Nga ghi nhận mức sản xuất dầu mỏ kỷ lục bất chấp 'vòng vây’ trừng phạt của phương Tây, đâu là nguyên nhân?

(PLO)- Bất chấp hàng loạt các biện pháp trừng phạt của phương Tây, năng lực sản xuất dầu mỏ của Nga đã ghi nhận nhiều kỷ lục.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sau khi Nga hồi tuần trước tuyên bố sẽ giảm sản lượng khai thác dầu 500.000 thùng/ngày trong tháng 3 tới nhằm đáp trả các biện pháp trừng phạt của phương Tây, nhiều người đã bày tỏ hoài nghi liệu Moscow có thực sự muốn lựa chọn như vậy hay không.

Bởi vì dưới góc độ của phương Tây, Nga đang oằn mình chống đỡ hàng loạt các lệnh trừng phạt về kinh tế từ việc cấm xuất khẩu công nghệ cho đến lệnh cấm gần đây của Liên minh châu Âu đối với hầu hết hoạt động nhập khẩu dầu của của nước này, hãng Bloomberg đưa tin.

Khung cảnh mỏ dầu Ashalchinskoye thuộc sở hữu của nhà sản xuất dầu khí Tatneft của Nga. Ảnh: Sergei Karpukhin/REUTERS

Khung cảnh mỏ dầu Ashalchinskoye thuộc sở hữu của nhà sản xuất dầu khí Tatneft của Nga. Ảnh: Sergei Karpukhin/REUTERS

Ngay cả Ủy viên năng lượng châu Âu Kadri Simson cũng nhận định: “Đó không phải là tự nguyện, mà là do [Nga] bị ép buộc. Họ không đủ khả năng duy trì khối lượng sản xuất vì không còn được tiếp cận với các công nghệ thiết yếu”.

Hoạt động sản xuất dầu Nga vẫn cứ “thẳng tiến”

Tuy nhiên các dữ liệu của Nga cung cấp một bức tranh hoàn toàn khác, theo Bloomberg. Theo đó, các công ty dầu khí Nga đã tiến hành khoan nhiều nhất tại các mỏ dầu trong một thập niên qua mà rất ít dấu hiệu cho thấy các lệnh trừng phạt quốc tế hay sự ra đi của một số công ty lớn của phương Tây gây tổn hại tới hoạt động thượng nguồn - thuật ngữ chỉ giai đoạn đầu trong hoạt động khai thác dầu bao gồm tìm kiếm, thăm dò và khai thác.

Chính điều này đã giúp Nga phục hồi năng lực sản xuất dầu trong nửa cuối năm 2022 bất chấp các lệnh trừng phạt của phương Tây nhắm vào mặt hàng này.

Trong khi đó, theo dữ liệu màBloomberg có được, các giàn khoan dầu của Nga đã khoan tổng độ sâu hơn 28.000 km vào năm ngoái, mức nhiều nhất trong hơn một thập niên. Các giếng khoan dầu cũng tăng gần 7% lên trên 7.800, với nhiều công ty dầu chủ chốt đều công bố kết quả kinh doanh tốt hơn năm 2021.

Còn đài RT ngày 14-2 đưa tin Phó Thủ tướng Nga Aleksandr Novak lưu ý rằng sản lượng dầu của Nga lên tới 535,2 triệu tấn vào năm 2022, tăng 2% so với năm trước đó. Xuất khẩu dầu cũng tăng 7,6% lên 242 triệu tấn.

Phó Thủ tướng Nga cho biết vào năm ngoái, để định hướng lại nguồn cung dầu tới các nước “thân thiện”, Moscow đã triển khai một dự án nhằm tăng cường vận chuyển qua cảng dầu Kozmino. Kết quả là xuất khẩu sang các quốc gia trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương tăng 42 triệu tấn/năm.

Kể từ khi chạm mức thấp là 10,05 triệu thùng/ngày vào tháng 4-2022, hai tháng sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, sản lượng dầu của Nga đã tăng trở lại khoảng 10,9 triệu thùng/ngày vào cuối năm 2022 và duy trì gần mức đó vào tháng 1-2023.

Tàu chở dầu Vladimir Arsenyev tại kho cảng dầu thô Kozmino, gần thành phố cảng Nakhodka, Nga hôm 12-8-2022. Ảnh: Tatiana Meel/REUTERS

Tàu chở dầu Vladimir Arsenyev tại kho cảng dầu thô Kozmino, gần thành phố cảng Nakhodka, Nga hôm 12-8-2022. Ảnh: Tatiana Meel/REUTERS

Những nhân tố giúp dầu Nga vượt qua “bão trừng phạt”

Đầu tiên, các nhà cung cấp quốc tế hàng đầu chỉ chiếm 15% trong tổng phân khúc dịch vụ cho ngành công nghiệp dầu khí của Nga vào năm 2021, theo dữ liệu từ hãng tư vấn Vygon Consulting (ở Moscow).

Theo dữ liệu này, chiếm phần lớn thị trường ở phân khúc trên đến từ các công ty sản xuất dầu trong nước như Rosneft PJSC, Surgutneftegas PJSC và tập đoàn Gazprom. Do đó, những mỏ dầu đã được khai thác rồi thường không bị ảnh hưởng trước lệnh hạn chế của phương Tây về các dịch vụ và thiết bị công nghệ cao cũng như phần mềm tiên tiến.

Chuyên gia Vitaly Mikhalchuk - người đứng đầu trung tâm nghiên cứu công nghệ và giải pháp kinh doanh, cho biết ấn đề chính đối với ngành công nghiệp dầu mỏ nội địa của Nga là sở hữu các thiết bị công nghệ cao của phương Tây và “những vấn đề này được giải quyết nhờ nhập khẩu thông qua trung gian ở các quốc gia thân thiện hoặc tìm các nhà cung cấp thay thế ở Trung Quốc".

Thứ hai, một số nhà cung cấp dịch vụ dầu khí lớn của phương Tây vẫn chưa rời đi và còn hoạt động ở Nga với một số hạn chế nhất định như SLB và Weatherford International Plc. Tuy nhiên, Giám đốc điều hành SLB - ông Olivier Le Peuch vào tháng 7-2022 giải thích do cấu trúc độc đáo của công ty đã tạo ra sự linh hoạt khi hoạt động ở Nga trong khi vẫn tuân thủ các biện pháp trừng phạt của phương Tây.

Còn Weatherford International vào năm ngoái cho biết công ty này đã tạm dừng "đầu tư mới cũng như phát triển công nghệ mới ở Nga”, song báo cáo hàng quý gần đây nhất vẫn liệt kê Nga nằm trong số các khu vực mà công ty có hoạt động.

Thứ ba, hai gã khổng lồ trong ngành dịch vụ dầu khí là Halliburton và Baker Hughes đã bán doanh nghiệp của họ tại Nga cho chính quyền địa phương trước rời khỏi nước này. Điều này cho phép các cơ sở đó giữ lại nhân sự và chuyên môn, theo ông Victor Katona - nhà phân tích dầu thô tại công ty phân tích thị trường Kpler (Pháp).

Bất chấp hàng loạt các biện pháp trừng phạt của phương Tây, năng lực sản xuất dầu mỏ của Nga đã ghi nhận nhiều kỷ lục. Ảnh: Yegor Aleyev/TASS

Bất chấp hàng loạt các biện pháp trừng phạt của phương Tây, năng lực sản xuất dầu mỏ của Nga đã ghi nhận nhiều kỷ lục. Ảnh: Yegor Aleyev/TASS

Về dài hạn, dầu Nga có thể gặp khó?

Mặc dù tác động của các biện pháp trừng phạt đối với hoạt động thượng nguồn rất hạn chế, ngành công nghiệp dầu mỏ của Nga vẫn đối diện với các thách thức khác. Nổi bật nhất là Moscow chưa có khả năng dự trữ dầu mỏ ở lượng lớn. Điều này đã xảy ra trong vài tuần ngay sau cuộc xung đột Nga-Ukraine khi các công ty không mua dầu Nga khiến cho hàng tồn kho tăng lên buộc Moscow cắt giảm sản lượng khoảng 500.000 thùng/ngày.

Trong khi đó, ông Swapnil Babele - Phó Chủ tịch Công ty tư vấn năng lượng Rystad Energy, cho biết những lệnh cấm xuất khẩu công nghệ có những tác động dài hạn thấy rõ tới hoạt động thượng nguồn.

Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine đã làm ngành công nghiệp dầu mỏ của nước này trải qua sự thay đổi sâu sắc nhất kể từ khi Liên Xô sụp đổ. Các tập đoàn dầu khí lớn của phương Tây như BP Plc (Anh), Shell Plc (liên kết giữa Hà Lan và Anh) và Exxon Mobil Corp (Mỹ) đã huỷ bỏ các khoản đầu tư trị giá hàng tỉ USD vào Nga. Ngoài ra, châu Âu cũng ban hành lệnh “cấm xuất khẩu toàn diện đối với thiết bị, công nghệ và dịch vụ cho ngành năng lượng của Nga”.

Chuyên gia Mikhalchuk cũng thừa nhận sự thiếu hụt công nghệ để phát triển dầu khí ngoài khơi và một số trữ lượng khó phục hồi có thể trở thành một vấn đề. Sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014, một lệnh cấm quốc tế cung cấp dịch vụ đối với các dự án dầu khí đá phiến, ở Bắc Cực và các vùng nước sâu của Nga đã cản trở các kế hoạch khai thác dầu ngoài khơi của hãng sản xuất dầu Rosneft ở phía bắc biển Kara.

Dù vậy, theo chuyên gia Katona, kể từ đó, các công ty dầu khí Nga cũng đã phát triển một số kỹ năng chuyên môn trong lĩnh vực trên.

Thậm chí các lệnh cấm công nghệ khiến hoạt động khai thác dầu mỏ trong những tầng chứa khó khăn hơn thì Nga vẫn có đủ trữ lượng truyền thống để duy trì dòng chảy dầu mỏ. Theo chuyên gia Mikhalchuk, giả sử sản lượng dầu vẫn duy trì ở gần mức hiện nay thì tới năm 2027, chỉ 3% trong số đó phụ thuộc vào các công nghệ mà Moscow hiện khó tiếp cận.

Trong khi vẫn chưa có bằng chứng nào cho thấy mức giá trần phương Tây áp đặt lên dầu thô của Nga vào ngày 5-12-2022 tạo ra những vấn đề cho ngành công nghiệp dầu khí Nga vì sản lượng của nước này vẫn giữ ổn định trong hai tháng qua. Đối với mức giá trần lên các sản phẩm dầu tinh chế của Nga do EU ban hành đầu tháng 2 này thì còn quá sớm để đánh giá tác động đầy đủ của lệnh trừng phạt này.

Nga muốn xoay trục dòng chảy dầu mỏ sang các quốc gia 'thân thiện'

Phó Thủ tướng Nga Aleksandr Novak cho biết Moscow dự tính chuyển hoạt động xuất khẩu dầu và các sản phẩm dầu mỏ sang các quốc gia "thân thiện” trong năm nay, tăng tỉ trọng của các nước này trong tổng nguồn cung xuất khẩu dầu lên 75-80%, theo RT.

Ông Novak cho hay trong tương lai, Nga đang nỗ lực xoay trục xuất khẩu năng lượng sang các quốc gia chưa áp đặt các biện pháp trừng phạt lên Moscow hoặc không chỉ trích chiến dịch quân sự của nước này ở Ukraine.

“Chúng tôi tiếp tục tìm kiếm thị trường mới. Năm nay, chúng tôi có kế hoạch xuất khẩu hơn 80% lượng dầu và 75% các sản phẩm dầu sang các nước thân thiện" - ông Novak viết trên tạp chí Chính sách Năng lượng hôm 13-2.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm