Ngành tòa án đã công bố hơn 1 triệu bản án

(PLO)- Công khai bản án, quyết định của tòa là một giải pháp nâng cao chất lượng xét xử. Đến nay, TAND Tối cao đã công bố trên 1 triệu bản án; trung bình mỗi ngày có hơn 100.000 lượt truy cập.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều nay, 26-2, TAND Tối cao đã khai mạc hội nghị triển khai công tác cải cách tư pháp theo tinh thần thần Nghị quyết 27-NQ/TW của BCH Trung ương về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới.

Hơn 1.000 đại biểu, trong đó phần lớn là chánh án tòa án các cấp tham dự hội nghị toàn quốc này. Ảnh: TAND Tối cao.

Hơn 1.000 đại biểu, trong đó phần lớn là chánh án tòa án các cấp tham dự hội nghị toàn quốc này. Ảnh: TAND Tối cao.

Điểm đáng chú ý ở hội nghị này là lần đầu tiên, chánh án của 3 TAND cấp cao tại Hà Nội, TP.HCM, Đà nẵng, chánh án 63 TAND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, 705 TAND huyện, quận và tương đương, cùng chánh án tòa quân sự các cấp làm việc tập trung tại Hà Nội với Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao, lãnh đạo các đơn vị thuộc TAND Tối cao để thảo luận các vấn đề lớn lao của toàn ngành.

Ngoài ra, trong hội nghị quan trọng này, chánh án các tòa án trên cả nước đã tập trung nghe lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương giới thiệu cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đây là cuốn sách vừa được Ban Nội chính Trung ương phối hợp Nhà xuất bản Chính trị quốc gia – Sự thật ra mắt hôm 2-2, và được Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng ví như cẩm nang phòng, chống tham nhũng, tiêu cực…

Đi vào nội dung chính, trước đông đảo chánh án toàn quốc, Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Văn Du đã trình bày dự thảo báo cáo về kết quả thực hiện 14 giải pháp đột phá để nâng cao chất lượng xét xử. Đây là những giải pháp được ngành tòa án triển khai từ năm 2017, sau khi sơ kết 3 năm thực hiện Kết luận 92 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 49 về chiến lược cải cách tư pháp.

Một trong những giải pháp ấy là công khai bản án, quyết định của tòa án trên cổng thông tin điện tử TAND. Tính ra, đã có hơn 1 triệu bản án, quyết định của TAND các cấp được công bố, với tổng số hơn 156 triệu lượt truy cập. Như vậy, trung bình mỗi ngày có hơn 100.000 lượt truy cập để tìm hiểu các bản án, quyết định của cơ quan xét xử.

Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Văn Du trình bày dự thảo báo cáo về 5 năm đổi mới hoạt động và nâng cao chất lượng xét xử. Ảnh: TAND Tối cao.

Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Văn Du trình bày dự thảo báo cáo về 5 năm đổi mới hoạt động và nâng cao chất lượng xét xử. Ảnh: TAND Tối cao.

Để nâng cao chất lượng bản án, quyết định, TAND Tối cao đã tổ chức nhiều hội nghị tập huấn về kỹ năng viết bản án, quyết định; nghiên cứu xây dựng giáo trình đào tạo chuyên sâu về kỹ năng viết từng loại bản án, quyết định. HĐTP đã ban hành văn bản hướng dẫn áp dụng thống nhất về thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản tố tụng. Nhờ đó, chất lượng văn bản được cải thiện.

Tuy nhiên, báo cáo tổng kết cũng thẳng thắn đánh giá là vẫn còn không ít bản án, quyết định viết cẩu thả, không thống nhất theo hướng dẫn. Văn phong còn rườm rà, nội dung trình bày mang nặng tính liệt kê. Có văn bản ghi không đầy đủ về sự có mặt, vắng mặt của đương sự. Bản án phúc thẩm thì tuyên cả phần nội dung của bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị…

Về giải pháp đổi mới tổ chức phiên tòa theo tinh thần cải cách tư pháp, cùng với việc triển khai 2 thông tư quy định về phòng xử án và quy chế tổ chức phiên tòa, bố trí lại vị trí ngồi của người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng, TAND đã phối hợp VKSND cùng cấp tổ chức các “phiên tòa rút kinh nghiệm”. Ngay sau khi kết thúc phiên xử, lãnh đạo các tòa chuyên trách đã trực tiếp chủ trì họp rút kinh nghiệm.

Số lượng “phiên tòa rút kinh nghiệm” như vậy tăng dần qua từng năm. Riêng năm 2022, các tòa án đã tổ chức 13.238 phiên tòa như vậy, vượt chỉ tiêu trung bình mỗi năm thẩm phán phải chủ tọa ít nhất 1 “phiên tòa rút kinh nghiệm”.

Để tiếp tục đổi mới hoạt động, nâng cao chất lượng xét xử của tòa các cấp, Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Văn Du cho biết dự kiến tiếp tục thực hiện tốt hơn 14 giải pháp hiện hành. Ngoài ra, hội nghị chánh án toàn quốc này sẽ cho ý kiến về 4 giải pháp bổ sung, trong đó có nhiệm vụ trọng tâm là triển khai Nghị quyết 27 về nhà nước pháp quyền, mà ngành tòa án ưu tiên đề xuất sửa Luật Tổ chức TAND.

Đây sẽ là nội dung chính phần thảo luận chiều nay và cả ngày mai của hội nghị chánh án toàn quốc này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm