Nga-Trung khó liên minh thực chất để đối phó Mỹ

Trung Quốc và Nga thời gian qua đã cho thấy một mặt trận thống nhất giữa hai bên trong việc phản đối các lệnh trừng phạt do Mỹ dẫn đầu chống lại hai quốc gia này.

Tuy nhiên, giữa Moscow và Bắc Kinh vẫn tồn tại các giới hạn trong việc hai nước xích lại gần nhau hơn, tờ South China Morning Post ngày 27-3 dẫn lời giới quan sát nhận định.

Nga - Trung bắt tay, nhưng khó gần

Ông Cheng Yijun - chuyên gia về quan hệ Nga-Trung tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc - cho rằng: “Không còn nghi ngờ gì về việc hai nước đang xích lại gần nhau hơn dưới áp lực từ Mỹ, song hai bên vẫn còn tồn tại nhiều điểm khác biệt hơn là tương đồng”.

"Tạo dựng một liên minh với Nga không phải là lựa chọn tốt nhất cho Trung Quốc” - ông Cheng nhận định.

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov (trái) và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị. Ảnh: REUTERS

Tại cuộc gặp ở TP Quế Lâm, miền nam Trung Quốc hôm 23-3, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị và người đồng cấp Nga Sergey Lavrov cho biết hai nước phản đối các lệnh trừng phạt đơn phương và sẽ tìm cách đáp trả.

Theo South China Morning Post, Nga và Trung Quốc gần đây đã phải đối mặt những thách thức trong tham vọng ở khu vực châu Âu của mình.

Trong chuyến thăm đến Brussels để gặp gỡ ngoại trưởng của các quốc gia thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm 23-3 đã nói với người đồng cấp Đức rằng các công ty tham gia vào dự án đường ống khí đốt Nord Stream 2 - đường ống vận chuyển khí đốt tự nhiên từ Nga sang Đức - có thể phải đối mặt các lệnh trừng phạt.

Ông Blinken tuyên bố Nga và Trung Quốc là “những mối đe dọa lớn nhất của NATO” và kêu gọi các đồng minh của Mỹ “chống lại một số hành động gây hấn và ép buộc của Trung Quốc”.

Các kế hoạch của Bắc Kinh nhằm thắt chặt hơn quan hệ với châu Âu cũng bị gián đoạn khi nghị viện châu Âu hôm 23-3 đã hủy cuộc họp thảo luận về thỏa thuận đầu tư Liên minh châu Âu (EU) - Trung Quốc được ký hồi tháng 1.

Căng thẳng trong quan hệ giữa EU và Trung Quốc thời gian qua tiếp tục leo thang trước các động thái “ăn miếng trả miếng” giữa hai bên, khi EU áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Trung Quốc liên quan vấn đề người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.

Phát biểu tại cuộc họp báo chung hôm 23-3 sau cuộc họp với người đồng cấp Nga, Bộ trưởng Vương nói rằng các biện pháp trừng phạt đơn phương "không dựa trên luật pháp quốc tế".

Ngoại trưởng Lavrov nói: “Chúng tôi phản đối các trò chơi địa chính trị có tổng bằng không và phản đối các biện pháp trừng phạt bất hợp pháp đơn phương mà các quốc gia phương Tây ngày càng áp đặt nhiều hơn”.

Hệ thống thanh toán quốc tế tiêu chuẩn Nga-Trung?

Trước thềm cuộc gặp song phương, ông Lavrov đã kêu gọi sự hợp tác nhiều hơn giữa Nga và Trung Quốc, cũng như việc giảm phụ thuộc vào đồng USD trong lĩnh vực thương mại nhằm hạn chế chịu ảnh hưởng từ các lệnh trừng phạt của Washington.

Nga kêu gọi Trung Quốc giảm phụ thuộc vào đồng USD. Ảnh: FT

South China Morning Post dẫn lời ông Yang Jin - chuyên gia về quan hệ Trung Quốc - Nga tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc - cho rằng ý tưởng của ông Lavrov có thể sẽ được Trung Quốc đón nhận.

“Cả hai bên đều đã nhận ra rủi ro lớn từ việc tuân thủ quá mức đối với đồng USD và hệ thống thanh toán do phương Tây kiểm soát” - ông Yang cho biết, đề cập hậu quả từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và chương trình nới lỏng định lượng gần đây của Mỹ.

Ông Yang nhận định: “Sử dụng đồng nội tệ để thanh toán thương mại đang là xu hướng của các nền kinh tế trên toàn thế giới. Khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, các thành viên chủ chốt của EU đã cân nhắc việc thiết lập hệ thống thanh toán để vượt qua hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT do Mỹ kiểm soát”.

Nga và Trung Quốc đang tìm cách giảm sự phụ thuộc vào đồng USD bằng cách tăng cường sử dụng đồng nhân dân tệ và đồng rúp cho các giải pháp thương mại. Tuy nhiên theo chuyên gia Cheng Yijun, hai quốc gia này sẽ không bao giờ có thể đánh bật hoàn toàn Mỹ khỏi vị trí dẫn đầu trong mạng lưới thanh toán toàn cầu.

“Trung Quốc và Nga luôn nhấn mạnh việc độc lập về tài chính, nhưng sự độc lập tuyệt đối là điều không thể. Xây dựng một hệ thống thanh toán quốc tế là một quá trình lâu dài” - ông Cheng nói thêm.

“Bắc Kinh và Moscow có thể sử dụng đồng nhân dân tệ và đồng rúp trong một số giao dịch thanh toán, song không thể sử dụng trong toàn bộ hoạt động thương mại song phương” - ông Cheng nhận định, nói thêm rằng hai nước có thể tăng cường hợp tác trong một số lĩnh vực như công nghệ hay năng lượng.

Hợp tác về năng lượng 

Ông Cheng lập luận: “Nếu đường ống dẫn khí Nord Stream 2 bị chặn, do một tác động gián tiếp, Nga, một cách tự nhiên, sẽ quay sang hướng Đông và các nước như Trung Quốc để tìm kiếm sự hợp tác về năng lượng”.

Về phía Trung Quốc, an ninh năng lượng là một vấn đề lớn trong bối cảnh Bắc Kinh đặt mục tiêu lượng phát thải CO2 về 0 trước năm 2060, cũng như dự án đường ống dẫn khí đốt tự nhiên Trung Quốc-Nga - dự kiến sẽ hoàn thành trước năm 2025 - đã được đề cập trong kế hoạch 5 năm mới lần thứ 14 (2021-2025).

Tuy nhiên, ông Cheng cũng bày tỏ sự hoài nghi về khả năng Nga và Trung Quốc có thể tạo ra một liên minh thực sự.

“Sẽ không có lợi cho Trung Quốc nếu liên minh với Nga khi xét trên quan điểm lịch sử” - ông Cheng nói, hàm ý nhắc đến quan hệ Trung Quốc - Liên Xô.

Ông Cheng lý giải rằng các giá trị và hệ thống chính trị của Nga hiện nay phù hợp với phương Tây hơn là với Trung Quốc.

“Trong những thời điểm khó khăn, hai nước có thể cùng nhau 'giữ ấm', nhưng chúng ta không nên quên rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc cũng là một mối đe dọa đối với Nga. Nếu họ thành lập một liên minh, ai sẽ là người lãnh đạo?” - ông Cheng nhấn mạnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm