Halal theo tiếng Ả Rập là "được phép". Các sản phẩm Halal bao gồm hầu hết hàng hóa, dịch vụ gắn với các tiêu chuẩn Hồi giáo, từ thực phẩm, đồ uống, dược phẩm, mỹ phẩm, dệt may, thủ công mỹ nghệ đến dịch vụ ngân hàng, du lịch, giáo dục, khách sạn...
Hơn 2 tỷ người, chiếm gần 25% dân số thế giới là người Hồi giáo, với quy mô kinh tế Halal có thể tới 10.000 tỷ USD trước năm 2028.
Xác định tầm quan trọng của thị trường Halal, khẳng định quyết tâm trở thành một phần của chuỗi cung ứng Halal, chiều nay, 22-10, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đến dự một hội nghị về phát triển ngành Halal Việt Nam. Hội nghị do Bộ Ngoại giao phối hợp với các Bộ KH&CN, Bộ NN&PTNT đồng chủ trì.
Thủ tướng đánh giá Việt Nam có quy mô kinh tế, thương mại lớn, đang ở giai đoạn dân số vàng với 100 triệu người. Lại có quan hệ đối ngoại và liên kết kinh tế quốc tế ngày càng mở rộng, trong đó có quan hệ hợp tác tốt đẹp với cộng đồng các quốc gia Hồi giáo. Vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên cũng như sản phẩm nông nghiệp có nhiều yếu tố gần gũi, có thể đáp ứng tiêu chuẩn Halal.
Tham gia, trở thành mắt xích trong chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng Halal vừa mang lại lợi ích kinh tế thiết thực, vừa thúc đẩy các giá trị văn hóa, con người, giá trị về chung sống hòa bình. Qua đó thể hiện sự đóng góp, trách nhiệm của Việt Nam để cùng xây dựng thế giới hòa bình, đa dạng, hài hòa và cùng phát triển.
Để phát triển ngành Halal Việt Nam, Bộ KH&CN đang đề nghị xây dựng nghị định về quản lý sản phẩm, dịch vụ Halal. Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết Việt Nam có nền tảng vững chắc về khoa học và công nghệ để nghiên cứu và phát triển các sản phẩm Halal chất lượng cao, sẵn sàng đẩy mạnh tiêu chuẩn hóa quy trình sản xuất và nâng cao năng lực chứng nhận Halal của Việt Nam nhằm nhằm đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường quốc tế.
Về vấn đề này, Chủ tịch Trung tâm Chứng nhận Halal Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) Moteb Al-Mezani đánh giá chủ trương phát triển ngành Halal của Việt Nam phù hợp với lợi ích, định hướng phát triển quan hệ hợp tác của các nước vùng Vịnh. Chứng nhận sản phẩm nói chung, trong đó có chứng nhận Halal, là sự thể hiện cao nhất của niềm tin đối với chất lượng sản phẩm.
Từ góc độ của một tổ chức phi chính phủ phối hợp triển khai các dự án Halal, bà Hoàng Thị Bích Diệp - Viện phó Viện Nông nghiệp Nhiệt đới cho rằng cần tập trung phát triển thị trường Halal trong nước. Qua đó tăng cường nhận thức và thông tin cho doanh nghiệp Việt cũng như tạo niềm tin cho cộng đồng người Hồi giáo đang sinh sống, học tập, làm việc tại Việt Nam. Từ đó giúp truyền thông về ngành Halal Việt Nam tới quốc tế hiệu quả hơn.