĩnh bày tỏ mong muốn, nguyện vọng... của mình.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Vĩnh cho hay tối muộn 7-8, ông nhận được cuộc gọi hẹn vào 14 giờ ngày 8-8 với đại diện Cục QLTT. Tuy nhiên, chiều 8-8, địa điểm và thời gian gặp bị thay đổi liên tục từ chỗ này sang chỗ khác. Tới 15 giờ chiều 8-8, ông Vĩnh mới có buổi làm việc với đại diện Cục QLTT.
Trong buổi nói chuyện tiếp xúc, ông Vĩnh cho biết nguyện vọng của ông là Con Cưng cần phải minh bạch thông tin cho khách hàng bị thiệt hại (ông Vĩnh - PV). Tuy nhiên, ông cho biết phía Con Cưng vẫn chưa xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa cũng như các giấy tờ chứng cứ mà Con Cưng đưa ra trên website đều bằng tiếng Anh, chưa có thuyết phục về tính pháp lý tại Việt Nam. Đồng thời, ông Vĩnh mong muốn Bộ Thương mại Thái Lan phải xác nhận các con dấu trong văn bản của Con Cưng đưa ra là có giá trị, đủ tính xác thực...
Ông Vĩnh nói: "Con Cưng khẳng định trên báo chí rằng họ đã thu hồi sản phẩm lỗi và đền bù thỏa đáng cho khách hàng, trong khi sản phẩm lỗi của công ty tôi vẫn còn giữ và hiện tại tôi vẫn chưa nhận bồi thường từ họ. Như vậy là chưa tôn trọng khách hàng".
Đơn khiếu nại của ông Vĩnh được Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng tiếp nhận và gửi văn bản sang Cục Quản lý thị trường tiếp nhận, xử lý. Ảnh: TH
Ông Vĩnh cũng bày tỏ quan điểm về bảy sai phạm của Con Cưng mà ông Nguyễn Trọng Tín (Phó Cục trưởng Cục QLTT) đã nêu trong chuyên đề chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả do Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia tổ chức ngày 31-7 vừa qua.
Theo đó, ông Vĩnh bày tỏ: "Tôi đã gửi đơn lên Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng và họ đã gửi văn bản sang Cục QLTT đề nghị tiếp nhận giải quyết về việc Con Cưng cắt và thay thế mác sản phẩm quần áo trẻ con. Tuy nhiên, Cục QLTT chỉ thông báo có bảy sai phạm mà không có sai phạm nhãn mác mà tôi nêu ra. Như vậy là thiếu".
Ông Vĩnh mong muốn lực lượng chức năng tập trung làm rõ và minh bạch việc cắt và thay thế mác sản phẩm quần áo trẻ em tại Con Cưng. Ông Vĩnh khẳng định: "Nếu kết luận của cơ quan nhà nước về sai phạm của Con Cưng công bố không thỏa đáng, tôi sẽ đưa sự việc ra tòa theo quy định pháp luật".
Khủng hoảng của Con Cưng Ngày 22-5: Khách hàng mua bảy sản phẩm, một sản phẩm lỗi nghi có dấu hiệu cắt dán thay thế tem sản phẩm. Từ ngày 22-5 đến 20-7: Con Cưng nhiều lần xin lỗi, thương lượng đền bù. Khách từ chối và gửi đơn tới cơ quan báo chí cũng như Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương. Ngày 20-7: Con Cưng nói lỗi sản phẩm do nhà sản xuất Thái Lan. Ngày 21-7: Bộ Công Thương chỉ đạo Cục QLTT kiểm tra các cửa hàng trên toàn bộ hệ thống của Con Cưng. Ngày 22-7: Cục QLTT kiểm tra ba cửa hàng. Ngày 23-7: Cục QLTT kiểm tra thêm 70 cửa hàng. Ngày 26-7: Con Cưng có buổi làm việc với Cục QLTT TP.HCM. Ngày 28-7: Con Cưng treo giải thưởng 1 tỉ đồng cho khách hàng đầu tiên tìm ra sản phẩm không chính hãng. Ngày 30-7: Đại diện Con Cưng - ông Nguyễn Quốc Minh (Chủ tịch HĐQT Con Cưng) trả lời báo chí rằng việc trao giải 1 tỉ đồng chỉ là cam kết của hệ thống với khách hàng. Ngày 31-7: Đại diện Cục QLTT (Bộ Công Thương) công bố kết luận ban đầu và chỉ ra bảy sai phạm của Con Cưng. Ngày 1-8: Con Cưng rút thông báo treo thưởng 1 tỉ đồng. Ngày 6-8: Con Cưng lại tung bằng chứng chính hãng của các nhãn hàng. |