Nga phát triển UAV chiến đấu dựa trên mẫu tiêm kích độc đáo thời Liên Xô Su-47

(PLO)- Nga đang lên kế hoạch chế tạo UAV chiến đấu dựa trên nguyên mẫu tiêm kích Su-47 Berkut có thiết kế cánh quét ngược độc đáo từ thời Liên Xô. Su-47 được coi là tiền thân của máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ 5 Su-57.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Máy bay chiến đấu Su-47 Berkut của Nga, gây chú ý với thiết kế cánh quét ngược độc đáo, thường được nhắc tới như là tiền thân của tiêm kích tàng hình thế hệ thứ năm Su-57, theo trang The EuAsian Times.

Tuy nhiên, Tập đoàn quốc phòng Rostec thuộc sở hữu nhà nước Nga gần đây tiết lộ rằng máy bay chiến đấu này đang giúp các kỹ sư quân sự Nga chế tạo máy bay không người lái (UAV) song không cung cấp thông tin cụ thể.

Vai trò quan trọng của Su-47 Berkut với ngành hàng không Nga

Dự án bắt đầu năm 1983 nhằm chế tạo một máy bay có thiết kế cánh quét ngược để hiện đại hóa máy bay chiến đấu Su-27 cho Không quân Liên Xô. Đồng thời, Hải quân Liên Xô đã tìm kiếm một máy bay chiến đấu mới để vận hành từ tàu sân bay.

Máy bay chiến đấu Su-47 Berkut của Nga. Ảnh: The EurAsian Times

Máy bay chiến đấu Su-47 Berkut của Nga. Ảnh: The EurAsian Times

Máy bay đã được thiết kế lại thành Su-27KM, nhưng quá trình phát triển đã bị dừng lại sau khi Liên Xô tan rã. Máy bay này được nhắc đến với nhiều cái tên trong quá trình phát triển, bao gồm S-22, Su-27KM, S-37 và cuối cùng là Su-47.

Tiêm kích Su-47 Berkut cất cánh lần đầu tiên cách đây 25 năm, vào tháng 9-1997, do phi công thử nghiệm Igor Votintsev của Cục Thiết kế Sukhoi điều khiển. Su-47 Berkut sau đó ra mắt công chúng tại triển lãm hàng không MAKS-1999 và đã thực hiện chuyến bay thử nghiệm tại đây.

Su-47 Berkut đã chứng minh cách thức những thiết kế kỳ lạ trong quá khứ có thể kết hợp được với các vật liệu hiện đại. Nga chỉ chế tạo duy nhất chiếc Su-47 Berkut và chưa từng đưa nó vào dây chuyền lắp ráp để sản xuất hàng loạt. Tuy nhiên, tiêm kích này lại cung cấp một kho dữ liệu quan trọng cho các kỹ sư hàng không Nga.

Theo hãng tin TASS, kiến thức về thiết kế cánh ngược được chế tạo bằng vật liệu composite thu được trong cuộc thử nghiệm đối với Su-47 đã được sử dụng để phát triển UAV.

Việc sử dụng vật liệu composite cho phép tạo ra những bộ phận có độ cứng cao. Ngày nay vật liệu composite được sử dụng rộng rãi trong sản xuất máy bay. Vào thời điểm đó, Berkut đã thiết lập nền tảng để phát triển những công nghệ này. Đây là một cột mốc thực sự theo tiêu chuẩn của những năm 1990.

Thiết kế cánh ngược giúp giảm lực cản, giảm độ dài của đường băng cất và hạ cánh, gia tăng khả năng cơ động và phạm vi bay cận âm. Tuy nhiên, báo cáo không đề cập mức độ kỹ thuật được sử dụng trong quá trình phát triển UAV của Nga. Nhiều người cho rằng quá trình chế tạo Su-47 đã sản sinh ra những kiến thức giúp ích rất lớn cho ngành hàng không Nga trong việc chế tạo máy bay hiện đại.

Trong quá trình phát triển, Su-47 Berkut đã thu hút nhiều sự quan tâm từ giới truyền thông lẫn các chuyên gia quốc phòng phương Tây. Nhiều chuyên gia từng cho rằng Su-47 Berkut sẽ trở thành chiến đấu cơ của thế kỷ 21 và các báo cáo về kế hoạch sản xuất hàng loạt chiến đấu cơ này đã được công bố rộng rãi.

“Berkut là một máy bay thử nghiệm được thiết kế để tìm ra cách bố trí, các giải pháp kỹ thuật và công nghệ như một phần công việc phát triển máy bay chiến đấu thế hệ mới” – TASS nhấn mạnh.

Nhược điểm của Su-47

Thiết kế cánh quét ngược có một số ưu điểm, song cũng có một số nhược điểm đáng kể. Việc chế tạo ra một chiếc cánh như vậy là một thách thức vì toàn bộ cấu trúc có thể bị vỡ khi máy bay đạt được một tốc độ nhất định. Máy bay có thiết kế cánh quét ngược có đặc điểm là khó giữ ổn định khi bay. Khi bay với tốc độ cao, đôi cánh sẽ chịu áp lực lớn.

Bản vẽ mẫu Su-47. Ảnh: The EurAsian Times

Bản vẽ mẫu Su-47. Ảnh: The EurAsian Times

Do trọng lượng tăng thêm 18 tấn từ vũ khí, sức nâng tải của Su-47 cũng bị hạn chế và chi phí bảo dưỡng sẽ rất cao. Đó là chưa kể đến việc dù cực kỳ linh hoạt trong việc cua nhanh nhưng máy bay lại dễ gặp vấn đề khi giữ đà ở những đoạn cua dài.

Su-47 Berkut được dự đoán sẽ bay với vận tốc Mach 2 (2.450 km/giờ). Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, tốc độ nhanh nhất của chiến đấu cơ này được ghi nhận là Mach 1.65 (2.021 km/giờ).

Nói gì đi nữa thì Su-47 Berkut cũng đã đóng góp đáng kể vào việc phát triển tiêm kích tàng hình thế hệ thứ 5 Su-57 của Nga. Chiến đấu cơ này cũng cho phép các nhà sản xuất máy bay của Nga thử nghiệm nhiều ý tưởng quan trọng khác nhau và thu thập thông tin.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm