Nga-NATO: Quyết tâm không nhường nhau, căng thẳng nguy hiểm nhất 30 năm

Hãng Reuters đưa tin lãnh đạo các nước Liên minh châu Âu (EU), cùng quan điểm với Anh và Mỹ, ngày 16-12 nhất trí sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế bổ sung nhằm vào Nga nếu Moscow thúc đẩy hành động quân sự tại Ukraine.

Tuy nhiên, các nước vẫn khuyến khích thúc đẩy nỗ lực ngoại giao với Moscow.

EU nhất trí biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga  

Theo Reuters, lãnh đạo các quốc gia Baltic và Trung Âu hôm 16-12 nói rằng EU đang bị Nga tấn công từ nhiều mặt và phải đoàn kết sau các biện pháp trừng phạt kinh tế mới, trong đó Lithuania viện dẫn nguy cơ có thể bị Nga tấn công quân sự từ Belarus.

Tuyên bố trên được đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh EU tại Brussels, Bỉ.

Thủ tướng Slovenia Janez Jansa và Thủ tướng Latvia Arturs Krisjanis Karins. Ảnh: KENZO TRIBOUILLARD / REUTERS

Tuy không có biện pháp trừng phạt nào được đưa ra thảo luận tại hội nghị, song các nhà ngoại giao cho rằng các biện pháp mới có thể bao gồm việc nhằm vào các nhà tài phiệt Nga, cấm các giao dịch của EU với các ngân hàng tư nhân của Nga.

Biện pháp cũng có thể gồm việc cắt tất cả ngân hàng Nga khỏi mạng lưới SWIFT, vốn là huyết mạch của hệ thống chuyển tiền quốc tế.

Tuy nhiên, lãnh đạo các nước EU cho biết vẫn ủng hộ các nỗ lực ngoại giao và thúc đẩy đối thoại theo định dạng Normandy để thực thi hoàn toàn thỏa thuận Minsk.

Theo Reuters, những cảnh báo trên là một trong những cảnh báo trực tiếp nhất trong những tuần gần đây trong bối cảnh Mỹ và các đồng minh NATO tìm cách ngăn chặn nguy cơ xảy ra bất kỳ cuộc tấn công nào của Nga vào Ukraine, cũng như giảm thiểu tình huống bất ngờ từ Moscow. Nhiều đồng minh của NATO cũng là thành viên EU.

Thủ tướng Latvia Krisjanis Karins cho biết: “Chúng tôi thực sự đang phải đối mặt một loạt tấn công. Tôi thấy tất cả đều liên đới với nhau”.

Theo ông, các vấn đề trên bao gồm việc “vũ khí hóa” người di cư Trung Đông ở biên giới của Belarus với EU, giá khí đốt tự nhiên của Nga tăng cao một cách bất thường và những thông tin sai lệch của Nga.

Ukraine vẫn là tâm điểm căng thẳng chính giữa Nga và phương Tây. Washington cho biết Nga đã tập trung hơn 100.000 quân ở biên giới Ukraine, có thể cho một cuộc tấn công.

Về phía mình, Moscow nói họ có quyền điều động quân đội xung quanh lãnh thổ của mình khi thấy phù hợp, nói thêm rằng các cuộc điều động chỉ mang tính chất phòng thủ.

Reuters dẫn bản dự thảo tuyên bố cuối cùng của hội nghị thượng đỉnh EU cho biết các nhà lãnh đạo EU cảnh báo về “những hậu quả to lớn” nếu Nga xâm lược Ukraine. Mỹ và Anh cũng có lập trường tương tự.

Điện Kremlin phủ nhận các cáo buộc của phương Tây đối với họ, bao gồm kế hoạch xâm lược Ukraine. Phía Nga cho biết có lợi ích an ninh hợp pháp trong khu vực và hôm 15-12 đã đưa ra đề xuất đối với Mỹ rằng NATO không nên mở rộng về phía đông hoặc đặt các hệ thống vũ khí mới gần biên giới của Nga.

NATO sẽ mở rộng quy mô của khối, bất chấp Nga phản đối

Đài RT dẫn lời ông Jens Stoltenberg – tổng thư ký NATO – hôm 16-12 cho biết việc mở rộng quy mô của NATO sẽ tiếp tục bất chấp việc Nga có muốn hay không.

NATO sẽ mở rộng quy mô của khối, bất chấp Nga phản đối. Ảnh: GETTY IMGES / ROMAN DIDKIVSKYI

Phát biểu trong cuộc họp báo hôm 16-12, ông Stoltenberg đề cập khả năng Ukraine trở thành thành viên của khối NATO, điều mà Kiev đang thúc đẩy song Tổng thống Nga Vladimir Putin mô tả là “lằn ranh đỏ”.

Theo ông Stoltenberg, việc Ukraine gia nhập NATO tùy thuộc vào các quốc gia thành viên cũng như ban lãnh đạo của khối, và Moscow không nên đưa ra quyết định. 

Ông cũng nhấn mạnh sự hỗ trợ về mặt quân sự của NATO đối với Ukraine.

“Các nước NATO đang huấn luyện và tham vấn cùng quân đội Ukraine. Họ đang tiến hành các cuộc tập trận chung và cung cấp vật tư, công nghệ quân sự. Sự ủng hộ của liên minh đối với Ukraine không phải là mối đe dọa đối với Nga” – ông Stoltenberg cho hay.

Ông Stoltenberg nói thêm rằng mối quan hệ đối tác có thể có với Ukraine sẽ là nội dung chính trong chương trình nghị sự tại hội nghị thượng đỉnh NATO sắp tới ở Madrid vào tháng 6-2022.

Bên cạnh đó, ông Stoltenberg khẳng định muốn có một cuộc đối thoại thực chất với Nga. Tuy nhiên, Điện Kremlin nói rằng điều này trên thực tế là không thể thực hiện được kể từ khi NATO trục xuất một nhóm nhà ngoại giao Nga khỏi Brussels hồi tháng 10.

Đáng chú ý: Trung Quốc ủng hộ Nga 

RT dẫn lời Phụ tá Điện Kremlin Yuri Ushakov hôm 15-12 cho biết Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hoàn toàn ủng hộ kế hoạch của Nga trong việc thực hiện các đảm bảo an ninh với NATO để bảo vệ biên giới phía Tây của Moscow.

Thông tin trên được đưa ra sau khi Tổng thống Putin có cuộc hội đàm trực tuyến với ông Tập hôm 15-12.

Theo RT, diễn biến về việc Bắc Kinh ủng hộ Moscow là đặc biệt đáng chú ý, vì Trung Quốc trước đây thường tránh can dự vào các vấn đề giữa Nga và các quốc gia châu Âu.

Ông Ushakov nhấn mạnh rằng ông Tập đã ủng hộ sáng kiến của Nga về việc thúc đẩy an ninh ràng buộc về mặt pháp lý với NATO.

Các đảm bảo an ninh mà Moscow muốn thúc đẩy bao gồm một thỏa thuận ngăn NATO mở rộng về phía đông, điều sẽ đóng lại cánh cửa trở thành thành viên NATO của Ukraine, cũng như cam kết ngừng triển khai vũ khí tại các quốc gia láng giềng của Nga.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm