Tại Đối thoại Shangri-La, đại diện Trung Quốc đã phản ứng dữ dội với các bài phát biểu của thủ tướng Nhật và bộ trưởng quốc phòng Mỹ nhưng trả lời vòng vo, thiếu thuyết phục khi bị chất vấn.
Tướng Vương Quán Trung lớn tiếng chỉ trích Mỹ và Nhật nhưng ngắc ngứ trước các câu hỏi - Ảnh: T.T.
Trong một phần trao đổi căng thẳng và kịch tính bậc nhất trong lịch sử Đối thoại Shangri-La, tướng Vương Quán Trung, phó tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc, đã đưa ra những lời chỉ trích kịch liệt với cả Thủ tướng Nhật Shinzo Abe và Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Chuck Hagel.
Bỏ bài phát biểu đã chuẩn bị từ trước, tướng Vương dành tới hơn 10 phút độc diễn để lên án Mỹ và Nhật “có hành động khiêu khích với Trung Quốc”.
“Ông Abe và ông Hagel có sự chỉ trích một cách không tưởng tượng được với Trung Quốc - ông Vương chỉ trích - Tôi hoàn toàn không thể tưởng tượng nổi. Có cảm giác như họ có sự phối hợp với nhau chặt chẽ, họ ủng hộ nhau, họ khuyến khích nhau. Họ lợi dụng lợi thế của người nói trước trong Shangri-La và đưa ra các hành động khiêu khích, thách thức với Trung Quốc”.
“Việt Nam khiêu khích gì?”
COC là cách duy nhất ngăn chặn xung đột Sau phần phát biểu của tướng Vương Quán Trung, Bộ trưởng quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian cùng quan chức quốc phòng nhiều nước kêu gọi kiềm chế trên biển Đông để ngăn chặn nguy cơ xung đột leo thang. Ông Le Drian nhấn mạnh Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) “là cách duy nhất để ngăn chặn các cuộc xung đột trên biển”. |
Trước đó tại Đối thoại Shangri-La, Thủ tướng Nhật Abe đã kêu gọi các nước tuân thủ luật pháp quốc tế. Còn Bộ trưởng Hagel thẳng thừng lên án những hành động gây hấn và đe dọa sử dụng vũ lực của Trung Quốc ở biển Đông và biển Hoa Đông gần đây.
“Chúng tôi sẽ không bao giờ chấp nhận sự khiêu khích dưới cái mũ là chủ nghĩa hòa bình tích cực” - tướng Vương chỉ trích việc Thủ tướng Abe tuyên bố Nhật sẽ thay đổi tư duy về quốc phòng của mình.
Tướng Vương gọi bài phát biểu của Bộ trưởng Hagel là “đầy những từ ngữ đe dọa, bá quyền, chính là yếu tố gây mất ổn định và tạo ra rắc rối”.
“Với hai bài phát biểu của Abe và Hagel, nếu ta nhìn vào những hành động họ đã tiến hành thì chúng ta phải hỏi ai là kẻ gây hấn, ai là kẻ tạo ra thách thức, cáo buộc liên quan đến chủ quyền trên biển” - ông Vương lớn tiếng.
Bài phát biểu của ông Vương rõ ràng gây xôn xao khán giả. Có tới 9/12 câu hỏi sau đó là dành để chất vấn Trung Quốc thay vì chất vấn thứ trưởng quốc phòng Nga ở đó.
Đại diện của báo Financial Times đặt câu hỏi: “Tôi không biết, không hiểu đường chín đoạn là gì. Xin ông giải thích căn cứ nó ở đâu”. Một đại biểu từ Ấn Độ nói thẳng: “Đường chín đoạn thách thức mọi luật pháp, thông lệ quốc tế”.
Một đại biểu khác hỏi: “Ông nói Trung Quốc chỉ đáp trả các hành động khiêu khích chứ không bao giờ khiêu khích. Xin ông hãy nói xem Việt Nam đã khiêu khích gì Trung Quốc ở Hoàng Sa để các ông kéo giàn khoan của CNOOC vào đó?”.
Một câu hỏi khác là: “Ông nói về xây dựng quan hệ nước lớn kiểu mới với Mỹ. Vậy Trung Quốc có định xây dựng quan hệ kiểu mới giữa nước lớn - nước nhỏ không?”.
Rất tiếc với những câu hỏi này, tướng Vương chỉ trả lời lòng vòng mà không nêu ra được bất cứ căn cứ pháp lý hợp lý nào.
Ông ta bịa đặt trắng trợn rằng đường chín đoạn Trung Quốc “đã có từ 2.200 năm” nhưng phải đợi đến năm 1949 họ mới công bố.
Ông Vương thậm chí nêu quan điểm kỳ quái là Công ước Luật biển Liên Hiệp Quốc (UNCLOS) “không áp dụng đối với các đảo và biển ở biển Đông”.
Sau đó ông ta chuyển sang cáo buộc Mỹ đang dùng UNCLOS “làm công cụ” trong khi chưa hề phê chuẩn nó.
Phủ nhận luật biển quốc tế
Phần lớn các chuyên gia thường xuyên dự Đối thoại Shangri-La thừa nhận “đây là phần đối thoại kịch tính nhất” họ từng thấy.
Giáo sư Nick Bisley thuộc Đại học La Trobe (Úc) đánh giá: “Thật sự ngạc nhiên khi thấy các cường quốc lớn lại ăn nói cứng rắn với nhau như vậy”.
Chuyên gia Christian Le Miere của Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS), đơn vị tổ chức Đối thoại Shangri-La, đánh giá: “Rất ngạc nhiên là phần trả lời của ông Vương về đường chín đoạn đã hoàn toàn phủ nhận hết luật biển quốc tế”.
Chuyên gia Le Miere nhận định: “Một điều thấy rõ nhất là sự cạnh tranh ảnh hưởng giữa Mỹ và Trung Quốc tại khu vực. Và giờ Nhật cũng tích cực hơn trong việc tham gia an ninh khu vực. Căng thẳng trên biển đang xảy ra nhưng khó có thể hiểu sao phía Trung Quốc lại tỏ ra cộc cằn đến như vậy. Có lẽ vì họ bị phê phán quá nhiều tại cuộc đối thoại lần này”.
Nhà phân tích Bonnie Glaser của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) đánh giá: “Có lẽ phần tuyên bố của tướng Vương chủ yếu nhắm vào khán giả trong nước ở Trung Quốc nhiều hơn. Tôi nghĩ năm nay họ đã bị chỉ trích quá nhiều tại đối thoại. Tôi thấy rất đáng tiếc là tướng Vương đã không trả lời được nhiều câu hỏi. Ông ta dành đến 10 phút lòng vòng để nói về đường chín đoạn nhưng không giải thích được cuối cùng nó là cái gì”.