Ông Đào Minh Tuấn, Phó tổng giám đốc phụ trách công nghệ Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho biết, hệ thống máy ATM mà nhà băng đã lắp đặt chủ yếu được nhập từ các nước châu Âu, Bắc Mỹ, Canada... đều có thiết kế chống phá hoại bằng thiết bị hàn, khò... nhưng chỉ mang tính tương đối.
Vị Phó tổng Vietcombank cho rằng, lâu nay các ngân hàng khi đặt mua máy ATM từ nhà sản suất chủ yếu quan tâm đến màu sắc của máy, logo ngân hàng... và tìm vị trí đặt máy ở những nơi có bảo vệ hoặc đông người qua lại.
Trụ máy ATM nơi bọn trộm đột nhập cắt và lây đi hơn 800 triệu đồng. Ảnh: Quốc Thắng
Tuy nhiên, trước vụ trộm đột nhập hai trụ máy ATM trên địa bàn quận Tân Bình vào ngày 21/10 khá táo tợn, ông Tuấn cho biết, thời gian tới sẽ triển khai đồng bộ các biện pháp như có người bảo vệ, kiểm soát máy thường xuyên, lắp camera theo dõi 24/24h, nếu có gì bất thường tại máy sẽ báo động về trung tâm... Ngân hàng sẽ làm việc với nhà sản xuất để lắp đặt thêm các thiết bị báo động bên trong máy. Khi có một tác động ngoại lực lớn thì máy sẽ phát tín hiệu báo động đến những người xung quanh.
Đồng thời, nhà băng này sẽ cân nhắc hơn đến vị trí đặt máy ATM mới, tránh những nơi quá vắng vẻ. Ngoài ra, một số máy đã được đặt ở nơi ít người qua lại cũng sẽ được di dời đến những vị trí tốt hơn. "Sau sự cố trên thì ngân hàng nào cũng quan tâm đến vấn đề bảo vệ ATM, tuy nhiên cũng cần phải tính toán đến kinh phí sao cho phù hợp nhất", ông Tuấn nói.
Đại diện Ngân hàng Đông Á cho biết các ngân hàng trong liên minh VNBC đã họp và thống nhất sẽ lắp thêm thiết bị bảo vệ buồng ATM. Trường hợp máy bị tấn công sẽ phát tín hiệu báo về hệ thống quản lý trung tâm để ngân hàng kịp thời can thiệp.
Còn ông Nguyễn Thanh Toại, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Á Châu (ACB) cho rằng, xảy ra vụ trộm vừa rồi cho thấy kẻ trộm quá liều lĩnh. Điều này thể hiện qua diễn biến khi tẩu thoát, bọn chúng để lại hiện trường một bộ dụng cụ để phá máy, gồm bình gas, bình hàn gió đá, mỏ lết, kìm bấm… Một lúc sau, chúng tiếp tục quay trở lại tấn công lực lượng bảo vệ để lấy lại số dụng cụ trên nhưng bị chống trả quyết liệt mới bỏ chạy.
"Hành vi này cho thấy kẻ trộm thực sự quá táo tợn và coi thường lực lượng an ninh xã hội trên địa bàn. Điều này nằm ngoài khả năng tự bảo vệ máy ATM của nhà băng", ông Toại nói.
Theo ông Toại, khi nhập máy ATM về nước, các ngân hàng đã nghĩ và tính đến các nguy cơ trộm tiền từ máy, nhưng còn phải phụ thuộc vào vấn đề kinh phí đầu tư. "Không thể vì đảm bảo tính an toàn tuyệt đối mà nhà băng phải bỏ ra một lượng chi phí quá lớn trong khi hiệu quả thu được từ hoạt động này không cao", ông Toại nói.
Vị Phó tổng giám đốc ACB cho rằng, hiện nhà băng chỉ có thể triển khai các biện pháp "phòng trừ người ngay" như có người bảo vệ, kiểm soát máy thường xuyên, lắp camera theo dõi 24/24 tiếng... Còn muốn "chống kẻ gian" thực sự thì vấn đề quan trọng là sự tăng cường an ninh trật tự từ phía cơ quan công an.
Hành vi dùng ngoại lực tác động vào máy ATM để trộm tiền được coi là lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam. Nhưng trên thế giới, nhiều nước đã từng xảy ra các vụ trộm tiền từ máy ATM khá táo bạo.
Tháng Giêng năm ngoái, kẻ trộm đã lấy được ít nhất 1.000 bảng Anh ở một máy rút tiền của Ngân hàng hoàng gia Scotland (Royal Bank of Scotland) đặt tại trung tâm thể thao Waterfront Leisure Complex ở Greenock (Anh). Nhóm này đã bò lên mái dốc của khu nhà, đập vỡ cửa sổ, chui vào bên trong rồi gỡ rời cỗ máy ATM từ dưới nền của khu vực lễ tân. Sau đó, bọn trộm mang cả cỗ máy đi đến chiếc xe hơi đang đợi sẵn ở ngoài để tẩu thoát. Táo tợn hơn, trong tháng 1/2009, một nhóm cướp đã dùng xe ủi xông vào cửa hàng Co-op Local tại Mulbarton, phá vỡ một mảng tường rồi nâng cỗ máy ATM chứa 21.000 bảng Anh đi. Chiếc xe này cũng là đồ ăn cắp.
Theo Lệ Chi ( VNE)