Nga và tranh chấp biển Đông - Bài 2: Nga có lợi ích tại biển Đông

Nhiều học giả đã ví von biển Đông như là Địa Trung Hải của châu Á. Điều này cũng dễ dàng giải thích cho việc biển Đông liên tục nổi sóng trong nhiều thập niên qua. Vào thời điểm hiện tại, Trung Quốc đã mạnh miệng tuyên bố biển Đông là lợi ích cốt lõi của họ. Còn Mỹ cũng đã phản hồi với tuyên bố biển Đông là lợi ích quốc gia. Vậy còn đối với Nga, biển Đông đóng vai trò là lợi ích gì đối với nước này?

Từ kinh tế

Thứ nhất, xét về mặt lợi ích kinh tế, GS Vitaly Naumkin - Chủ tịch Trung tâm Chiến lược và Chính trị Moscow (Nga) cho rằng với nhu cầu phát triển như hiện nay, rõ ràng Nga rất quan tâm việc mở lối thoát ra thị trường mới tại châu Á, mở rộng cơ sở cung cấp nguyên liệu thô. Bên cạnh đó, Nga còn muốn đa dạng hoạt động của các tập đoàn dầu khí trong nước, giảm chi phí sản xuất và giành thêm những lợi thế cạnh tranh cho hàng xuất khẩu.

Với đặc thù về các yếu tố địa kinh tế thì biển Đông đã biến thành một cửa ngõ trọng yếu mà Nga muốn tận dụng để hiện thực hóa những nhu cầu trên. Cạnh đó, cũng theo GS Vitaly Naumkin, việc hợp tác với các nền kinh tế đang phát triển tại Đông Nam Á như Việt Nam cũng tạo điều kiện rất tốt cho Nga đa dạng phương thức hơn để Nga tham gia vào mạng lưới quan hệ kinh tế và quan hệ quốc tế toàn cầu.

Tàu săn tàu ngầm cỡ lớn Shaposhnikov của Hạm đội Thái Bình Dương của Hải quân Nga. Ảnh: Internet

Không chỉ thế, Nga còn có những hợp đồng khai thác dầu khí đang tiến hành tại khu vực. Xét ra thì những con số từ đây mang lại chỉ là một phần trong tổng lợi nhuận dầu khí khổng lồ trên toàn thế giới mang lại cho Nga nhưng nếu mất đi thì tổn thất lại không hề nhỏ. Chính bởi tầm quan trọng của những lợi ích kinh tế này mà ông Sergei Pravosudov - Giám đốc Viện Năng lượng Quốc gia Nga đã tuyên bố rằng: “Nếu Trung Quốc cứ tiếp tục gây hấn và xâm phạm tới biển Đông thì chắc chắn họ sẽ gặp phải sự phản ứng của Mỹ và Nga là hai quốc gia đang có nhiều tập đoàn dầu khí làm việc tại thềm lục địa của Việt Nam”.

Đến ảnh hưởng chính trị

Thứ hai, xét về mặt chính trị ngoại giao, bên cạnh mối quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc, hiện nước Nga còn có quan hệ hữu nghị truyền thống và lợi ích hợp tác với Việt Nam. Từ những năm 70 của thế kỷ trước, Liên Xô (sau này là Nga) đã đầu tư, thăm dò khai thác dầu khí ở biển Đông. Vì thế, Nga sẽ không muốn tình hình tranh chấp ở đây ảnh hưởng xấu đến quan hệ với các nước. Theo chia sẻ của GS-TS Vladimir Kolotov (Trưởng khoa Sử Viễn Đông, ĐH Quốc gia St. Petersburg, Nga) thì “đối với Nga, cả Việt Nam và Trung Quốc đều là đối tác chiến lược”.

Hơn nữa, với tư cách là một nước lớn, đang trên đường phục hồi vị thế vốn có của mình, nước Nga khó có thể bỏ qua những lợi ích chiến lược mang tính toàn cầu, cả hiện tại cũng như lâu dài. Biển Đông cũng nằm trong lợi ích chiến lược của họ. Không phải ngẫu nhiên mà Nga đã điều trung đoàn tên lửa S-400 đến đóng ở Viễn Đông, bán vũ khí tàu ngầm hiện đại, máy bay chiến đấu Su 30, tên lửa hành trình Bastion cho Indonesia, Malaysia và Việt Nam. Nga cũng thường xuyên đưa tàu chiến lui tới nhiều nước Đông Nam Á có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc. Sự quay trở lại trong mối quan tâm đến châu Á-Thái Bình Dương của Putin còn được đánh dấu qua việc Nga đã thành lập Bộ Phát triển Viễn Đông.

Trong bối cảnh Moscow đang tích cực thực hiện chính sách ngoại giao đa phương, khu vực biển Đông có ý nghĩa ngày càng quan trọng. Theo nhận định của chuyên gia Aleksey Fenenko (đăng trên báo Độc Lập của Nga) thì: “Nga quan tâm tới việc hội nhập vào khu vực này trên nhiều không gian và trong mọi cơ chế, tổ chức khác nhau như ASEAN, APEC, EAS nhằm sử dụng tiềm năng khu vực để nâng cao phát triển vùng Siberia và Viễn Đông”. Vì thế, có thể thấy việc can thiệp nhằm giữ cho tình hình biển Đông ổn định sẽ giúp cho Nga có đủ uy tín và vị thế hiện thực hóa được những điều này.

Và tầm nhìn chiến lược

Thứ ba, xét về mặt phát triển chiến lược quân sự, điều kiện địa lý của Nga rất không thuận lợi, làm hạn chế nghiêm trọng sự phát triển sức mạnh trên biển, sức mạnh hải quân của Nga.

Nhìn vào bản đồ địa lý có thể dễ dàng nhận thấy phần lớn đường bờ biển Nga thuộc khu vực lạnh giá, trong năm có thời gian đóng băng rất dài, tỉ lệ sử dụng bờ biển tương đối thấp. Khu vực biển Baltic và biển Đen đều có bờ biển ấm áp, có tương đối nhiều cảng không đóng băng nhưng độ dài của tuyến đường bờ biển không lớn, khó trở thành căn cứ chủ yếu để phát triển quyền kiểm soát biển.

Nhưng khu vực biển Đông thì khác, đây là vùng biển nhiệt đới, không bao giờ đóng băng. Đặc biệt, như một nhà quan sát ví von, quân cảng Cam Ranh được đánh giá như là “yết hầu” trong bản đồ chiến lược quân sự khu vực. Vì thế, Nga rất cần thông qua những đồng minh lâu năm của mình (như Việt Nam) để có thể mở thêm một hướng mới cho việc phát triển lực lượng hải quân.

Cuối cùng, nếu nhìn về sự cạnh tranh vị thế chiến lược thì Nga hiện có hai cường quốc cạnh tranh: Trung Quốc và Mỹ. Moscow hiện đang nhì n nhận sự trỗ i dậ y củ a Bắ c Kinh ở  châu Á -Thá i Bì nh Dương vớ i một thái độ nghi ngạ i, với sự lo sợ về vị thế của mình. Vì vậy, dĩ nhiên “chàng gấu” Nga đang rất muốn đẩy lùi vị thế của người khổng lồ tại tất cả khu vực mà Nga có lợi ích.

Theo nhận định của TS Subhash Kapila (Tổ chức Phân tích Nam Á tại Ấn Độ) thì “tranh chấp biển Đông có thể làm thay đổi cục diện khu vực, thúc đẩy sự cân bằng cơ cấu quyền lực ở châu Á-Thái Bình Dương”. Từ đó, TS Subhash Kapila cho rằng việc can thiệp tích cực vào vấn đề tranh chấp tại biển Đông sẽ giúp cho tham vọng thay đổi trật tự quyền lực khu vực của Nga mau chóng được hiện thực hóa.Dù đang gặp nhiều vấn đề xấu về kinh tế, xã hội trong nước nhưng để bảo vệ những lợi ích và chứng minh cho cái gọi là vị thế cường quốc của mình, Nga bắt buộc phải hiện diện tại biển Đông - điểm nóng hiện tại của thế giới. Tuy nhiên, kịch bản nào cho sự quay trở lại của Nga tại biển Đông nói riêng và châu Á-Thái Bình Dương nói chung còn phải phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác nhau.

Biển Đông - con đường huyết mạch thế giới

Trong số 10 tuyến đường hàng hải chính trên thế giới thì có năm tuyến đi qua khu vực biển Đông. Hơn 90% thương mại quốc tế được vận chuyển bằng đường biển, trong đó 45% đi qua khu vực này. Theo GS Bronson Pervcival, cố vấn cao cấp Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược CNA (Mỹ),  “có khoảng 80% lượng dầu thô nhập khẩu của Trung Quốc, 60% của Nhật Bản và 66% của Hàn Quốc đi qua biển Đông; có tới 42% hàng xuất khẩu của Nhật Bản, 55% hàng xuất khẩu của các nước Đông Nam Á, 26% hàng xuất khẩu của các nước công nghiệp mới và 40% hàng của Úc đi qua biển Đông”. Điều này lý giải vì sao các cường quốc, trong đó có Nga, lại đặc biệt quan tâm và muốn hiện diện tại khu vực này.

Nga thỏa thuận bán khí đốt cho Trung Quốc

Theo Đài Tiếng nói nước Nga: Nga và Trung Quốc đã loại bỏ một trong những chướng ngại vật trên đường đi đến ký kết thỏa thuận về khí đốt. Việc cung cấp khí đốt của Nga sang Trung Quốc sẽ được thực hiện mà không cần tham chiếu đến mức giá của Trung tâm Kinh doanh khí đốt tự nhiên Henry Hub ở Mỹ. Giám đốc Viện Năng lượng Quốc gia Nga Sergey Pravosudov cho biết: Cuộc đàm phán về giá khí đốt của Nga xuất khẩu sang Trung Quốc dường như đã tiến về phía trước. Điều đó xảy ra dưới ảnh hưởng của tình hình trên thị trường năng lượng của châu Á.

Với một quyết định thuận lợi về giá cả, việc cung cấp khí đốt của Nga sang Trung Quốc có thể bắt đầu vào năm 2018.

Đây là một trong những hướng đi của Nga nằm trong chính sách năng lượng hướng đông của quốc gia này.

(Theo nangluongvietnam.vn)

NGHĨA HUỲNH (Irys)

Kỳ tới:Nga lựa chọn thái độ nào?

Theo các chuyên gia, có bốn kịch bản chính cho tương lai của biển Đông. Nhưng dù xảy ra kịch bản nào thì Nga vẫn lựa chọn cách thức hiện diện của mình ở đây để mang lại lợi ích tốt nhất cho nước này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới