Những năm đầu thế kỷ 21, Chelsea chỉ là một đội bóng “nhà nghèo” tiềm năng và đang lâm vào vòng xoáy khủng hoảng tài chính. The Bllues mong chờ một ông chủ mới giàu có đến giải cứu họ.
Năm 2003, Roman Abramovich bắt đầu quan tâm tới bóng đá Anh và quyết định sẽ mua một đội bóng, sau khi tới sân Old Trafford theo dõi MU thắng Real Madrid 4-3 tại Champions League. Đó cũng là thời điểm, giải Ngoại hạng Anh đang phát triển mạnh mẽ sau hơn 1 thập kỷ ra đời.
Vì nhiều lý do khác nhau, tỷ phú này đã bỏ qua một loạt những cái tên lớn như Manchester United, Tottenham, Arsenal và quyết định sẽ mua lại Chelsea bằng cuộc thương thảo chỉ kéo dài vỏn vẹn 30 phút.
Tỉ phú Abramovich đã nâng tầm Chelsea lên rất cao sau 19 năm gắn bó. Ảnh: CGI.
Abramovich đến, Chelsea bỗng một bước lên mây khi tài sản lúc bấy giờ của ngài chủ tịch lớn hơn tất cả các đội bóng ở Ngoại hạng Anh cộng lại. Không những thế, Abramovich lại còn rất chịu chi, biến Chelsea trở thành thế lực lớn trong làng bóng đá xứ sương mù.
Mặt khác, sự có mặt của Abramovich cũng là tiên phong dẹp bỏ truyền thống các đội bóng Anh luôn thuộc sở hữu của các ông chủ địa phương, mà thay vào đó là những người siêu giàu đến từ khắp nơi trên thế giới. Nối gót Roman Abramovich xuất hiện tại Ngoại hạng Anh là nhà Glazer (MU), tỷ phú Stan Kroenke (Arsenal), Hoàng thân Sheikh Mansour (Man City), bộ đôi tài phiệt John W. Henry và Tom Werner (Liverpool) hay mới nhất là Thái tử của Mohammed bin Salman (Newcastle).
Roman Abramovich không chỉ biến Chelsea thành một thế lực trong thế giới bóng đá, mà còn đứng trên đỉnh cao suốt 19 năm và liên tục mở rộng bộ sưu tập danh hiệu, bất chấp sự cạnh tranh từ những thế lực giàu mạnh khác.
Ông chủ người Nga luôn thân thiện và hòa nhã với những người yêu bóng đá Chelsea. Ảnh: CGI.
Trong kỷ nguyên Abramovich, Chelsea giành tổng cộng 21 danh hiệu lớn nhỏ bao gồm bao gồm 5 Premier League, 2 Champions League, 5 FA Cup, 3 League Cup, 2 Europa League, 2 Community Shield, 1 UEFA Super Cup và 1 FIFA Club World Cup. Trước đó, The Blues đã mất tới 98 năm để có được 15 danh hiệu.
Ngoài nổi tiếng bạo chi, Aramovich còn gây ấn tượng mạnh khi là một người có tiêu chuẩn làm việc cực kì khắt khe. 17 là số HLV đã làm việc trong 19 năm Abramovich tại vị, chưa kể đến hàng trăm cầu thủ đến và đi. Chelsea không có thói quen gắn liền thương hiệu với bất kể cá nhân nào, hay nói cách khác là khá thiếu kiên nhẫn trong những quyết định dùng người. Một vài lần không đạt thành tích tốt cũng có thể khiến cá nhân đó phải cuốn gói rời sân Stamford Bridge.
Dù vậy, giá trị của Abramovich không chỉ nằm ở những lần chi tiền tấn đưa các ngôi sao về khoác áo xanh Chelsea mà còn là những định hướng và tầm nhìn ông đặt để lại nơi này.
Lampard và John Terry rất biết ơn ông chủ người Nga. Ảnh: CGI.
Abramovich hiểu rằng một CLB hàng đầu không thể mãi đi chiêu dụ tài năng từ những đội bóng khác mà phải tự mình đào tạo. John Terry là một trong những “quả ngọt” đầu tiên mà Chelsea gặt hái. Hậu bối với những Mason Mount , Reece James, Callum Hudson-Odoi, Andreas Christensen… giờ đây cũng đang là trụ cột của CLB.
Văn hóa ứng xử ở nơi đây cũng được Abramovich chú trọng. Dù ở bất cứ tình cảnh nào, Chelsea vẫn luôn giữ được hình tượng là một CLB văn minh. Hiếm khi người ta thấy Stamford Bridge xảy ra bạo động. Các cầu thủ cũng như tất cả các nhân viên làm việc ở đây luôn được khen ngợi vì cách ứng xử lịch thiệp. Đó là khí chất mà Abramovich đã lan tỏa từ ngay từ những năm đầu tiên.
Năm 2022, kỷ nguyên Roman Abramovich tại Chelsea đang chuẩn bị khép lại. Tỷ phú này đã rao bán Chelsea trước áp lực dư luận từ căng thẳng Nga – Ukraine. Cựu đội trưởng John Terry tỏ ra tiếc nuối nhưng cũng đầy tự hào: “Cảm ơn Roman. Ông chủ tốt nhất thế giới”.
Roman Abramovich là một tượng đài lớn của Chelsea và cả nền bóng đá Anh.