Lệnh cấm vận dầu Nga liệu có phát huy tác dụng, Moscow ‘né trừng phạt’ bằng cách nào?

(PLO)- Lệnh cấm vận dầu Nga tới châu Âu qua đường biển chính thức có hiệu lực hồi 5-2, chính quyền Moscow đã dùng các biện pháp nào để “né trừng phạt”?
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo hãng tin Reuters, kể từ ngày 5-2, Liên minh châu Âu (EU) bắt đầu áp dụng lệnh cấm vận với các mặt hàng nhiên liệu tinh chế từ Nga như dầu diesel, dầu hỏa, dầu mazut, nhằm kéo dài nỗ lực hạn chế các nguồn thu của chính quyền Moscow.

Theo đó, động thái này được cho là sẽ gây ra nhiều thay đổi đáng kể trong các giao dịch dầu toàn cầu, đồng thời đặt ra câu hỏi rằng liệu các lệnh trừng phạt trên sẽ gây áp lực lên kinh tế Nga như thế nào, và Moscow sẽ có những biện pháp nào để đối phó.

Lệnh cấm vận dầu Nga chính thức có hiệu lực từ ngày 5-2. Ảnh: REUTERS

Lệnh cấm vận dầu Nga chính thức có hiệu lực từ ngày 5-2. Ảnh: REUTERS

Liệu lệnh cấm vận có phát huy tác dụng, kinh tế Nga bị ảnh hưởng ra sao?

Theo Reuters, lệnh cấm vận lên các sản phẩm dầu Nga có hiệu lực cùng lúc với việc áp dụng các mức giá trần mới từ các sản phẩm dầu mà Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) và EU đưa ra cho Moscow.

Theo đó, các biện pháp trừng phạt này sẽ cấm các tàu chở hàng của phương Tây vận chuyển các sản phẩm dầu của Nga được giao dịch trên mức giá trần qua đường biển. Ngoài ra, các hạn chế mới còn cấm các công ty hỗ trợ kỹ thuật, môi giới hoặc tài chính (trong đó có các công ty cung cấp dịch vụ bảo hiểm cho các tàu vận chuyển) phải ngừng cung cấp các dịch vụ trên cho các tàu chở dầu của Nga.

Tờ Business Insider dẫn nhận định từ giới quan sát, cho rằng các biện pháp trừng phạt trên của phương Tây có thể sẽ khiến kinh tế Nga chịu nhiều thiệt hại, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm dầu.

Cụ thể, theo báo cáo mới nhất của Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí sạch (CREA) có trụ sở tại Phần Lan, chỉ tính riêng thời điểm cuối năm 2022, các biện pháp trừng phạt từ phương Tây khiến tỉ trọng xuất khẩu các sản phẩm dầu thô của Nga giảm 12% và doanh thu từ dầu thô của nước này cũng giảm 32% (so với cùng kỳ năm 2021).

CREA còn ước tính rằng trước tác động từ các biện pháp trừng phạt và lệnh cấm vận từ phương Tây, Nga đã thiệt hại gần 160 triệu euro (gần 170 triệu USD) mỗi ngày. Ngoài ra, cơ quan này còn dự báo rằng kể từ ngày 5-2, sau khi phương Tây chính thức áp dụng lệnh cấm vận lên dầu và áp các mức trần mới lên các sản phẩm dầu của Moscow thì mức thiệt hại này có thể sẽ tăng lên khoảng 280 triệu euro (300 triệu USD) mỗi ngày.

Trong khi đó, theo ông Ferit Temur - nhà phân tích chính trị Thổ Nhĩ Kỳ và là chuyên gia về các vấn đề của Nga nhận định rằng vẫn còn quá sớm để nói rằng các biện pháp trừng phạt từ phương Tây có gây thiệt hại gì cho kinh tế Nga hay không.

Theo ông Temur, các biện pháp trừng phạt thường sẽ phát huy tác dụng trong trung và dài hạn, đồng thời ông còn nhận định rằng phương Tây đang đi đúng hướng trong việc áp các trừng phạt lên Nga. Tuy nhiên, có thể sẽ mất một khoảng thời gian để nhận thấy mức độ ảnh hưởng rõ ràng từ các đòn trừng phạt lên kinh tế Nga, đặc biệt là lĩnh vực dầu mỏ.

Dầu Nga vẫn có mặt trên thị trường, Moscow “né” trừng phạt thế nào?

Tàu chở dầu Minerva Virgo của Nga cập cảng New York (Mỹ). Ảnh: REUTERS
Tàu chở dầu Minerva Virgo của Nga cập cảng New York (Mỹ). Ảnh: REUTERS

Từ hồi tháng 12-2022, mặc dù mắc phải các hạn chế từ các lệnh cấm vận khiến dầu Nga không tìm được các nhà vận chuyển từ phương Tây giúp chuyển các sản phẩm dầu ra thị trường nước ngoài, song giới quan sát cho rằng dầu Nga vẫn đang xuất hiện trên thị trường thế giới, vậy Moscow đã né trừng phạt như thế nào?

Theo tờ The Economist, các nhà quan sát cho rằng Moscow đã tìm cách né tránh các đòn trừng phạt từ phương Tây bằng cách sử dụng các đội tàu chở hàng không phụ thuộc dịch vụ bảo hiểm hoặc tài chính từ phương Tây, đồng thời áp dụng biện pháp “đổi thương hiệu dầu”.

Cụ thể, theo The Economist, gần đây một số tàu chở dầu khổng lồ neo đậu ở khu vực Trung Đông của châu Á đã bị phát hiện lấy hàng từ các tàu nhỏ chở dầu của Nga ngoài khơi Gibraltar (phần lãnh thổ hải ngoại nằm ở phía Tây nước Anh). Theo các nguồn tin thân cận, Oman và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) đã nhập khẩu nhiều dầu của Nga trong 10 tháng đầu năm 2022 so với 3 năm trước cộng lại, theo đó, số dầu này được cho là đã pha trộn với dầu của họ và bán lại cho các nước châu Âu.

Hay như Malaysia của châu Á cũng đang xuất khẩu sang Trung Quốc lượng dầu gấp đôi sản lượng dầu thô mà nước này có thể sản xuất. Phần lớn trong số đó có thể là dầu từ Iran, nhưng các nhà quan sát về thị trường dầu mỏ lại nghi ngờ rằng số dầu trên có thể đã được trộn lẫn với dầu của Nga.

Ngoài ra, theo Reuters, một trong những biện pháp mà Nga đã áp dụng nhằm tránh trừng phạt lên dầu mỏ từ phương Tây chính là thay đổi các đối tác trên thị trường dầu mỏ. Cụ thể, Nga đã dịch chuyển các giao dịch dầu của mình sang thị các thị trường mới như Trung Quốc, Ấn Độ, các nước khu vực Trung Đông.

Theo đó, các thị trường mới này được cho là đã không áp dụng các biện pháp trừng phạt mà phương Tây đề ra, đồng thời vẫn chấp nhận các khoản giao dịch dầu với Moscow cao hơn so với mức trần mà phương Tây đặt ra.

Thị trường dầu thế giới sẽ ra sao?

Sau lệnh cấm vận và mức trần mới của dầu Nga có hiệu lực, kênh DW (Đức) dẫn nhận định của các chuyên gia cho rằng trong thời gian tới thị trường dầu thế giới bị ảnh hưởng như thế nào sẽ phụ thuộc vào khả năng liệu Moscow và EU có tìm được những đối tác mới thay thế trong một thời gian dài hay không.

Theo đó, giới quan sát nhận định rằng nếu tìm được các đối tác mới, việc thiếu nguồn cung dầu Nga tại châu Âu sẽ không gây tác động lớn tới thị trường dầu trên thế giới, đồng thời các tác động của giá dầu cũng không tạo ra các tác động lâu dài lên kinh tế thế giới.

Trong trường hợp ngược lại, nếu hai bên không tìm được đối tác mới thay thế nhau, việc thắt chặt nguồn cung dầu Nga trên thị trường có thể dẫn tới sự gián đoạn nguồn cung dầu. Điều này gây ảnh hưởng lớn tới các ngành sản xuất công nghiệp, ngành giao thông vận tải và một số ngành nông nghiệp trên thế giới. Bên cạnh đó, việc giá nhiên liệu tăng mạnh có thể sẽ xảy ra và sẽ làm suy yếu cuộc chiến chống lạm phát của nhiều nền kinh tế trên thế giới.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm