Nga đang tiến gần hơn tới việc sản xuất loại bom lượn mới – loại vũ khí được cho là gây đau đầu cho lực lượng Ukraine trên chiến trường.
Hãng thông tấn TASS hôm 9-1 đưa tin tập đoàn quốc phòng nhà nước Nga Rostec thông báo công ty sẽ bắt đầu sản xuất hàng loạt bom lượn mới có tên Drel trong năm nay. Loại bom mới này gần đây đã vượt qua tất cả đợt thử nghiệm. Rostec tiết lộ thêm đầu đạn cũng đang được phát triển.
Việc nghiên cứu phát triển bom lượn Drel được thông báo lần đầu năm 2016, và bom lượn mới này sẽ không bị phát hiện trên radar, theo TASS.
Bom lượn Drel được thiết kế để phá hủy xe bọc thép, trạm radar mặt đất, trung tâm kiểm soát nhà máy điện và hệ thống tên lửa phòng không.
Không giống như bom trọng lực thông thường, bom lượn có bề mặt điều khiển bay cho phép máy bay tấn công thả chúng ở cự ly cách xa mục tiêu thay vì ngay phía trên mục tiêu, hạn chế máy bay phóng tiếp xúc hệ thống phòng không đối phương.
Những loại bom lượn này khó bị đánh chặn do thời gian bay ngắn và tín hiệu radar nhỏ. Không quân Ukraine đã nhiều lần bày tỏ lo ngại về những quả bom lượn của Nga, đồng thời nhấn mạnh rằng tuy chúng có chất lượng kém nhưng vẫn có khả năng gây ra vấn đề lớn.
Hiện chưa rõ bom lượn mới Drel của Nga sẽ có những cải tiến ở mức độ nào so với một số phiên bản thô sơ.
Theo các nguồn Nga, nguồn phương Tây và giới phân tích, bom lượn Drel là loại bom chùm, có thể bung ra khi đang bay và rải ra những quả bom nhỏ hơn trên một khu vực rộng lớn.
Trong suốt cuộc xung đột, cả Nga và Ukraine đều sử dụng những loại vũ khí này – vũ khí vốn bị đa số quốc gia cấm sử dụng do tính chất hỗn tạp và để lại những quả bom chưa nổ.
Truyền thông nhà nước Nga cho hay bom lượn Drel có thể bay độc lập và nổ vào “đúng thời điểm”, cho thấy nó có thể bung thành các quả đạn nhỏ.
Theo bản cập nhật tình báo của Bộ Quốc phòng Anh hồi cuối tháng 11-2023, có khả năng Nga đã tích hợp bộ kit bay lượn với bom chùm RBK-500 nặng gần 500 kg.
“Nhìn chung bom lượn của Nga có độ chính xác không cao. Tuy nhiên, nếu một quả bom phóng ra với số lượng lớn đạn con thì mục tiêu bị nhắm tới sẽ phải chịu độ sát thương đáng kể” – bản cập nhật tình báo Anh đánh giá.
Đồng thời, một loại vũ khí như vậy cũng có thể gây nguy hại cho các mục tiêu ngoài dự kiến.
Đầu tháng 12-2023, các nhà phân tích xung đột tại Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) đánh giá rằng Nga ngày càng tăng sử dụng bom lượn để tấn công các mục tiêu Ukraine. Tuy nhiên, vài tuần sau, các nhà phân tích tại ISW nói rằng Nga đã hạn chế sử dụng bom sau khi Ukraine bắn hạ một vài máy bay chiến đấu của Nga, đặc biệt là tiêm kích bom Su-34.
“Lực lượng Nga được cho tiến hành các cuộc tấn công bằng bom lượn để máy bay Nga có thể ở phía sau mặt trận 50 km – 70 km” – các chuyên gia ISW cho hay hôm 24-12-2023.
Theo các chuyên gia, việc Nga giảm sử dụng bom lượn cho thấy nước này lo ngại về khả năng phòng không của Ukraine sau những tổn thất gần đây.