Những người này không những không đồng tình với luận điệu tuyên truyền bịa đặt, vu cáo của báo chí Trung Quốc, mà còn yêu cầu chính quyền phải tôn trọng sự thật.
Trong số những người kể trên đáng chú ý có học giả Lý Lệnh Hoa, chuyên viên nghiên cứu thuộc Trung tâm Thông tin Cục Hải dương quốc gia Trung Quốc, nhà nghiên cứu nổi tiếng về Luật Biển của Trung Quốc. Vì từng là tác giả của hơn 90 bài báo về vấn đề biển và luật biển đăng tải trên các báo chí Trung Quốc nên những đánh giá, nhận xét của học giả Lý Lệnh Hoa được giới chuyên môn và dư luận quan tâm.
Học giả Lý Lệnh Hoa
Trong bài đăng tải trên các trang mạng http://blog.163.com và http://blog.sina.com.cn lúc 15h01 ngày 15/5, học giả Lý Lệnh Hoa viết: Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 được ký đã hơn 30 năm. Các lý lẽ pháp luật và nguyên tắc của UNCLOS trên phạm vi thế giới đã được bổ sung và phát triển qua thực tiễn của nhiều quốc gia. Ngày 15/5/1996, Trung Quốc phê chuẩn UNCLOS, do đó phải hành xử theo khuôn phép của các điều khoản cơ bản và tinh thần của Công ước này.
Trong bài viết trên blog cá nhân tối 6/5 (đăng trên mạng sina.com), học giả Lý Lệnh Hoa cũng nhấn mạnh, Trung Quốc là một trong những quốc gia ký UNCLOS nên phải tuân theo điều thứ 74 và 83 của UNCLOS - phải tôn trọng thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của các nước ven biển xung quanh. Học giả Lý Lệnh Hoa đưa ra nhận định này sau khi phóng viên tờ Thời báo Hoàn cầu liên hệ hỏi quan điểm của ông về việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 đến khoan và tác nghiệp tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Ông Lý Lệnh Hoa từng tuyên bố, một số quan chức, chuyên gia và học giả Trung Quốc lâu nay vẫn phiến diện kiên trì quan điểm về thềm lục địa kéo dài tự nhiên và chủ trương về “đường lưỡi bò”, không đếm xỉa đến nước khác. Họ xem thường sự phát triển nội hàm của tinh thần UNCLOS trong hơn 30 năm qua. Điều đó đã làm hạn chế, gây khó khăn chồng chất cho công tác hoạch định ranh giới biển của Trung Quốc.
Theo học giả Lý Lệnh Hoa, năm 1949, chính quyền Tưởng Giới Thạch thất bại, rút ra đảo Đài Loan, và từ đó, nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa ra đời và cho ấn hành một bản đồ có “đường lưỡi bò” được thể hiện giống như bản đồ của Trung Hoa dân quốc xuất bản tháng 2-1948. Khi đó, Vụ Biên giới và Lãnh thổ thuộc Bộ Nội vụ của Trung Hoa dân quốc cho xuất bản tấm bản đồ với tên gọi Nam hải chư đảo vị trí đồ, được thể hiện bằng đường đứt khúc 11 đoạn. Đó là bản đồ đầu tiên thể hiện “đường lưỡi bò”. Sau đó, bản đồ vẽ “đường lưỡi bò” của Trung Quốc xuất bản chỉ còn 9 đoạn.
Gần 1 năm trước (18/8/2013), học giả Lý Lệnh Hoa cho rằng, Trung Quốc đang sử dụng cách làm cũ rích để đòi hỏi chủ quyền ở Biển Đông và tờ Thời báo Hoàn cầu đang làm loạn đất nước khi đăng tải những bài khích động tinh thần dân tộc chủ nghĩa. Ngày 13/8/2013, ông Lý Lệnh Hoa cảnh báo, Trung Quốc có nguy cơ thành kẻ thù chung của thế giới nếu tiếp tục những hành vi sai trái, ngang ngược, vô lý trong lập trường, chủ trương, yêu sách về biển Đông. Trước đó (3/8/2013), ông Lý Lệnh Hoa khuyến cáo, không thể trì hoãn mãi việc giải quyết vấn đề biển Đông và Trung Quốc cần giải quyết việc này với thái độ tích cực, chủ động bởi chỉ bằng nỗ lực thiết thực của Trung Quốc và các quốc gia hữu quan mới có thể giải quyết được vấn đề biển Đông.
Ngày 3/7/2013, ông Lý Lệnh Hoa cho công bố một bản đồ phân định Vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý (EEZ) liên quan đến các nước xung quanh Biển Đông thể hiện rõ các khu vực mà Trung Quốc đang đòi chủ quyền theo cái gọi là “đường lưỡi bò” hoàn toàn nằm trong Vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam. Bài viết này cũng nhằm phản đối việc Trung Quốc thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa”.
Học giả Lý Lệnh Hoa từng khẳng định, “đường lưỡi bò” trên Biển Đông là một đường hư ảo bởi tiền nhân vẽ ra không hề có kinh độ hay vĩ độ cụ thể, cũng chẳng có căn cứ pháp luật. Hơn nữa, “đường lưỡi bò” do Trung Quốc đơn phương đưa ra và không được quốc gia nào thừa nhận. Học giả Lý Lệnh Hoa cho rằng, thời gian không chờ đợi ai, vấn đề Biển Đông không thể kéo dài mãi - có mâu thuẫn và bất đồng thì phải nhìn thẳng vào vấn đề, càng trì hoãn thì càng bị động - chỉ cần Trung Quốc và các nước xung quanh Biển Đông cùng nỗ lực thì vấn đề sẽ được giải quyết và Bắc Kinh không thể trì hoãn mãi.
Học giả Lý Lệnh Hoa từng kiến nghị: Bắc Kinh cần đối thoại, đàm phán hữu hảo với các nước hữu quan trên cơ sở tất cả các điều khoản quy định của UNCLOS bởi Trung Quốc và các nước xung quanh Biển Đông đều đã ký UNCLOS và điều cần thiết hiện nay là phải tạo bầu không khí hòa bình. Bên cạnh đó, Trung Quốc nên hình thành một vùng biển hòa bình, hợp tác và hữu nghị với các nước xung quanh, lấy chính sách hợp lý và dựa trên luật pháp quốc tế để xử lý những tranh chấp, bất đồng. Học giả Lý Lệnh Hoa từng khuyến cáo, những người không hiểu rõ về ý nghĩa to lớn của UNCLOS đối với nhân loại, cũng như chẳng biết xu hướng phát triển chủ đạo của thế giới, nhưng lại cổ súy cho việc sử dụng vũ lực thì đúng là chỉ gây thêm rắc rối cho nhân dân và đất nước Trung Quốc.
Sau khi phê phán những quan điểm, hành động sai trái của Trung Quốc ở Biển Đông, học giả Lý Lệnh Hoa đã kêu gọi Bắc Kinh cần sớm chấm dứt xung đột tại khu vực này. Đồng thời nhấn mạnh, sự phát triển kinh tế của Trung Quốc, Việt Nam và các nước ven Biển Đông cần môi trường chính trị hòa bình, ổn định trên biển. Và Trung Quốc phải tích cực, chủ động giải quyết vấn đề Biển Đông, xác lập cơ chế đàm phán, thương lượng song phương và đa phương hữu hiệu, được các nước liên quan cùng chấp nhận. Bởi theo ông Lý Lệnh Hoa, giải quyết các vấn đề ở Biển Đông phải căn cứ vào tinh thần, cùng những điều khoản cụ thể của UNCLOS. Và chỉ khi đã xác định được đường ranh giới biển, việc khai thác biển mới có thể tiến hành thuận lợi.
Trung Quốc có đường biên giới với 14 quốc gia (CHDCND Triều Tiên, Nga, Mông Cổ, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Afghanistan, Pakistan, Ấn Độ, Nepal, Bhutan, Myanmar, Lào và Việt Nam), nhưng đều có tranh chấp lãnh thổ với tất cả các nước này, trừ Pakistan. Theo thỏa thuận biên giới ký năm 1963, Bắc Kinh nhượng 1.942km2 đất cho Pakistan, đổi lại nước này công nhận nhiều khu vực ở Bắc Kashimir và Ladakh của Ấn Độ thuộc về Trung Quốc |