Ngày 11-10, Bộ Công thương tổ chức Diễn đàn phòng vệ thương mại lần thứ nhất với chủ đề “Phòng vệ thương mại: Tăng cường năng lực nội sinh, thúc đẩy tăng trưởng bền vững”.
Thiệt hại khi chưa áp dụng phòng vệ thương mại
Ông Trịnh Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (PVTM) cho biết, trong bối cảnh hội nhập kinh tế với nhiều biến động như hiện nay, các công cụ PVTM như thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ được sử dụng hợp lý, theo đúng quy định pháp luật, phù hợp với các cam kết quốc tế đang góp phần hỗ trợ các ngành sản xuất trong nước phát triển bền vững.
Từ đó đảm bảo việc làm và thu nhập cho người lao động, đem lại giá trị gia tăng cho nền kinh tế và tăng cường năng lực của đội ngũ doanh nhân trong nước.
Là một trong những ngành đang đối mặt với nhiều vụ việc áp dụng PVTM, ông Đinh Quốc Thái, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội thép Việt Nam cho biết: "Những năm gần đây do nhiều lý do khác nhau ngành thép trên toàn cầu đối mặt với tình trạng dư thừa công suất, tính đến nay 551 triệu tấn.
Điều này tạo nên cạnh tranh lớn đối với các nhà sản xuất nói chung và thép là ngành hàng có số vụ việc điều tra PVTM rất nhiều không chỉ riêng Việt Nam mà các nước trên thế giới".
Theo ông Thái, do mất cân đối cung cầu, nhiều nhà sản xuất nước ngoài nhất là Trung Quốc tìm mọi cách giải phóng hàng tồn kho bằng cách xuất khẩu cũng như hạ giá để cạnh tranh…
“Theo tính toán của hiệp hội năm 2023 thép từ Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam chiếm 62%. Đây là điều chúng tôi nhận thấy thép nội địa Việt Nam đối mặt rất lớn nguy cơ mất thị trường trong nước. Trước nguy cơ này, tại thời điểm đó nhiều DN Việt Nam thua lỗ, đối mặt với nguy cơ phá sản”- ông Thái nói.
Tương tự ông Trần Vĩnh Chung, Tổng Thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết, theo chỉ thị của Chính phủ ngành mía đường Việt Nam tham gia chương trình 1 triệu tấn đường năm vào năm 2000, phấn đấu đạt hai triệu tấn vào năm 2020.
Tuy nhiên, khi năm 2020 do Việt Nam gia nhập ATIGA, trong vòng sáu sáu tháng đã có 837.000 tấn đường từ Thái Lan giá rẻ dưới giá thành sản xuất tràn vào Việt Nam.
Trước lượng đường nhập khẩu tràn vào khiến giá đường trong nước liên tục giảm, chỉ còn 12.6160 đồng/kg, thấp hơn so với các quốc gia xung quanh. Chẳng hạn, giá đường nội địa của các nước lân cận Indoneisa 25.340 đồng/kg, Thái Lan 16.245 đồng/kg…
“Tại thời điểm năm 2020, DN ngành mía đường trên bờ vực phá sản, chết lâm sàng”- ông Chung nói.
Bên cạnh đó, giai đoạn 2020-2021 diện tích mía chỉ còn 50% so với 2016-2017, khiến 109.000 ngàn nông hộ không thể tiếp tục sản xuất mía. Hơn nữa, hệ quả đường phá giá từ Thái Lan khiến các nhà máy sản xuất trong nước cũng bị thu hẹp còn 24 nhà máy hoạt động/44 nhà máy.
Cần nâng cao năng lực phòng vệ thương mại cho DN
Theo ông Thái, rất may Cục PVTM hỗ trợ ngành thép Việt Nam nâng cao năng lực để một số DN thép đứng ở vị trí nguyên đơn khởi kiện nhiều vụ việc.
Theo đó, ngành thép Việt Nam được Cục PVTM tham mưu Bộ Công thương khởi kiện 12 vụ việc.
Các quyết định này giúp tình hình sản xuất kinh doanh của DN nội địa cải thiện đáng kể về doanh thu, công suất, tạo công ăn việc làm cho người lao động, giúp DN thực hiện nghĩa vụ thuế, đóng góp ngân sách cho nhà nước. Năm 2023, các DN thép đóng góp 12.000 tỉ đồng vào ngân sách.
Theo ông Thái khi Việt Nam áp dụng các biện pháp PVTM tạo nên thị trường cạnh tranh tốt hơn. Đồng thời giúp ngành thép Việt Nam duy trì vị trí tốp 12 thế giới về sản xuất thép và đứng đầu khu vực Đông Nam Á trong sản xuất tiêu thụ thép.
Tuy nhiên, ngành thép Việt Nam đang đối mặt với tình trạng nhập siêu giá trị 2,9 tỉ USD. Chưa kể ngành thép đang đối mặt 78 vụ việc điều tra chống bán phá giá ở thị trường bên ngoài trong khi chỉ mới khởi xướng 12 vụ việc.
“Mong thời gian tới Cục PVTM tiếp tục hỗ trợ ngành thép Việt Nam nâng cao năng lực, áp dụng các công cụ PVTM chủ động hơn nữa để phát hiện đề xuất khởi kiện các vụ việc mới để đem lại lợi ích lâu dài cho ngành sản xuất thép Việt Nam”- ông Thái nói.
Tương tự ông Trung cho rằng, sau khi Việt Nam áp dụng thuế chống bán phá giá, trợ cấp đối với sản phẩm đường có xuất xứ từ Thái Lan thì lượng đường nhập khẩu khai báo có xuất xứ từ năm nước Asean gồm Lào, Campuchia, Myanamar, Indonesia, Malaysia tăng mạnh so với trước đó.
Sau quá trình điều tra, đến năm 2022 Bộ Công thương ban hành quyết định áp dụng biện pháp chống lẩn tránh từ năm nước trên đã bảo vệ được ngành mía đường trong nước.
Theo đó, nhờ áp dụng các biện pháp PVTM, niên vụ 2023-2024 sản xuất hơn một triệu tấn đường tăng 161% so với 2020-2021. Từ đó, diện tích mía cũng tăng đồng thời giải quyết việc làm gần 10.000 người các nhà máy…
Giá mía cũng liên tục tăng, niên vụ 2023-2024 một số vùng mua mía tại ruộng 1,2-1,3 triệu đồng/tấn, tăng 152% so với 2020-2021. Trong khi Thái Lan mua tại ruộng 38,9 USD/tấn (tương đương 935.000 đồng/tấn).
Ông Chung cho rằng sau khi áp dụng biện pháp PVTM giúp giá đường trong nước tăng giá nhưng phản ảnh đúng với sản xuất trong nước để bù đắp cho thiệt hại hành vi cạnh tranh không công bằng của đường nhập khẩu.
Đồng thời giá đường của Việt Nam vẫn song hành cùng giá đường của thế giới nhưng vẫn luôn thấp hơn giá đường của các nước như Philippines, Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia.
Tuy nhiên ông Chung cũng cho biết thêm, ngành mía đường Việt Nam thoát sự cạnh tranh khốc liệt, có sự phục hồi khá rõ ràng. Tuy nhiên tốc độ hồi phục chậm hơn như dự kiến do còn đường giá rẻ nhập lậu. Bên cạnh đó, đường sản xuất trong nước vẫn tiếp tục cạnh tranh với các sản phẩm thay thế như đường lỏng si rô ngô.
“Dữ liệu từ Tổng Cục Hải quan, số lượng đường lỏng si rô ngô nhập khẩu vào Việt Nam có xu hướng tăng dần và đa số được nhập khẩu bởi các DN sản xuất nước giải khát. Điều này ảnh hưởng đến ngành sản xuất mía đường đồng thời dẫn đến hệ quả thu hẹp thị phần đường sản xuất trong nước nhất là năm 2023-2024 đến mức thấp nhất trong nhiều năm qua, tương đương 300.000 tấn đường trắng”- ông Chung nói.
Hiệp hội mía đường Việt Nam kiến nghị, các biện pháp PVTM cần được Bộ Công thương duy trì để đảm bảo cạnh tranh công bằng chứ không phải là để bảo hộ ngành đường. Đồng thời, xem xét áp dụng biện pháp PVTM đối với đường lỏng si rô ngô theo kinh nghiệm của Indonesia không chờ đến khi có thiệt hại rồi mới áp dụng.
Theo Cục PVTM, tính đến hết tháng 9-2024, Việt Nam đã tiến hành 30 cuộc điều tra PVTM và đang duy trì áp dụng 22 biện pháp PVTM đối với hàng nhập khẩu.
Tổng doanh thu hàng năm của các doanh nghiệp sản xuất trong nước tham gia các vụ việc PVTM ước đạt 475 ngàn tỉ đồng.
Thu ngân sách hàng năm từ thuế PVTM đạt từ 1.200- 1.500 tỉ đồng.