Chia sẻ ý kiến của mình tại diễn đàn Lắng nghe tiếng nói trẻ em cấp TP năm 2019, KV, 12 tuổi, học sinh (HS) quận 8, đã phát biểu: “Tại sao con phải học giỏi hơn các bạn? Nghỉ hè rồi con vẫn cứ phải miệt mài đi học, con không có mùa hè, không có tuổi thơ. Tụi con áp lực lắm, các cha mẹ biết không? Cha mẹ con lúc nào cũng muốn con được điểm 9, 10. Con mà đạt điểm 7, 8 là bị so sánh với các bạn khác, bị la mắng”.
Ý kiến của KV đã nhận được sự cổ vũ và đồng tình của nhiều em HS khác. Các em nhỏ tuổi hơn cũng dần vượt qua sự rụt rè khi lần đầu tiên tham gia diễn đàn và sôi nổi đặt nhiều câu hỏi. Đây là năm thứ ba liên tiếp, Sở LĐ-TB&XH chủ trì, phối hợp với các sở, ngành tổ chức diễn đàn này.
“Nghị trường” nóng bỏng bởi “tụi con muốn nghỉ hè”
NgH, Trường Tiểu học Lê Thị Riêng, cũng lên tiếng: “Cha mẹ con cũng bắt con phải học giỏi nhưng mà sức con học không giỏi, chỉ bình thường. Các cô chú có cách nào giúp con không?”. Tiếp đó, TNg (lớp 6, Trường THCS Bạch Đằng) cũng “méc” các lãnh đạo: “Nhiều bạn HS học yếu, thầy cô tổ chức học thêm. Nếu bạn không đi sẽ bị thầy cô đì. Đi học nhiều quá mệt lắm ạ”. Một HS đề nghị: “Các cô chú phải làm sao để tụi con thật sự được nghỉ hè”.
Chia sẻ tâm tư với các HS, ông Nguyễn Lữ Gia (quản lý chương trình Bảo vệ trẻ em, tổ chức Cứu trợ trẻ em - Save the Children), “đăng đàn” trả lời: “Tâm lý chung là cha mẹ và thầy cô luôn muốn các em học giỏi, nhiều người đặt quá nhiều kỳ vọng và áp lực lên các em. Tuy nhiên, nếu quý vị phụ huynh bắt các em học quá nhiều, thầy cô giao quá nhiều bài tập, không có thời gian cho các em nghỉ ngơi, vui chơi, làm ảnh hưởng đến sự phát triển về tinh thần, thể chất của các em cũng chính là xâm hại trẻ em. Nhưng không phải cha mẹ hay thầy cô nào cũng nhận thức được đây là hành vi xâm hại”.
Ông Lữ Gia đề nghị các sở, ngành tuyên truyền về quyền trẻ em mạnh mẽ hơn nữa đến các gia đình và nhà trường. Giải pháp trước mắt, ông đề nghị chính các em HS nỗ lực trao đổi, đối thoại với phụ huynh, thầy cô để được thấu hiểu.
Các em học sinh thảo luận về việc mình sẽ làm hiệu trưởng như thế nào. Ảnh: HỒNG MINH
Nếu làm hiệu trưởng, em sẽ không để học sinh quá tải
Trước khi bước vào diễn đàn, ban tổ chức đã hội ý rằng nếu đề nghị HS góp ý cho thầy cô hoặc lãnh đạo, có thể các em sẽ rụt rè không dám phát biểu. Vì vậy, ban tổ chức đã đưa ra đề nghị: Các em hãy nói việc mình sẽ làm nếu ngày mai được làm hiệu trưởng. Rất nhiều cánh tay giơ lên xin “đăng đàn” phát biểu.
Các cô chú trân trọng ghi nhận sự đóng góp và tham gia nhiệt tình, năng động, tích cực của các cháu. Các cô chú vui mừng trước nhận thức của các cháu về quyền trẻ em, nỗ lực của các cháu trong việc thực hiện quyền đó. Ban tổ chức sẽ tiếp tục chuyển ý kiến của các cháu đến các sở, ngành liên quan và đề nghị họ có văn bản trả lời để thông tin kết quả cho các cháu. Ông TRẦN NGỌC SƠN, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM |
LTL (HS đến từ một trường THCS quận 8) thẳng thắn: “Em sẽ tạo ra các diễn đàn hoặc các buổi khảo sát cho HS được bày tỏ ý kiến. HS tụi em có nhiều điều buồn thầy cô mình nhưng không nói được. Em sẽ chỉ đạo thầy cô giao bài tập về nhà vừa đủ thôi, không quá nhiều, không quá ít để HS còn có thời gian nghỉ ngơi, vui chơi. Em cũng sẽ chỉ đạo giáo viên phải gương mẫu, mẫu mực, không được xưng “mày, tao” với HS”. LTL dứt lời, cả hội trường vỗ tay vang dội.
Đồng tình với bạn, một HS quận 10 cho biết nếu làm hiệu trưởng, em sẽ ban luật lệ cho các giám thị “phải lắng nghe các em HS, không được đánh, không được phạt quỳ”. Ngoài ra, em cũng sẽ “ra chỉ thị” hạn chế chơi game.
TK (HS quận 5) thì bày tỏ: “Con mà làm lãnh đạo thì con sẽ đưa các môn thể thao phát triển chiều cao vô nhà trường. HS cần có thời gian hơn để chơi thể thao”.
Học sinh đối diện với nghiện game Nhiều HS cho biết bạn học của mình mê chơi game, chính các em cũng bị các game dụ dỗ. Các em cần người lớn chỉ giúp cách thoát khỏi nghiện game. Cô Lâm Minh Trang, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi, quận Gò Vấp, trả lời: “Cô cũng mê game chứ không riêng gì tụi con. Chơi game dĩ nhiên thích hơn ngồi học. Cô cũng có một lần lậm game quên về nhà luôn. Từ đó cô chủ động quản lý thời gian của mình, không lậm vô game nữa. Các con chơi game, cha mẹ các con có chơi đâu, nên giải pháp là từ các con, các con phải chủ động quản lý chính mình”. Chia sẻ của cô được HS thích thú vỗ tay đồng tình. |