Nga, Thổ Nhĩ Kỳ bất đồng về kế hoạch hòa bình Ukraine

(PLO)- “Kế hoạch hòa bình” được ông Zelensky trình bày tại hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo G20 ở Bali (Indonesia) vào tháng 11-2022.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 12-1, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova phản ứng rằng việc Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố ủng hộ “cái gọi là kế hoạch hòa bình” do Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky xây dựng không thay đổi được thực tế rằng Nga coi đó là điều không thể chấp nhận được, theo đài RT.

“Không chắc rằng sự hỗ trợ của Ankara đối với dự án này sẽ thúc đẩy việc tìm kiếm một cách tối ưu để hướng tới hòa bình ở Ukraine. Tôi không thấy bất kỳ ý nghĩa nào trong bất kỳ lời nói thêm nào về nó” - bà Zakharova tuyên bố.

“Kế hoạch hòa bình” được ông Zelensky trình bày tại hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo G20 ở Bali (Indonesia) vào tháng 11-2022.

Ngày 10-1, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu bày tỏ lập trường tích cực của nước ông đối với “kế hoạch hòa bình” của ông Zelensky. Ông Cavusoglu ca ngợi vai trò trung gian hòa giải của Ankara giữa Moscow và Kiev; và cho biết chính phủ của ông muốn thấy một giải pháp cho cuộc xung đột “càng sớm càng tốt”.

Trong khi đó, trả lời phỏng vấn hãng tin Anadolu Agency ngày 12-1, Đại sứ Ukraine tại Thổ Nhĩ Kỳ Vasily Bodnar cho biết Ukraine đang tích cực vận động tổ chức một “hội nghị thượng đỉnh về hòa bình toàn cầu” tại trụ sở Liên Hợp Quốc (LHQ) ở New York (Mỹ) vào ngày 24-2 - trùng thời điểm đánh dấu một năm xung đột Nga - Ukraine.

Sự kiện này được Ngoại trưởng Ukraine Dmitry Kuleba đề xuất vào tháng trước. Theo ông Kuleba, thượng đỉnh hòa bình sẽ bàn về “kế hoạch hòa bình” gồm 10 điểm do Tổng thống Zelensky vạch ra.

Phái đoàn do Chánh Văn phòng Tổng thống Ukraine - ông Andriy Yermak dẫn đầu (trái) tiếp đoàn đại biểu Ý do Bộ trưởng Doanh nghiệp và Sản xuất Ý Adolfo Urso dẫn đầu (phải) sang thăm Kiev ngày 12-1, và cám ơn sự ủng hộ của Ý với Ukraine. Ảnh: THE ODESSA JOURNAL

Phái đoàn do Chánh Văn phòng Tổng thống Ukraine - ông Andriy Yermak dẫn đầu (trái) tiếp đoàn đại biểu Ý do Bộ trưởng Doanh nghiệp và Sản xuất Ý Adolfo Urso dẫn đầu (phải) sang thăm Kiev ngày 12-1, và cám ơn sự ủng hộ của Ý với Ukraine.

Ảnh: THE ODESSA JOURNAL

Trao đổi với Anadolu Agency, ông Bodnar nhắc lại các điều kiện tiên quyết để phía Nga được mời tham gia: Rút quân khỏi các vùng lãnh thổ thuộc chủ quyền của Ukraine, bồi thường thiệt hại chiến tranh, bị truy tố lên tòa án quốc tế về tội ác chiến tranh.

Về phía Nga, Tổng thống Vladimir Putin nhiều lần nói rằng ông sẵn sàng đàm phán nhưng Ukraine phải đồng ý các điều kiện tiên quyết và điều tối thiểu là phải “công nhận thực tế trên chiến trường”, bao gồm cả tình trạng mới của các tỉnh Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhia là một phần của Nga. Nga sáp nhập bốn tỉnh này từ cuối tháng 9-2022.

Phần mình, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres từng cho biết ông sẵn sàng làm trung gian nhưng chỉ khi tất cả các bên đồng ý.

Đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine bế tắc sau lần đàm phán tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) vào tháng 3-2022. Ngày 11-2, phát ngôn viên điện Kremlin - ông Dmitry Peskov nói rằng Nga không nhận thấy “có tiềm năng” nào chuyện đàm phán với Ukraine, vì “người phương Tây dường như không có xu hướng cho phép Kiev linh hoạt trong vấn đề này”.

Tuy nhiên, RT ghi nhận một số động thái ngoại giao giữa Moscow và Kiev vừa qua. Các ủy viên nhân quyền của hai nước đã gặp nhau tại Ankara (Thổ Nhĩ Kỳ) trong tuần này, bên lề một hội nghị quốc tế. Thổ Nhĩ Kỳ là nước đã giữ vai trò trung gian giúp đàm phán thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine thông qua một hành lang vận chuyển an toàn ở Biển Đen.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm