Hội nghị thượng đỉnh An ninh châu Á (IISS), còn gọi là Đối thoại Shangri-La, một diễn đàn an ninh lớn nhất khu vực, ngày 1/6 sẽ kết thúc 3 ngày làm việc tại Singapore.
Nhiều chủ đề liên quan an ninh khu vực được đưa ra thảo luận, song có thể nói tình hình căng thẳng trên Biển Đông liên quan các hành động đơn phương, trái luật pháp quốc tế của Trung Quốc đã chiếm phần lớn các cuộc thảo luận. Phái đoàn Trung Quốc tham dự cuộc đối thoại hôm nay lại lên tiếng phản bác chỉ trích của lãnh đạo Nhật Bản và Mỹ, đồng thời “thản nhiên” bác bỏ việc Trung Quốc có những hành động gây hấn trên Biển Đông.
Phó Tổng tham mưu trưởng Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) Vương Quán Trung (Ảnh: AFP) |
Phát biểu trước phái đoàn các nước tham dự Đối thoại Shangri-La trong ngày làm việc cuối cùng ngày 1/6, Trưởng phái đoàn Trung Quốc nói rằng, phát biểu của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel khiến ông “nổi giận”.
Vị Phó Tổng tham mưu trưởng Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA), Trưởng đoàn Trung Quốc Vương Quán Trung cho biết, “đoàn Trung Quốc có cảm giác rằng bài phát biểu của ông Abe và ông Hagel là một hình thức khiêu khích đối với Trung Quốc”.
“Bài diễn văn của ông Abe và ông Hagel là một hình thức khiêu khích đối với Trung Quốc. Một đồng nghiệp nước ngoài nói với tôi rằng, việc ông Abe, Thủ tướng Nhật Bản và ông Hagel, trên cương vị Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, hai nước lớn, có những cáo buộc như vậy đối với Trung Quốc là không thể tưởng tượng được”, ông Vương Quán Trung nói.
Người đứng đầu phái đoàn Trung Quốc ở Shangri-La thản nhiên nói rằng, “Trung Quốc không bao giờ có hành động gây rắc rối trước liên quan đến chủ quyền lãnh thổ, các quyền hàng hải và lợi ích. Trung Quốc buộc phải có biện pháp ứng phó sau khi nước khác gây rối”.
Phát biểu trên của trưởng đoàn Trung Quốc “không khác gì” so với tuyên bố của Chủ tịch nước này, ông Tập Cận Bình tại cuộc gặp Thủ tướng Malaysia Najib Razak ở Thủ đô Bắc Kinh ngày 30/5.
Mặc dù Trung Quốc bị dư luận chỉ trích có những hành động khiêu khích, gây bất ổn trên biển Đông, nhưng ông Tập Cận Bình cho rằng tình hình ở biển Đông “nói chung là ổn định, nhưng có những dấu hiệu xuất hiện đáng để chúng ta quan tâm”. Ông Tập Cận Bình còn tuyên bố, Trung Quốc sẽ không gây bất ổn ở biển Đông, nhưng cảnh báo sẽ phản ứng lại những hành động "khiêu khích" từ các quốc gia liên quan.
Theo Nhật báo Phố Wall (Wall Street Journal) của Mỹ, Trung Quốc không cử các quan chức cấp cao của nước này đến Đối thoại Shangri-La, thay vào đó dựa vào những học giả và các quan chức quân đội Trung Quốc để phản ứng lại những cáo buộc đối với Bắc Kinh.
Trong khuôn khổ cuộc đối thoại, nhiều Bộ trưởng Quốc phòng các nước châu Á, trong đó có ASEAN đã tránh chỉ trích trực tiếp Trung Quốc, nhưng kêu gọi đoàn kết khu vực trong việc giải quyết các vấn đề tranh chấp lãnh thổ.
Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein kêu gọi nhà lãnh đạo các nước thành viên ASEAN tiếp tục duy trì sự thống nhất trong khu vực để đảm bảo hòa bình và an ninh ở Đông Nam Á. ASEAN phải ưu tiên hàng đầu về an ninh khu vực, thống nhất về một số vấn đề quốc phòng quan trọng và không bị lôi kéo bởi các khuynh hướng khác nhau.
Theo ông Hussein, ASEAN không cần phải áp dụng cùng một khuôn khổ chính sách quốc phòng cho tất cả nước thành viên, nhưng nên và có thể làm việc cùng nhau hướng tới một quan điểm chính sách chung về các vấn đề quan trọng như an ninh hàng hải và quan hệ với các nước lớn.
Đề cập đến những tuyên bố tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, Bộ trưởng Malaysia cho biết đã cố gắng hướng cuộc đối thoại tới những điều tích cực hơn, đồng thời kêu gọi vấn đề này cần có một giải pháp trên cơ sở tôn trọng và tin tưởng lẫn nhau./.