Biết gì về tên lửa ATACMS Ukraine yêu cầu nhưng Mỹ không gửi?

Biết gì về tên lửa ATACMS Ukraine yêu cầu nhưng Mỹ không gửi?

(PLO)- Mỹ lo ngại Ukraine sử dụng Hệ thống Tên lửa Chiến thuật lục quân (ATACMS) đầy uy lực bắn vào lãnh thổ Nga, khiến căng thẳng leo thang, chiến tranh mở rộng.

Kể từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự ở Ukraine, Mỹ đã viện trợ cho Ukraine hàng loạt trang thiết bị quân sự trị giá hàng tỉ USD. Tuy nhiên, có 1 loại vũ khí uy lực mà Mỹ từ chối gửi, dù Ukraine khẩn thiết yêu cầu, đó là Hệ thống Tên lửa Chiến thuật lục quân (ATACMS), theo tờ The New York Times (NYT).

ATACMS là gì, tại sao Ukraine muốn có?

ATACMS là tên lửa tầm xa có thể tấn công các mục tiêu cách xa khoảng 305 km với đầu đạn chứa khoảng 170 kg chất nổ. ATACMS mang đầu đạn nổ lớn hơn tên lửa dẫn đường thông thường khoảng 50% và có thể tấn công mục tiêu xa hơn gấp 3 lần.

Loại tên lửa này có thể được bắn từ các bệ phóng của Hệ thống pháo cơ động cao (HIMARS) mà Mỹ đã cung cấp cho Ukraine hoặc từ các hệ thống rocket phóng loạt M270 cũ hơn mà Anh và Đức gửi Kiev.

ATACMS được bắn từ bệ phóng Hệ thống tên lửa phóng loạt M270. Ảnh: WIKIPEDIA
ATACMS được bắn từ bệ phóng Hệ thống tên lửa phóng loạt M270. Ảnh: WIKIPEDIA

Tuy nhiên, ATACMS lớn hơn các loại tên lửa dẫn đường khác. Nó dài khoảng 4 mét, rộng 0,6 mét và nặng khoảng 1.360 kg. Do đó, một bệ phóng di động như M142 HIMARS có thể mang sáu tên lửa dẫn đường nhưng mỗi lần chỉ mang được 1 ATACMS.

Ukraine cho rằng đây là tên lửa bắn từ mặt đất tầm xa nhất của quân đội Mỹ và Mỹ không có nhiều tên lửa này. Nếu Mỹ chịu viện trợ loại này cho Ukraine thì đây có thể được coi là dấu hiệu của sự cam kết mạnh mẽ mà Washington dành cho Kiev.

Các quan chức Kiev cũng cho rằng loại tên lửa này có thể giúp Ukraine giành lại bán đảo Crimea, một phần lãnh thổ nước này mà Nga kiểm soát từ năm 2014. Dù Ukraine yêu cầu gửi nhưng Washington khẳng định đã cung cấp cho Ukraine loại vũ khí mà nước này cần nhất trong thời điểm hiện tại, đó là Hệ thống tên lửa dẫn đường phóng loạt (GMLRS).

Có những phiên bản ATACMS nào?

Tên lửa này được phát triển vào những năm 1980 để tiêu diệt các mục tiêu có giá trị cao của Liên Xô nằm sâu sau chiến tuyến. Đây là một loại vũ khí dẫn đường hiếm hoi vào thời điểm mà Mỹ chủ yếu dựa vào các loại bom, đạn không điều khiển khác để tấn công các mục tiêu trên mặt đất.

Lầu Năm Góc có hai phiên bản tên lửa ATACMS trong kho của mình, một là loại mang bom chùm và loại khác mang đầu đạn có chất nổ. Người phụ trách tập đoàn quốc phòng Lockheed Martin cho biết, cho đến nay công ty đã chế tạo 4.000 ATACMS và một số đã được bán cho các đồng minh nước ngoài.

ATACMS có thể được bắn từ bệ phóng HIMARS. Ảnh: GETTY IMAGE
ATACMS có thể được bắn từ bệ phóng HIMARS. Ảnh: GETTY IMAGE

Quân Mỹ đã bắn khoảng 30 ATACMS vào năm 1991 trong Chiến dịch Bão táp sa mạc để tấn công các bệ phóng tên lửa đạn đạo tầm trung và các điểm đặt tên lửa đất đối không của Iraq. Những ATACMS phiên bản bom, đạn chùm thế hệ đầu tiên được sử dụng trong chiến dịch có thể bay khoảng 160 km và rải 950 quả bom cùng lúc.

Tuy nhiên, Lầu Năm Góc sau đó đã hạn chế việc sử dụng bom, đạn chùm vì kém hiệu quả và có thể khiến cả quân mình lẫn thường dân thiệt mạng. Do đó, Mỹ đã cải tiến lại ATACMS đầu những năm 2000 và thay thế các quả bom chùm bằng một đầu đạn nổ duy nhất.

ATACMS cũng là tên lửa phóng từ mặt đất lâu đời nhất của lực lượng lục quân Mỹ. Hiện Mỹ có 1 nguyên mẫu ATACMS thế hệ mới tên là Tên lửa tấn công chính xác, nhỏ hơn và có thể bay xa hơn, đang được thử nghiệm tại căn cứ quân sự White Sands Missile Range ở bang New Mexico.

Loại tên lửa hiện đại này sẽ bay tới các phạm vi mà Hiệp ước Lực lượng Hạt nhân Tầm trung đã cấm trước đây. Kể từ khi chính quyền Trump quyết định rời khỏi hiệp ước này vào đầu năm 2019, Mỹ đã tăng tốc phát triển loại vũ khí này.

Tại sao Mỹ chần chừ gửi?

ATACMS là vũ khí có tầm bắn xa nhất của lục quân Mỹ và bình thường trên chiến trường thì tướng 3 sao sẽ phê chuẩn sử dụng loại vũ khí này để nhắm vào các mục tiêu quan trọng nhất, theo NYT.

ATACMS được Mỹ sử dụng cho các kế hoạch chiến tranh tuyệt mật ở những khu vực như bán đảo Triều Tiên. Ảnh: REUTERS

ATACMS được Mỹ sử dụng cho các kế hoạch chiến tranh tuyệt mật ở những khu vực như bán đảo Triều Tiên. Ảnh: REUTERS

Lý do chính mà Mỹ không gửi cho Ukraine là do ngại rằng Ukraine có thể sử dụng tên lửa tầm xa này để tấn công các mục tiêu sâu bên trong nước Nga. Nếu vậy, Tổng thống Vladimir Putin có thể đáp trả cứng rắn bằng mọi biện pháp, ngay cả dùng vũ khí hạt nhân để bảo vệ lãnh thổ của mình như đã từng tuyên bố.

Khi đó, chiến tranh sẽ không chỉ ở phạm vi giữa Nga và Ukraine mà có nguy cơ leo thang thành chiến tranh giữa Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) với Nga.

Tuy nhiên, Tổng thống Ukraine - ông Volodymyr Zelensky nói rằng loại vũ khí này rất quan trọng đối với Ukraine trong việc phát động các cuộc phản công quy mô lớn sau những bước tiến trong thời gian vừa qua. Ông Zelensky cũng khẳng định rằng Ukraine không có kế hoạch tấn công các thành phố của Nga hoặc nhằm vào dân thường.

Điều bất ngờ về những vũ khí quan trọng nhất trong xung đột Nga-Ukraine

06/10/2022

(PLO)- Các loại vũ khí mới công nghệ cao thường được chú ý nhiều trong cuộc xung đột Nga-Ukraine. Tuy nhiên, những vũ khí cũ hơn, ít hiện đại hơn và phần nhiều trong số đó ra đời từ thời Liên Xô vẫn đang đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến.

Đọc thêm