Ngân hàng kiếm bộn tiền nhờ dịch vụ

Một số ngân hàng (NH) vừa công bố lợi nhuận sáu tháng đầu năm từ vài trăm đến hàng ngàn tỉ đồng. Vậy lợi nhuận của NH là từ đâu? Có hay không chuyện lợi nhuận của NH có được phần lớn là thông qua việc tăng dần thu phí. Và đó có phải là lý do hiện nay hầu hết NH Việt Nam đều tập trung đầu tư cho lĩnh vực “NH bán lẻ”? Theo ông Huỳnh Trung Minh, một chuyên gia nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực NH bán lẻ, trong tương lai đây sẽ là một thị trường màu mỡ đem về lợi nhuận cho NH.

Lời nhờ phí dịch vụ

. Phóng viên: Thưa ông, hiện tín dụng tăng trưởng thấp, lãi suất cho vay chỉ khoảng 5% /năm và hầu như chênh lệch không nhiều với lãi suất huy động. Vậy lợi nhuận NH có thực sự đến từ việc cho vay?

 + Ông Huỳnh Trung Minh, chuyên gia tài chính NH: Lợi nhuận của NH không đơn thuần chỉ đến từ tín dụng mà còn thông qua các hoạt động khác như dịch vụ chuyển tiền, tư vấn, kinh doanh ngoại tệ, đầu tư, thanh toán quốc tế, tài trợ thương mại… Thực tế cho thấy trước đây dù tín dụng tăng trưởng khá cao nhưng các NH vẫn lỗ do nợ xấu cao, chi phí vốn cao… Hiện nay các NH đã nhận thức rõ hơn vấn đề kiểm soát nợ xấu, nợ quá hạn, việc kiểm soát chi phí đã tốt hơn hẳn… thì việc lợi nhuận được cải thiện là hoàn toàn có thể hiểu được.

. Ông đánh giá thế nào khi không ít ý kiến cho rằng NH kiếm tiền không nhỏ từ dịch vụ bán lẻ?

+ Với NH bán lẻ, lợi nhuận có được ngoài tín dụng thì thu nhập rất đáng kể từ các loại phí dịch vụ. Có hai loại phí. Thứ nhất là các loại phí mà khách hàng dễ dàng thấy như phí mở thẻ ATM, mở tài khoản thanh toán, phí thường niên thẻ tín dụng… Loại thứ hai tạm gọi là ẩn phí như phí rút tiền, chuyển tiền, phí SMS banking, phí phạt trả nợ thẻ tín dụng trễ hạn. Thông thường khách hàng dễ dàng phản ứng với các loại phí, lãi mà mình nhìn thấy và rất ít quan tâm đến các loại ẩn phí, lãi dù các “ẩn phí, lãi” này cũng không hề thấp.

 
NH bán lẻ sẽ là một thị trường màu mỡ đem về lợi nhuận cho NH. Ảnh: HTD

Gom bạc cắc để có ngàn tỉ

. Cụ thể như thế nào, thưa ông?

+ Chẳng hạn khi phát hành thẻ tín dụng, để hấp dẫn khách hàng NH sẽ miễn phí thường niên năm đầu tiên, đến năm thứ hai mới thu tiền. Những người đã xài quen thẻ tín dụng qua một năm thì không ai chỉ vì vài trăm ngàn đồng tiền phí/năm mà lại bỏ thẻ. Và có khi khách hàng cũng không để ý đến mức phí này. Có tới 90% khách hàng tiếp tục sử dụng thẻ sang năm thứ hai. Nếu với một triệu khách nhân với trung bình 500.000 đồng phí thường niên/người thì NH sẽ thu về 500 tỉ đồng/năm. Hay như với thẻ ATM ở một số NH thường yêu cầu khách hàng phải duy trì số dư tối thiểu từ 500.000 đến 1 triệu đồng để được miễn phí rút nội mạng và NH liên minh. Với một triệu khách hàng nhân với 500.000 đồng NH sẽ có được 500 tỉ đồng/năm. Chưa kể số tiền này NH chỉ phải trả lãi cho khách hàng khoảng 0,5%/năm lãi suất không kỳ hạn mà thôi. Trong khi đó, nếu NH huy động phải trả cho khách hàng mức lãi suất khoảng 5,5%/năm.

Hay như phí rút tiền, mỗi năm một máy ATM thu về hơn 200 triệu đồng. Ngoài ra còn nhiều loại phí khác như phí quản lý tài khoản, phí kiểm đếm tiền mặt… cùng một số loại phí trước đây NH miễn cho khách hàng, nay lại thu như phí chuyển tiền nội mạng.

. Thu nhiều như vậy nhưng NH vẫn kêu lỗ?

+ Đúng là như vậy, NH khi mua một máy ATM phải bỏ ra hơn chục ngàn USD. Ngoài ra còn đầu tư đường truyền, điện, máy lạnh, bảo vệ hệ thống cảnh báo sự cố, tiền thuê mặt bằng… Việc đầu tư này sẽ nâng cao chất lượng dịch vụ và gia tăng tiện ích cho khách hàng, không phải tốn nhân công phục vụ khách hàng tại quầy… Đổi lại, NH bán lẻ sẽ kiếm được nhiều tỉ đồng với nhiều khoản phí thu được trong tương lai gần. Đó cũng là lý do hiện nay rất nhiều NH đặt mục tiêu phát triển chiến lược 3-5 năm để trở thành NH bán lẻ lớn mạnh tại Việt Nam.

. Xin cảm ơn ông.

YÊN TRANG thực hiện

NH luôn kèm các điều kiện ràng buộc

Khoảng thời gian khách hàng được hưởng lãi suất ưu đãi thường khá ngắn và NH luôn có các điều kiện ràng buộc đi kèm: Khách hàng phải duy trì khoản vay tối thiểu trong khoảng 1-3 năm, trả trước hạn, ngoài bị phạt 1%-3%. Nếu tất toán trong khoảng thời gian 1-3 năm đầu tiên đó thì khách hàng phải hoàn trả toàn bộ khoản chênh lệch lãi suất được ưu đãi kia và có thể phải trả thêm khoản phạt trả nợ trước hạn. Chẳng hạn nếu lãi suất ưu đãi là 7%/năm nhưng thực chất lãi suất hiện hành là 10% thì khách hàng phải thanh toán hoàn trả khoản 3% đã được ưu đãi này. Điều này cũng cho thấy các NH đã tính toán cẩn thận để một mặt lôi kéo và giữ khách hàng lâu dài với mình, mặt khác phải chắc chắn có lợi nhuận từ hoạt động tín dụng.

Ông HUỲNH TRUNG MINH, chuyên gia tài chính NH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm