Tờ New York Times cũng mạnh mẽ lên án dã tâm gây bất ổn trong khu vực của Trung Quốc với những hành vi gây hấn rất nguy hiểm của nước này nhằm vào đồng minh của Mỹ.
VOV xin trích giới thiệu một phần bài viết do tờ New York Times đăng tải ngày 30/5 nhân sự kiện khai mạc Hội nghị An ninh Shangri-La:
Kế hoạch 3 năm của chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama nhằm thay đổi chính sách ngoại giao của Mỹ tập trung hơn về châu Á để củng cố lợi ích của nước này trong một khu vực đóng vai trò chiến lược trên thế giới cũng như thúc đẩy những hiệp định thương mại tự do và tái lập sức ảnh hưởng của Mỹ cân bằng với một Trung Quốc đang trỗi dậy. Kế hoạch được đưa ra sau một thập kỷ Mỹ không chú ý đến vấn đề này.
Việc Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel tham dự Hội nghị Đối thoại Sangri- La về an ninh châu Á với các bên liên quan ngày 30/5 cho thấy chính sách hướng về châu Á của Mỹ dường như tập trung hơn vào việc giải quyết căng thẳng giữa các nước láng giềng trong khu vực mà Mỹ đang cố gắng đóng vai trò trọng tài.
Ông Chuck Hagel tại Hội nghị Shangri-La (ẢnhAFP) |
Trung Quốc cố tình gây hấn
Trên khắp châu Á, Trung Quốc đang tăng cường việc tấn công vào các đồng minh của Mỹ và làm suy giảm mối dây gắn kết các quốc gia này với Mỹ- vốn đem lại sức mạnh đáng kể cho Mỹ trong khu vực kể từ Thế chiến thứ 2.
Chỉ trong tuần qua, Trung Quốc đã cố tình gây hấn với Nhật Bản và cả Việt Nam. Một tàu Trung Quốc ngày 26/5 đã đâm chìm một tàu cá của Việt Nam gần khu vực nơi Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan Hải Dương-981 vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Hành động nguy hiểm này của Trung Quốc diễn ra ngay trước khi 2 máy bay chiến đấu Su-27 của Trung Quốc áp sát các máy bay do thám và máy bay tình báo điện tử của Nhật Bản trên khu vực các quần đảo tranh chấp giữa hai nước trên biển Hoa Đông.
Nhìn riêng rẽ, cả hai sự việc trên đều chưa đến mức dẫn đến một cuộc leo thang căng thẳng xuyên Thái Bình Dương như đã từng xảy ra trên biển Hoa Đông vào năm 2013 sau khi Trung Quốc tuyên bố thiết lập Khu vực nhận diện phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông chồng lấn với một số quần đảo không có người sinh sống mà Nhật Bản tuyên bố chủ quyền.
Tuy nhiên, nếu xâu chuỗi lại với nhau, những hành động này của Trung Quốc cho thấy quyết tâm leo thang căng thẳng trên không và trên biển của nước này tại Thái Bình Dương khiến cho các quan chức Mỹ cảm thấy không khỏi lo ngại.
Mỹ ủng hộ đồng minh…
Trong bài phát biểu quan trọng của mình tại Hội nghị Sangri-La, với những lời lẽ mạnh mẽ nhất về vấn đề tranh chấp lãnh thổ trong khu vực, Bộ trưởng Hagel sáng 31/5 công khai cáo buộc Trung Quốc “doạ dẫm và cưỡng ép các nước khác”.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Hagel (trái) cùng hai người đồng cấp Australia (giữa) và Nhật Bản thể hiện sự đoàn kết giữa Mỹ và các đồng minh (Ảnh NYT) |
Ông Hagel nêu rõ, Trung Quốc đã gọi Biển Đông là “vùng biển của hoà bình, hữu nghị và hợp tác” nhưng ông cũng nói rằng, “trong vài tháng qua, Trung Quốc đã có những hành vi gây bất ổn, có những hành động đơn phương tuyên bố chủ quyền của mình trên Biển Đông”.
Giáo sư chuyên nghiên cứu về chiến lược tại Đại học Quốc gia Australia Hugh White- một cựu quan chức cao cấp về quốc phòng tại Australia, cho biết mục tiêu của Trung Quốc là nhằm cho Mỹ thấy rằng nếu Mỹ muốn duy trì các đồng minh của mình tại châu Á, Mỹ sẽ phải đối đầu với Trung Quốc.
“Trung Quốc làm điều này chỉ để cho thấy rằng Mỹ sẽ không thể vừa có quan hệ tốt với Trung Quốc lại vừa có thể duy trì đồng mình của mình tại châu Á để cũng cố vai trò quan trọng của Mỹ tại châu Á”, ông White nói.
Ông White cho rằng, Trung Quốc đang “đánh cược” rằng Mỹ đang mỏi mệt và phải lo việc nội bộ nên sẽ không để ý đến những gì đang diễn ra tại châu Á và vì thế đang mất dần tầm ảnh hưởng truyền thống của mình tại đây và khiến cho Trung Quốc ngày càng giành thêm nhiều quyền lực.
Một quan chức Mỹ cho biết, Mỹ có thể công khai ủng hộ Nhật Bản và bổn phận của Mỹ trong Hiệp ước đã ký với Nhật Bản có nghĩa là nếu Nhật Bản và Trung Quốc có xảy ra chiến tranh thì Mỹ chắc chắn sẽ bị kéo vào cuộc chiến này.
Tuy nhiên, quan chức này cho biết, Mỹ đã khuyến cáo Nhật Bản nên cân nhắc trước khi hành động và tránh dồn Trung Quốc vào chân tường.
…nhưng vẫn muốn duy trì hoà bình và ổn định
Vikram J. Singh, cựu Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách Nam Á và Đông Nam Á và hiện là Phó Chủ tịch về An ninh Quốc gia tại Trung tâm Tiến bộ của Mỹ, nhấn mạnh: “Chiến tranh bắt đầu từ những thứ rất nhỏ nhặt và thường là do vô ý và những toan tính sai lầm ví dụ như việc các máy bay áp sát vào nhau có thể dẫn tới những va chạm hoặc ví dụ như những hành động hiếu chiến có thể dẫn đến những phản ứng quân sự rất bất ngờ”.
Tàu cá Trung Quốc (trái) tấn công tàu cá Việt Nam |
Phát biểu tại phiên khai mạc Hội nghị Sangri-La ngày 30/5, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã gạt bỏ những hoài nghi về việc liệu ông có muốn gây chiến với Trung Quốc về vấn đề các quần đảo tranh chấp trên biển Hoa Đông mà Nhật Bản gọi là Senkaku và Trung Quốc gọi là Điếu Ngư.
Thay vì thế, ông Abe nhấn mạnh rằng “điều quan trọng là chúng ta cùng nỗ lực để ngăn chặn những vụ đụng độ có thể xảy ra”.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Hagel và nhiều tướng lĩnh quân đội Mỹ như Tướng Martin E. Dempsey, Tham mưu trưởng liên quân Mỹ và Đô đốc Samuel J. Locklear, Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ cũng đã có những cuộc ngoại giao con thoi với phái đoàn các nước tham dự Hội nghị Shangri-La để đảm bảo rằng những cuộc đụng độ như vậy sẽ không xảy ra./.