Ngày 25-5, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu và người đồng cấp Belarus - ông Viktor Khrenin đã ký thỏa thuận về việc triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga tại Belarus, đánh dấu lần đầu tiên Moscow triển khai vũ khí hạt nhân ra ngoài lãnh thổ kể từ sau Chiến tranh Lạnh, theo đài RT.
Tại lễ ký kết, ông Shoigu giải thích động thái này nhằm đáp trả “sự leo thang nghiêm trọng” các mối đe dọa và hoạt động hạt nhân chung của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Ông lưu ý rằng thỏa thuận giữa Moscow và Minsk là về “vũ khí hạt nhân phi chiến lược” và phù hợp với “tất cả các nghĩa vụ pháp lý quốc tế”.
“Nga không bàn giao vũ khí hạt nhân cho Belarus. Quyền kiểm soát và quyết định sử dụng vũ khí này vẫn thuộc về phía Nga” - vị bộ trưởng nói thêm.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu (trái) và Bộ trưởng Quốc phòng Belarus Viktor Khrenin trong cuộc gặp ở thủ đô Minsk (Belarus) ngày 25-5. Ảnh: AP |
Ông Shoigu tiết lộ rằng Moscow đã cung cấp cho Minsk tên lửa Iskander-M có khả năng mang đầu đạn hạt nhân và đã giúp điều chỉnh để một số máy bay chiến đấu của Belarus có thể mang vũ khí hạt nhân.
Ông cũng tuyên bố rằng “các biện pháp bổ sung” có thể được thực hiện trong tương lai để đảm bảo an ninh của hai nước.
Đáp lại, ông Khrenin nói rằng thỏa thuận “sẽ là một phản ứng hiệu quả trước những chính sách hiếu chiến từ các nước thù địch”. Ông cũng bày tỏ hy vọng rằng việc triển khai vũ khí hạt nhân của Nga tới Belarus sẽ khiến các cường quốc phương Tây điều chỉnh lại hoạt động trong khu vực.
Vị bộ trưởng ca ngợi thỏa thuận là bằng chứng về tầm quan trọng “chiến lược” của mối quan hệ Nga-Belarus.
Cùng ngày, Mỹ đã lên tiếng về thỏa thuận hạt nhân của Moscow và Minsk. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller cho biết Washington lên án mạnh mẽ thỏa thuận nhưng không thấy lý do khiến Mỹ phải điều chỉnh tư thế hạt nhân của mình, theo hãng tin Reuters.
“Đây là ví dụ mới nhất về hành vi vô trách nhiệm mà chúng ta thấy từ Nga kể từ cuộc chiến ở Ukraine hơn 1 năm trước” - người phát ngôn nói, nhắc lại lời cảnh báo của Washington rằng việc sử dụng vũ khí hóa học, sinh học hoặc hạt nhân trong cuộc xung đột sẽ nhận lại “hậu quả nghiêm trọng”.
“Chúng tôi không thấy có lý do gì để điều chỉnh tư thế hạt nhân chiến lược của mình hoặc bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Nga đang chuẩn bị sử dụng vũ khí hạt nhân” - ông nói thêm.