Nga và Ukraine tố nhau đứng sau vụ vỡ đập Kakhovka, Mỹ không chắc

(PLO)- Trước Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Nga và Ukraine tố nhau đứng sau vụ vỡ đập Kakhovka; Mỹ chưa xác định kẻ chủ mưu.

Ngày 6-6, trước cuộc họp khẩn Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) về vụ vỡ đập thủy điện Kakhovka ở tỉnh Kherson (Ukraine), các đại diện từ Moscow và Kiev đã tố nhau gây ra vụ thảm họa, theo hãng tin Reuters.

Cụ thể, Đại sứ Ukraine tại LHQ ông Sergiy Kyslytsya cáo buộc rằng chính quân Nga là lực lượng nhắm mục tiêu làm nổ con đập, bởi khu vực này do quân Nga kiểm soát, và không có bất kỳ lực lượng nào có thể tấn công con đập từ bên ngoài, trừ quân Nga.

Nước chảy ồ ạt do đập thủy điện Kakhovka (Kherson, Ukraine) bị vỡ ngày 6-6. Ảnh: REUTERS

Ông Kyslytsya còn nhấn mạnh đây là một hành động khủng bố chống không thể dung thứ bởi nó đã gây thiệt hại nghiêm trọng tới cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine.

Trước đó, Tổng thống Ukraine - ông Volodymyr Zelensky cho biết các công tố viên của ông đã nhờ Tòa án Hình sự Quốc tế vào cuộc điều tra nguyên nhân vụ việc. Ông còn cho rằng vụ nổ đập là do các lực lượng Nga đã đánh bom nhà máy thủy điện Kakhovka từ bên trong.

Trong khi đó, Đại sứ Nga tại LHQ Vassily Nebenzia lại cho rằng quân Ukraine chính là lực lượng đứng sau làm nổ con đập. Ông còn cáo buộc Ukraine đang cố “tạo cơ hội thuận lợi” để tập hợp các đơn vị quân đội nhằm tiếp tục cuộc phản công của mình.

Ông Nebenzia nói thêm: "Đây là một vụ phá hoại có chủ ý nhằm vào cơ sở hạ tầng cực kỳ quan trọng do lực lượng Ukraine thực hiện, và đây có thể được xem là một tội ác chiến tranh hoặc một hành động khủng bố".

Cùng diễn biến ngày 6-6, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Sergey Shoigu cho rằng trách nhiệm của vụ đánh bom đập thủy điện Kakhovka thuộc về chính quyền Ukraine. Ông nhấn mạnh rằng hành động này là cái cớ để Ukraine có thể tái triển khai lực lượng tại khu vực.

Phát biểu trước hội đồng, Phó Đại sứ Mỹ tại LHQ Robert Wood cho biết hiện Washington chưa thể xác định chính xác lực lượng nào đứng sau vụ tấn công, nhưng ông lưu ý rằng quân Ukraine không có động cơ để làm điều này, bởi nơi đây có nhiều người dân của họ, và cuộc tấn công như vậy sẽ ảnh hưởng cuộc sống hàng chục ngàn người dân Ukraine trong vực.

Ông Martin Griffiths, Phó Tổng thư ký LHQ phụ trách các vấn đề nhân đạo và điều phối viên cứu trợ khẩn cấp tại LHQ, cho biết LHQ sẽ đưa ra đánh giá mức độ nghiêm trọng của thảm họa này trong vài ngày tới.

Ông lưu ý thêm vụ vỡ đập sẽ tạo ra những hậu quả nghiêm trọng và sâu rộng tới đời sống hàng ngàn người dân miền nam Ukraine do nhà cửa, làng mạc và sinh kế của họ sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới