Một quan chức Thổ Nhĩ Kỳ cấp cao cho hay việc bàn giao lô hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 thứ hai do Nga sản xuất có thể bị trì hoãn so với mốc thời gian đã định là 2020 do các cuộc đàm phán song phương về chia sẻ công nghệ và sản xuất chung, theo kênh Press TV.
“Chúng tôi đang lên kế hoạch về mốc thời gian cho năm tới. Trái ngược với lô đầu tiên, ở đây có chuyển giao công nghệ và sản xuất chung" - ông Ismail Demir - Cục trưởng Công nghiệp Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ nói ngày 4-11.
Hệ thống S-400. Ảnh: TASS
Ông Demir cũng nhấn mạnh rằng Ankara vẫn sẵn sàng nhận các đề nghị của Washington để mua hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot của Mỹ miễn sao đề nghị đáp ứng các điều kiện của Thổ Nhĩ Kỳ.
Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ trong một tuyên bố hôm 15-9 thông báo việc bàn giao khẩu đội S-400 thứ hai đã hoàn tất tại Bộ chỉ huy Căn cứ không quân Murted, nằm cách thủ đô Ankara 35 km về phía tây bắc và những hệ thống này sẽ đi vào vận hành tháng 4-2020.
Việc bàn giao các linh kiện của lô hệ thống S-400 đầu tiên hoàn tất vào cuối tháng 7. Nga đã triển khai 30 vận tải cơ chở các thiết bị linh kiện S-400 tới Murted.
S-400 là hệ thống tên lửa hiện đại của Nga, được thiết kế để phát hiện, theo dõi và phá hủy máy bay, máy bay không người lái hoặc tên lửa ở khoảng cách 402 km. S-400 trước đó được bán cho Trung Quốc và chuẩn bị bán cho Ấn Độ.
Ankara đang nỗ lực tăng cường phòng không, đặc biệt sau khi Washington năm 2015 quyết định rút hệ thống tên lửa đất đối không Patriot khỏi biên giới Thổ Nhĩ Kỳ với Syria, động thái làm suy yếu phòng không của nước này.
Trước khi ký thỏa thuận mua vũ khí của Nga, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ được cho rút khỏi hợp đồng trị giá 3,4 tỉ USD mua hệ thống tương tự của Trung Quốc. Việc hủy bỏ thỏa thuận được cho diễn ra dưới sức ép từ Mỹ.
Nga đề nghị bán Su-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ
Cũng trong ngày 4-11, vị quan chức Thổ Nhĩ Kỳ trên cho biết Nga đã đề nghị bán tiêm kích Su-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ và Ankara đang “đánh giá” lời đề nghị này.
“Có một đề nghị và chúng tôi đang đánh giá. Không thể có chuyện như “chúng tôi sẽ mua vào ngày mai” trong những vấn đề như vậy. Các khía cạnh kinh tế và chiến lược trong lời đề nghị sẽ được kiểm tra, không thể có quyết định ngay lập tức” - ông Demir cho hay.
Tiêm kích Su-35. Ảnh: TASS
“Sẽ không đúng khi nói “Kỷ nguyên F-35 khép lại, kỷ nguyên Su-35 đang bắt đầu” - nhưng chúng tôi sẽ đánh giá lời đề nghị”, ông cho hay.
Các báo cáo truyền thông gần đây cho hay các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đang thảo luận chi tiết về việc bán tổng cộng 36 tiêm kích Su-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ.
Cũng theo các báo cáo, các quan chức đang thảo luận khả năng Thổ Nhĩ Kỳ tham gia sản xuất một số thành phần của Su-36, bao gồm vũ khí chính xác và đạn dược.