Đối thoại Shangri-La: Các nước đồng tình lập trường Việt Nam

Sau ba phiên họp toàn thể trong ngày 31-5 với ba chủ đề gồm “Đóng góp của Mỹ đối với ổn định khu vực”, “Thúc đẩy hợp tác quân sự”, “Quản lý các căng thẳng chiến lược”, hội nghị an ninh châu Á lần thứ 13 (Đối thoại Shangri-La) tại Singapore đã tiến hành hai phiên họp toàn thể cuối cùng trong ngày 1-6.

Trung Quốc tố Nhật và Mỹ

Hai phiên họp toàn thể cuối cùng gồm hai chủ đề. Chủ đề “Triển vọng của các nước lớn về hòa bình và an ninh ở châu Á-Thái Bình Dương” do Trung tướng Vương Quán Trung, Phó Tổng Tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc (TQ) và Thứ trưởng Quốc phòng Nga Anatoly Antonov trình bày.

Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian và Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen trình bày về chủ đề “Bảo đảm quản lý xung đột chớp nhoáng ở châu Á-Thái Bình Dương”.

AFP nhận định trên diễn đàn hội nghị, Phó Tổng Tham mưu trưởng Vương Quán Trung đã bỏ qua bài phát biểu viết sẵn và không còn giữ thận trọng nữa, thẳng thừng tố Thủ tướng Nhật Shinzo Abe và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đã tuyên bố “khiêu khích” TQ.

Đối thoại Shangri-La: Các nước đồng tình lập trường Việt Nam ảnh 1

Sáng 1-6, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh đã tiếp xúc song phương với Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Itsunori Onodera bên lề Đối thoại Shangri-La tại Singapore. Ảnh: TTXVN

Trước đó, phát biểu vào đêm 30-5, Thủ tướng Shinzo Abe đã lên án TQ hành động nguy hiểm. Sáng hôm sau, Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel đã lên án TQ hành động gây bất ổn trên biển Đông và cảnh báo Mỹ sẽ không thụ động nếu trật tự thế giới bị đe dọa.

Phó Tổng Tham mưu trưởng Vương Quán Trung vu cho Nhật và Mỹ đã toa rập với nhau nên hai bài phát biểu của Nhật và Mỹ đã ủng hộ quan điểm của nhau, cổ vũ cho nhau và lợi dụng cơ hội được phát biểu trước để tập trung công kích TQ.

Ông nói: “Phái đoàn TQ có cảm giác rằng các bài diễn văn của các ông Abe và Hagel là hành động khiêu khích đối với TQ… Điều này hoàn toàn không thể tưởng tượng nổi”.

Trong lúc ông Vương Quán Trung phát biểu không có mặt Thủ tướng Shinzo Abe và Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel. Thủ tướng Shinzo Abe đã về nước hôm 31-5, còn Bộ trưởng Chuck Hagel đã rời hội nghị sáng 1-6.

Hôm 31-5, Tân Hoa xã (TQ) đưa tin người phát ngôn Bộ Ngoại giao TQ Tần Cương cũng đã chỉ trích Nhật: “Nhật cần làm rõ các động thái gần đây về an ninh, không nên kích động thù hằn và đánh lạc hướng dư luận, đồng thời hành động thiết thực hơn nữa để duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực”.

Các nước đều mong muốn hòa bình

Trả lời phỏng vấn của phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại Singapore sau khi Đối thoại Shangri-La kết thúc, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh cho biết một trong những vấn đề được quan tâm nhiều nhất tại hội nghị là vấn đề biển Đông.
Hiện nay khi tình hình tại biển Đông đang bất ổn, các nước đều bày tỏ quan ngại mong muốn giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định trên biển Đông, mong muốn các bên giải quyết vấn đề bằng biện pháp hòa bình, luật pháp quốc tế, công ước luật biển, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông và tiến tới xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông giữa ASEAN và TQ. 
Ông cho biết: “Chúng ta đã thông tin một cách chính thống, khách quan, trung thực, kịp thời để các chính khách, học giả, cơ quan truyền thông quốc tế biết tình hình hiện nay ở biển Đông sau khi TQ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. Chủ trương nhất quán của chúng ta là giải quyết bằng biện pháp đối thoại, bằng biện pháp hòa bình, nhất là luật pháp quốc tế, Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982 cũng như Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông.
Chúng ta hết sức kiềm chế, không sử dụng vũ lực và không đe dọa dùng vũ lực. Chúng ta sử dụng các lực lượng chấp pháp, các lực lượng tàu cá phối hợp đấu tranh bảo vệ chủ quyền và chúng ta đang cố gắng thông qua con đường đối thoại với lãnh đạo cấp cao của TQ để tìm kiếm giải quyết căng thẳng này”. Bộ trưởng Phùng Quang Thanh cho biết lập trường kiên định của Việt Nam đã được các nước chia sẻ, hoan nghênh và đồng tình tại hội nghị.

Các nước đều tán đồng việc tự kiềm chế, phải dùng luật pháp quốc tế, luật biển và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông chứ không được dùng vũ lực, xung đột, vì nếu xảy ra xung đột thì đây là thảm họa cho toàn khu vực, ảnh hưởng đến giao thương, hoạt động hàng hải, hàng không, đến kinh tế chung của các nước.

HOÀNG DUY

 

Ngày 1-6, bên lề Đối thoại Shangri-La ở Singapore, phát biểu sau cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Itsunori Onodera khẳng định Nhật ủng hộ cách giải quyết của Việt Nam trong vấn đề ở biển Đông, phản đối sử dụng vũ lực hòng thay đổi hiện trạng và vấn đề này phải được giải quyết thông qua đối thoại. Thông tấn xã Việt Nam dẫn nguồn từ hãng tin Kyodo (Nhật) cho biết hai bộ trưởng đã nhất trí tăng cường hợp tác quốc phòng nhằm duy trì hòa bình và an ninh khu vực.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm