Nga mất kiên nhẫn với Mỹ về Ukraine, NATO quyết giữ lập trường

Thế đối đầu giữa Nga và phương Tây cùng Mỹ xung quanh vấn đề Ukraine ngày càng căng thẳng. Sự hiện diện quân sự của NATO ở châu Âu ngày càng lớn, Nga vẫn đang tập trung số lượng lớn binh sĩ sát biên giới với Ukraine. Moscow đã đưa ra yêu cầu để các bên giảm căng thẳng, song rất khó để Mỹ và phương Tây nhượng bộ.

Tổng thống Mỹ Joe Biden (giữa) cùng các lãnh đạo khác của khối NATO
tại kỳ thượng đỉnh NATO ở Bỉ hồi tháng 6. Ảnh: BỘ QUỐC PHÒNG MỸ

Nga thúc giục, Mỹ giữ im lặng

Trả lời phỏng vấn của hãng tin Reuters ngày 20-12, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho biết đến nay Mỹ vẫn chưa có phản hồi chính thức về bản dự thảo hiệp ước an ninh tám điểm mà Bộ Ngoại giao Nga công bố ngày 17-12, trong nỗ lực xoa dịu căng thẳng hiện tại.

“Tôi nghĩ họ sẽ biến điều này thành quy trình chậm chạp nhưng chúng tôi cần nó diễn ra khẩn trương bởi tình hình đang rất nghiêm trọng, khó khăn và sẽ ngày càng trở nên phức tạp hơn nếu để lâu” - ông Ryabkov nói.

Trưởng đoàn đàm phán Nga về các vấn đề an ninh quân sự và kiểm soát vũ khí Konstantin Gavrilov cũng cảnh báo rằng quan hệ giữa Nga và NATO đã đến “thời khắc quyết định”. Theo ông Gavrilov, “các cuộc thảo luận cần nghiêm túc, tất cả thành viên NATO phải hiểu rằng cần có những hành động chính trị rõ ràng, nếu không giải pháp thay thế sẽ là phản ứng quân sự từ Nga”.

Về nội dung của dự thảo hiệp ước, Nga yêu cầu NATO rút toàn bộ binh sĩ và khí tài khỏi những nước gia nhập liên minh sau năm 1997 - gồm Ba Lan, Estonia, Lithuania, Latvia và các nước vùng Balkan. NATO cũng phải ngừng mở rộng hiện diện quân sự về phía đông, không kết nạp Ukraine vào khối và ngừng các cuộc diễn tập tại Ukraine, Đông Âu, Trung Á và các nước vùng Caucasus nếu chưa có sự đồng ý từ Nga.

Nga cũng kêu gọi hai bên rút tên lửa tầm ngắn và tầm trung khỏi biên giới của nhau, tiếp tục đàm phán để thay thế Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm xa (INF) mà Mỹ đã rút từ năm 2018. Ông Ryabkov cho biết Moscow không đặt hạn chót về đối thoại nhưng muốn bắt đầu đàm phán càng sớm càng tốt.

Về phía Mỹ, ngày 17-12, Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan khẳng định sẵn sàng đối thoại cùng Nga về những quan ngại liên quan đến an ninh châu Âu nhưng lưu ý Washington vẫn cần phối hợp chặt với đồng minh. Từ đó đến nay chưa có thêm phát ngôn từ phía lãnh đạo này.

 

Giới phân tích lúc này đang rất mù mờ về động cơ của Nga khi công bố dự thảo an ninh tám điểm với NATO và Mỹ. Một mặt, nó cho thấy Moscow rất tự tin vào vị thế chính trị của mình ở châu Âu và sẵn sàng đàm phán thẳng thắn với phương Tây. Mặt còn lại, họ chắc hẳn cũng phải biết rõ Mỹ và NATO sẽ rất khó chấp nhận những điều kiện Nga đưa ra.

GS Nga học SAM GREENE, ĐH King’s College London (Anh)

NATO cảnh báo rắn

Trong khi đó, NATO liên tục có các phát ngôn cảnh báo Nga với đại ý chung là sẽ hành động theo lợi ích của khối và từng thành viên, chứ không nhất thiết phải nghe theo yêu cầu của Moscow. Đơn cử, phát biểu trong chuyến thăm lực lượng đồn trú Đức ở Lithuania hôm 19-12, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht khẳng định NATO sẽ không cho phép Nga can thiệp vào các quyết định của khối liên quan tới vấn đề an ninh khu vực, theo hãng tin Reuters.

“Chúng tôi sẽ xem xét các yêu cầu của Nga và sẽ cùng họ giải quyết các căng thẳng hiện nay bằng biện pháp ngoại giao. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ không chấp nhận Nga kiểm soát và can dự vào các quyết định của chúng tôi về an ninh khu vực và chúng tôi sẽ làm rõ hơn điều này trong thời gian tới” - bà Lambrecht nhấn mạnh.

Cùng có mặt tại buổi họp báo, ông Arvydas Anusauskas, Bộ trưởng Quốc phòng Lithuania, cáo buộc Nga đang có ý đồ chia rẽ các thành viên NATO và khối này nhất định không được để Nga chia châu Âu thành những vùng rời rạc nhau. Ông nhấn mạnh: NATO cần hỗ trợ Ukraine nhiều nhất có thể, bao gồm cả việc hỗ trợ nước này các loại “vũ khí gây sát thương” dù không nói rõ vũ khí gì.

Gần đây, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg khẳng định không chấp nhận bất cứ yêu cầu nào từ phía Nga liên quan khả năng NATO kết nạp Ukraine nhưng vẫn sẽ sẵn sàng đối thoại với Nga để tìm hướng xuống thang căng thẳng.

“Chúng tôi tin rằng đối thoại đặc biệt quan trọng trong những tình huống khó khăn như hiện nay. Chúng tôi sẵn sàng ngồi xuống đối thoại nhưng sẽ không bao giờ thỏa hiệp về quyền của những quốc gia có chủ quyền như Ukraine trong việc lựa chọn con đường của riêng mình, và trên nguyên tắc, chỉ có Ukraine và 30 nước thành viên NATO mới có quyền quyết định khi nào Ukraine sẵn sàng gia nhập liên minh” - ông Stoltenberg nêu rõ.•

Ukraine muốn Mỹ, phương Tây hành động nhiều hơn

Về phía Ukraine, trao đổi với tờ The Washington Post cuối tuần rồi, Ngoại trưởng Dmitry Kuleba cho rằng Mỹ và các nước phương Tây cần hành động rõ ràng và nhiều hơn nữa để Nga không nghi ngờ độ nghiêm túc của phương Tây trong nỗ lực bảo vệ lợi ích ở châu Âu.

“Moscow đang nghĩ rằng chúng tôi và phương Tây chỉ đang tuyên bố mạnh miệng thôi, chứ không thật sự sẽ làm gì họ. Ukraine, Mỹ và phương Tây cần phối hợp để có được các biện pháp trừng phạt mạnh tay hơn với Nga” - ông Kuleba nhấn mạnh.

Phát ngôn của ông Kuleba đưa ra cùng thời điểm đài CNN dẫn một số nguồn tin riêng tiết lộ rằng các quan chức Ukraine đã gửi thông điệp tới Mỹ và yêu cầu được hỗ trợ các hệ thống phòng không, chẳng hạn như hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot hoặc hệ thống tên lửa phòng không vác vai cơ động (MANPADS) Stinger. Đáng chú ý, số vũ khí này nếu Mỹ chấp thuận gửi qua sẽ nằm ngoài gói viện trợ 60 triệu USD mà Quốc hội Mỹ đã phê duyệt cho Ukraine trong năm nay. Lô vũ khí và đạn dược cuối cùng trong gói 60 triệu USD đã chuyển đi từ ngày 9-12, bao gồm trang thiết bị quân sự phi sát thương lẫn sát thương, trong đó có súng bộ binh và tên lửa chống tăng Javelin. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới