New Zealand cân nhắc đổi tên nước theo ngôn ngữ bản địa

(PLO)- Đảng của người bản địa Maori ở New Zealand đã gửi đề xuất đổi tên nước đến Ủy ban các vấn đề người bản địa để ủy ban này xem xét trước khi trình Quốc hội.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 26-10, tờ NZ Herald dẫn lời đồng chủ tịch đảng Maori (một đảng của người bản địa Maori ở New Zealand) - bà Ngarewa-Packer cho biết Ủy ban các vấn đề người Maori của New Zealand sẽ xem xét đơn kiến nghị việc đổi tên đất nước thành Aotearoa và đệ trình kiến nghị này lên Quốc hội.

Bà Ngarewa-Packer nói: “Đơn kiến nghị đã đạt 70.000 chữ ký trong thời gian ngắn kỷ lục”. Đồng thời bà cũng cho biết rằng bà “cực kỳ lạc quan” về giai đoạn tiếp theo của kiến ​​nghị này.

Mặc dù Thủ tướng New Zealand - bà Jacinda Ardern không bày tỏ sự ủng hộ rõ ràng đối với đề xuất này nhưng vào tháng 8 bà nói rằng bà đã sử dụng cả hai cái tên này như những từ đồng nghĩa.

“Dù chúng ta có thay đổi luật hay không, tôi không nghĩ sẽ thay đổi thực tế là người New Zealand đang dần làm quen với tên gọi Aotearoa. Tôi nghĩ người dân đã hoan nghênh sự chuyển đổi này” - bà nói với NZ Herald.

Bà Ngarewa-Packer - đồng chủ tịch đảng Maori ở New Zealand. Ảnh: NZ HERALD

Bà Ngarewa-Packer - đồng chủ tịch đảng Maori ở New Zealand. Ảnh: NZ HERALD

Ngoài ra, bà Ardern cũng cho biết thêm rằng New Zealand đã công nhận tiếng Maori như một ngôn ngữ chính thức bên cạnh tiếng Anh.

Người Maori chiếm khoảng 15% dân số New Zealand, tuy nhiên chỉ có 3% người New Zealand có thể nói tiếng Maori.

Tên gọi “Aotearoa” có nghĩa là “đám mây trắng dài” trong tiếng Maori. Tên gọi gợi nhắc đến việc tổ tiên của người Maori đã nhìn thấy những đám mây trắng trên các hòn đảo của New Zealand khi họ lần đầu phát hiện vùng đất này vào khoảng tám thế kỷ trước.

Vào tháng 9-2021, đảng của người bản địa Maori bắt đầu thu thập chữ ký ủng hộ việc đổi tên đất nước và khôi phục tên bằng tiếng Maori cho tất cả các “thị trấn, thành phố và địa điểm” ở New Zealand vào năm 2026.

Theo tờ NZ Herald, con số 70.000 chữ ký đã đủ để Quốc hội New Zealand xem xét đề xuất này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm