Chiều 6-9, tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC) đã diễn ra hai hội thảo “Dịch vụ thân thiện Halal - Điểm chạm của du khách Halal toàn cầu” và “Khám phá du lịch Ấn Độ: Kết nối ẩm thực và văn hoá”. Cả hai hội thảo đều nằm trong khuôn khổ Hội chợ du lịch quốc tế TP.HCM lần thứ 18 năm 2024, diễn ra từ ngày 5 đến 7-9.
Halal là tiềm năng cho du lịch Việt Nam
Phát biểu tại hội thảo “Dịch vụ thân thiện Halal - Điểm chạm của du khách Halal toàn cầu”, ông Trần Văn Tân Cương, Giám đốc Công ty Halal Quốc Gia Việt Nam cho biết, dân số theo đạo Hồi giáo ngày càng đông. Ước tính vào năm 2024, có đến 2,1 tỉ dân là người Hồi giáo. Do đó, người Hồi giáo được xem là dòng khách du lịch tiềm năng cho thị trường Việt Nam.
Hiện nay, các địa điểm du lịch được người Hồi giáo đặc biệt quan tâm là Sapa, Hạ Long và Đà Lạt. Để thu hút dòng khách này cần xây dựng nền du lịch chuẩn Halal. Tuy nhiên, Việt Nam còn phải đối diện với nhiều thách thức.
Trong đó, theo ông Cương, thách thức chính trong du lịch Halal là khác biệt về văn hoá và tôn giáo. Để thành công trong thị trường này, điều quan trọng là phải hiểu và tôn trọng nhu cầu và sở thích riêng biệt của du khách Hồi giáo.
Để có thể thu hút khách Hồi giáo, các nhà hàng, khu du lịch tại Việt Nam cần đầu tư đào tạo nhận thức, văn hoá cho nhân viên; đẩy mạnh cung cấp các gói dịch vụ phù hợp với các yêu cầu về Halal như đảm bảo tính bền vững, trung thành và có trách nhiệm xã hội, thân thiện với môi trường. Đồng thời, các đơn vị cần tạo môi trường hòa nhập, thân thiện và chào đón du khách.
Theo ông Hosen Yousof, Giám đốc công ty Halaltrip.vn, mô hình du lịch ưa thích của khách Hồi giáo thường kéo dài hơn so với du khách khác và thường đi theo dạng gia đình hoặc nhóm lớn. Do đó, Việt Nam cần có các hoạt động vui chơi, giải trí thân thiện với gia đình để thu hút dòng khách này khi đến với thị trường Việt Nam.
Ngoài ra, một trong những yếu tố quan trọng trong tiêu chuẩn Halal cho người Hồi giáo là cần phải có nhân viên Hồi giáo và được đào tạo bởi chuyên gia người Hồi giáo. Đặc biệt, cần có thêm nhà hàng Halal tại địa điểm du lịch và phải có giấy chứng nhận Halal từ đơn vị cấp giấy chứng nhận tại Việt Nam.
"Cuối cùng, chúng ta cần thêm phòng cầu nguyện tại sân bay, trung tâm mua sắm, trung tâm thương mại... để khách du lịch Hồi giáo có thể thực hiện các nghi lễ tôn giáo một cách thuận tiện và thoải mái" - ông Hosen Yousof thông tin.
Kỳ vọng Ấn Độ thành điểm đến hấp dẫn cho du khách Việt Nam
Tại hội thảo “Khám phá du lịch Ấn Độ: Kết nối ẩm thực và văn hoá”, ông Madan Mohan Sethi, Tổng lãnh sự quán Ấn Độ tại TP.HCM cho biết, hội chợ du lịch quốc tế có ý nghĩa quan trọng trong việc kết nối du lịch Ấn Độ, bao gồm ẩm thực và văn hoá đến với du khách Việt Nam.
“Hội thảo hôm nay có ý nghĩa đặc biệt đối với chúng tôi vì đây là sự trở lại của Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ sau nhiều năm. Sự tham gia của chúng tôi năm nay thể hiện sự cam kết mới của chúng tôi trong việc củng cố các mối liên kết văn hóa và du lịch giữa hai quốc gia". - ông Madan Mohan Sethi cho biết.
Bằng cách tái gia nhập Hội chợ du lịch quốc tế TP.HCM, Ấn Độ xác nhận cam kết của mình trong việc quảng bá Ấn Độ như một điểm đến không chỉ mang đến những trải nghiệm văn hóa và lịch sử phong phú mà còn một hành trình ẩm thực đa dạng và hấp dẫn.
Bên cạnh phát huy di sản ẩm thực rộng lớn, kết hợp với du lịch văn hoá, Ấn Độ còn tích hợp thêm các trải nghiệm ẩm thực vào các dịch vụ du lịch của mình như hợp tác với các hãng hàng không như INDIGO, Air India, khu nghỉ dưỡng Radisson Resort,... nhằm thu hút khách Việt Nam.
Những nỗ lực này không chỉ tạo cơ hội để khách du lịch khám phá nền ẩm thực phong phú của Ấn Độ mà còn giúp nâng cao sự kết nối văn hóa và tinh thần hợp tác giữa hai quốc gia Việt Nam và Ấn Độ.