Theo Forbes, thời gian qua, Mỹ đã tăng cường hợp tác với các quốc gia bờ Biển Đen. Mỹ đã đề nghị các nước này tiến hành tập trận và cơ động hải quân cũng như thảo luận về triển vọng tăng cường hợp tác sản xuất chung trong lĩnh vực quốc phòng với các nước này.
Lý giải cho hành động này, Washington giải thích rằng các quốc gia có chung đường biên giới với Nga, cần phải tự bảo vệ trước các “mối đe dọa” tiềm tàng từ Nga.
Trong khi đó, các quốc gia phương Tây cũng thừa hiểu rằng Nga trong vòng 100 năm qua đã coi khu vực Biển Đen như là một trong những nơi đảm bảo an ninh quan trọng nhất của nước này. Moscow cũng có đầy đủ cơ sở lịch sử lẫn chiến lược để bảo vệ địa điểm quan trọng này, Forbes viết.
Tên lửa hành trình Caliber của Nga. Ảnh: Shutterstock
Xuất phát từ thực tế trên, theo Forbes, chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi Moscow những năm gần đây đã liên tục tung ra các bước đi, hành động cụ thể để lấy lại hào quang trước đó cho lực lượng Hạm đội Biển Đen của nước này.
Cũng theo nhận định của Forbes, kể từ khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea, hệ thống bảo vệ Biển Đen đã được củng cố rõ rệt nhờ sự kết hợp của hệ thống các tên lửa chống tàu siêu thanh có tầm bắn 600 km.
Những khả năng ưu việt của Nga cho phép nước này hạn chế được đáng kể những hành động của Mỹ và NATO ở Biển Đen. Qua đó, Washingtion buộc phải tăng cường chi phí cho nền công nghiệp quốc phòng.
Ngay cả các tàu tuần tra nhỏ của Nga cũng có thể thực hiện các đòn tấn công hùng mạnh hơn so với tàu chiến của các lực lượng hải quân các nước khác nhờ sử dụng các tên lửa hành trình mới “Caliber” và các loại đạn dược có độ chính xác cao, theo Forbes.