Ngành cá tra Việt Nam hướng tới thị trường Halal đầy tiềm năng

(PLO)- Theo đánh giá của các chuyên gia, với sức mua tương đương thị trường ASEAN và tiềm năng tăng trưởng gấp 3 lần khi được khai thác hiệu quả, thị trường Halal là cơ hội vàng để cá tra Việt Nam khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 17-11, trong khuôn khổ Ngày hội Cá tra Đồng Tháp, Bộ NN&PTNT phối hợp với UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức Hội nghị Tổng kết ngành hàng cá tra năm 2024 và bàn giải pháp triển khai nhiệm vụ năm 2025.

Ngành cá tra đóng góp lớn vào nền kinh tế Đồng Tháp

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Phước Thiện cho biết ngành hàng cá tra của tỉnh Đồng Tháp tiếp tục phát triển ổn định trong năm 2024, đóng góp quan trọng vào giá trị sản xuất của ngành Nông - Lâm - Thủy sản.

Theo báo cáo, giá trị sản xuất của ngành cá tra ước đạt 8.802 tỉ đồng, tăng 2,86% so với năm 2023, chiếm trên 17% tổng giá trị sản xuất ngành Nông - Lâm - Thủy sản của tỉnh. Diện tích thả nuôi cá tra thương phẩm đạt 2.630 ha (tăng 10 ha so với năm trước), với sản lượng ước đạt 540.000 tấn (tăng 15.000 tấn).

cá tra Việt Nam
Ngành hàng cá tra của tỉnh Đồng Tháp tiếp tục phát triển ổn định trong năm 2024, đóng góp quan trọng vào giá trị sản xuất của ngành Nông - Lâm - Thủy sản.

Tình hình tiêu thụ cá tra ổn định, giá bán cá tra thương phẩm (loại 0,7 - 0,8 kg/con) dao động từ 26.400 - 27.600 đồng/kg, trong khi giá thành sản xuất giảm nhờ sự điều chỉnh của giá thức ăn, mang lại lợi nhuận cho người nuôi. Đặc biệt, tỉnh Đồng Tháp hiện có 902 cơ sở sản xuất giống và ương dưỡng cá tra, trong đó có 52 cơ sở sản xuất giống và 850 cơ sở ương dưỡng. Ước tính trong năm 2024, các cơ sở này đã sản xuất được 17 tỉ cá tra bột và 1,3 tỉ cá tra giống.

Về công tác chế biến, tỉnh Đồng Tháp hiện có khoảng 27 doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá tra đông lạnh với tổng công suất khoảng 700.000 tấn/năm. Các doanh nghiệp trong tỉnh đều áp dụng các chương trình quản lý chất lượng, đáp ứng yêu cầu của các thị trường quốc tế. Sản lượng chế biến cá tra ước đạt 465.000 tấn, tăng 2,97% so với năm 2023, và kim ngạch xuất khẩu đạt 650 triệu USD, tăng 3,38% so với năm ngoái.

Mô hình liên kết trong sản xuất và tiêu thụ cá tra cũng được cải thiện đáng kể, khi 83,5% các hộ nuôi cá tra đã liên kết với các doanh nghiệp sản xuất thức ăn và chế biến.

Halal, thị trường đầy tiềm năng cho cá tra Việt Nam

Tại hội nghị các đại biểu cũng đưa ra nhiều giải pháp quan trọng nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành cá tra Đồng Tháp, từ việc nâng cao chất lượng sản phẩm, áp dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất, đến việc gia tăng giá trị cho sản phẩm cá tra.

Theo đánh giá của các chuyên gia, với sức mua tương đương thị trường ASEAN và tiềm năng tăng trưởng gấp 3 lần khi được khai thác hiệu quả, thị trường Halal điểm đến đầy hứa hẹn, là cơ hội vàng để cá tra Việt Nam khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế.

cá tra Việt Nam
Thị trường Halal được đánh giá là thị trường đầy tiềm năng cho cá tra Việt Nam.

Khu vực Trung Đông, nơi phải nhập khẩu tới 80% lương thực và thực phẩm mỗi năm (trị giá khoảng 40 tỉ USD), đang chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ về nhu cầu thủy sản, đặc biệt tại các nước như Ả Rập Xê Út và UAE. Điều kiện tự nhiên khắc nghiệt và phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu đã khiến nhu cầu sản phẩm thủy sản chế biến, trong đó có cá tra ngày càng lớn.

Một thách thức lớn cho các nhà cung cấp là phải đảm bảo tiêu chuẩn Halal - điều kiện bắt buộc để thâm nhập thị trường này. Quá trình chế biến và đóng gói sản phẩm cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy định để đáp ứng chứng nhận Halal. Hiện nay, Việt Nam có khoảng 50 công ty đạt chứng nhận Halal, tập trung vào các sản phẩm như hải sản, đồ uống, thực phẩm đóng hộp, bánh kẹo và thực phẩm chay.

Với quy mô nền kinh tế Halal toàn cầu ước đạt 7.700 tỉ USD vào năm 2025 và dự kiến tăng lên 10.000 tỉ USD vào năm 2028, Việt Nam có cơ hội lớn để nâng tầm ngành nông thủy sản, trong đó cá tra đóng vai trò quan trọng. Nếu tận dụng tốt lợi thế này, ngành cá tra Việt Nam sẽ không chỉ mở rộng thị trường, mà còn góp phần củng cố giá trị thương hiệu quốc gia trong chuỗi cung ứng thực phẩm Halal toàn cầu.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, để ngành cá tra tiếp tục phát triển và tận dụng cơ hội, cần phải tập trung phát triển giống cá tra theo hướng công nghiệp, quy mô lớn, đảm bảo an toàn sinh học. Ông cũng yêu cầu các địa phương, doanh nghiệp quản lý chặt chẽ việc sử dụng kháng sinh trong nuôi trồng, đồng thời kiểm soát chất lượng các cơ sở sản xuất giống.

cá tra Việt Nam
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến. Ảnh: VIỆT TIẾN

Đặc biệt, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến kêu gọi phát triển chuỗi khép kín trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ cá tra, ứng dụng khoa học công nghệ, tối ưu hóa việc sử dụng phụ phẩm để gia tăng giá trị sản phẩm. Bên cạnh các thị trường truyền thống, việc tìm kiếm và phát triển các thị trường mới, trong đó có thị trường Hồi giáo với chứng nhận Halal, cũng là một chiến lược quan trọng.

Hướng tới năm 2025, tỉnh Đồng Tháp đề ra mục tiêu phát triển ngành hàng cá tra bền vững, hiện đại, với những bước tiến lớn về khoa học công nghệ và sản xuất sạch. Cụ thể, diện tích nuôi cá tra dự kiến đạt 2.640 ha (tăng 190 ha), với sản lượng 555.000 tấn và giá trị sản xuất đạt 9.046,5 tỉ đồng. Mục tiêu xuất khẩu cá tra của tỉnh cũng sẽ đạt trên 980 triệu USD.

Đồng thời, tỉnh đặt mục tiêu nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo 100% cơ sở nuôi cá tra được số hóa mã nhận diện, 100% cơ sở nuôi cá tra thương phẩm được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thực phẩm an toàn, và 50% diện tích nuôi cá tra áp dụng tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt (GAP).

Đồng Tháp cũng đặt mục tiêu nâng cao chất lượng cá giống, phấn đấu trên 75% cá giống phục vụ nuôi thương phẩm là giống chất lượng cao.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm