Ngày gia đình Việt Nam: Đàn ông ở phố chăm con

1. Con trai lớn gần năm tuổi rồi, con trai nhỏ vừa hai tuổi rưỡi. Hôm ba đề nghị sẽ đưa hai con trai ra tiệm cắt tóc vì ba chỉ biết có mỗi môn đưa tông-đơ pin sạc sát da đầu hai con trai, con trai lớn phản đối: “Con chỉ thích ba cắt tóc ở nhà”. Con trai nhỏ phụ họa: “Con hích đầu tọc” (Con thích đầu trọc).

Ba nhà quê, lên TP.HCM trọ học đại học rồi đi viết báo, tính ba nệ cổ luôn muốn chăm sóc hai con trai theo kiểu của riêng mình. Hồi hai con còn trong tháng, ba thích thay tã cho con, thích được tắm cho con. Chẳng vì gì hết, vì ba muốn được chăm sóc cho hai con.

Ba nghe người già chỉ lấy khế chua rơ miệng con trong tháng, khi con mọc răng sẽ hết sốt, ba làm theo. Đúng là hay thiệt. Con chưa đủ ba tháng mười ngày ngủ hay uốn éo, ba nghe theo lời người quê lấy lá trầu chà lưng cho con. Con vẫn cứ trằn trọc hoài, ba lọ mọ làm theo lối người Tây, massage cho con mỗi đêm, con an giấc lòng ba hạnh phúc.

Khi con trai nhỏ chào đời, ba thương con trai lớn lắm. Ba sợ con trai lớn sẽ bật ra ý nghĩ rằng ba thương em mà không thương con trai lớn nữa. Ba lưu ý từng chuyện nhỏ nhặt nhất để con trai lớn khỏi buồn. May mà đến bây giờ con trai lớn chưa một lần có biểu hiện mặc cảm, lại còn thương em nhiều hơn cả mong đợi của ba. Có lần ba để ý con trai lớn đang cầm đồ chơi, cái mô hình đội bay siêu đẳng. Con trai nhỏ đòi, con trai lớn nhường em với ánh mắt tiếc nuối. Thật ra lúc đó ba rất tự hào về con trai lớn, như hồi ba hay nói chuyện với con trai lớn: “Làm anh khó đấy/ Phải đâu chuyện đùa­­”. Dĩ nhiên, ba mua cái này cho con trai lớn thì mua luôn cho con trai nhỏ và ngược lại. Nhưng em còn nhỏ, vừa cầm của mình là thích của anh Hai ngay.

Tác giả tranh thủ mọi lúc, mọi nơi cùng chơi đùa với các con. Ảnh: NNH

2. Ba cha con thường nói chuyện với nhau, những câu chuyện vụn vặt. Ba tâm niệm phải trò chuyện với hai anh em để chúng ta có thể trở thành bạn hữu tốt của nhau. Con trai lớn hay nói về sau này con trai lớn sẽ làm gì, thi thoảng là xen vào vì sao Suneo lại hay bắt nạt bạn bè quá. Con trai nhỏ thì suốt ngày chỉ thích làm siêu nhân màu xanh lá biến hình tiêu diệt quái vật. Còn ba, dĩ nhiên ba là con sói già tàn ác thích bắt cóc con nít rồi.

Ba thương hai con ở phố, ba hay đưa hai con về quê chơi. Chẳng làm gì cả, chỉ vì ba muốn tạo thêm ký ức cho hai con. Ba vui vì hai con thích không khí ở quê, cũng như những lần gia đình mình đi nghỉ mát, ba luôn muốn nghe hai con kể rằng thích đi đâu.

Ba mua cái hồ bơi bơm hơi về nhà, những hôm nắng, ba cha con tắm với nhau. Ba nằm một chỗ để tránh choán diện tích chơi đùa của hai con. Ba phải đóng vai làm con hà mã, chỉ có con hà mã mới nằm lì thôi, chứ con cá thì phải bơi lui bơi tới rồi. Ba làm hà mã thì dĩ nhiên con trai lớn phải làm dũng sĩ diệt hà mã, còn con trai nhỏ phải làm siêu anh hùng chiến đấu với quái vật hà mã rồi. Chứ không lẽ con hà mã nằm đó mà chẳng có dũng sĩ hay siêu anh hùng hay sao?

3. Cô giúp việc xin về quê, mẹ bận đi làm. Ba cha con ở nhà cùng nhau, ba thích nhất là ở nhà với hai anh em. Chúng ta rất đàn ông luôn, chúng ta chán ăn cơm rồi, chúng ta ăn mì gói. Chúng ta sẽ gọi mì gói là thứ ngon nhất trên đời, chúng ta ăn mì gói nấu với trứng, mì gói xào với thịt bằm. Mẹ biết ba cha con ăn mì gói, thế nào mẹ cũng cằn nhằn ba. Nhưng đâu có sao đâu, chỉ có ba cha con ở nhà và đó là thế giới của riêng ba cha con, đố ai can thiệp vào được.

Ba biết là sau này hai con trai sẽ lớn, hai con trai sẽ có những ý niệm của riêng mình, có sự riêng tư của cá nhân. Thế nên, khi hai con trai còn nhỏ, ba muốn trở thành người bạn thân thiết của hai con trai thôi, kiểu như ba là Nobita để hai con trai cứ làm Doremon vậy.

MC, diễn viên Bình Minh:  

Đàn ông hiện đại cần đầu tư cho bếp núc

Ở TP.HCM, với công việc của tôi lẫn bà xã và lịch học của hai con gái thì để có bữa cơm cùng nhau là điều không dễ dàng. Thế nên bữa cơm nào cả nhà cùng ăn là rất quý. Trong việc gia đình từ con cái đến mua sắm hai vợ chồng đều thống nhất cùng nhau. Thuở có con gái đầu tiên tôi lọng cọng nhiều lắm nhưng rồi mình cũng dần quen được. Bây giờ ở nhà tôi luôn là người tắm rửa, thay quần áo… cho con gái. Hai bé ở nhà quấn bố lắm!

Ngày gia đình Việt Nam: Đàn ông ở phố chăm con ảnh 2
Hai con gái của MC Bình Minh rất bám bố, từ nhỏ hai bé đã được bố tự tay tắm rửa, thay quần áo… Ảnh: Nhân vật cung cấp

Vợ chồng tôi cũng luôn muốn con cái lẫn bản thân mình có những thực phẩm sạch, an toàn trong bữa ăn mà nhiều khi thức ăn làm sẵn không được như vậy. Tôi cùng vợ luôn tính toán để đầu tư những thiết bị trong bếp có thể giúp mình tiết kiệm thời gian. Như tôi mua máy làm sữa đậu nành để giảm thời gian làm sữa đậu nành. Nếu như truyền thống phải ngâm đậu qua đêm, xay, lọc, nấu lại… thì máy làm sữa đậu nành giúp tôi có thể làm sữa đậu nành cho vợ con mà không tốn nhiều thời gian, lích kích vật dụng bày bừa trong bếp.

Tôi nghĩ đàn ông hiện đại sẽ là người biết đầu tư tiền của mình trong công nghệ để phụ mình làm bếp. Nếu làm bếp ít thời gian, chất lượng dinh dưỡng vẫn đảm bảo thì mình càng có nhiều thời gian chia sẻ với vợ con.

QUỲNH TRANG ghi

TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội:

Đàn ông vào bếp, gia đình bền vững hơn

Ngày gia đình Việt Nam: Đàn ông ở phố chăm con ảnh 3

Trong các gia đình hiện nay sự chia sẻ đang ngày càng nhiều lên, người chồng tham gia vào công việc gia đình ngày càng nhiều hơn. Ví dụ như họ tham gia vào việc nấu bữa cơm gia đình chẳng hạn.

Tỉ lệ này chưa có sự áp đảo nhưng đang là nhiều hơn, đặc biệt là thế hệ trẻ. Điều đó phản ánh thực tế xã hội là nữ trong thời kỳ này có nhiều cơ hội có việc làm tốt, có công việc tốt nên cần sự chia sẻ ở nam giới.

Những quan điểm truyền thống (ví dụ như chỉ có phụ nữ mới vào bếp) cũng do con người tạo ra mà thôi. Với sự phát triển hiện nay thì lao động không lệ thuộc nhiều vào cơ bắp. Nếu xu hướng nam giới chia sẻ công việc gia đình với phụ nữ ngày càng nhiều thì những thói quen mới, quan niệm mới sẽ dần dần được hình thành. Nói một cách lạc quan nếu xu hướng này mà phát triển thì quan hệ gia đình ngày càng bền vững hơn, gắn bó hơn.

VIẾT THỊNH ghi

_____________________________

Năm thứ ba liên tiếp cho Bữa cơm gia đình

Kỷ niệm 15 năm ngày Gia đình Việt Nam (28-6), Bộ VH-TT&DL ban hành kế hoạch tuyên truyền cho hoạt động này. Đây là năm thứ ba liên tiếp nội dung “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương” được Bộ lấy làm chủ đề cho ngày Gia đình.

Bộ VH-TT&DL đề nghị Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên phối hợp với Bộ chỉ đạo tuyên truyền, vận động, tổ chức các hoạt động trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của ngành và lĩnh vực về kỷ niệm 15 năm ngày Gia đình Việt Nam. Một trong các hoạt động đó là phát động tổ chức “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương” đối với toàn thể các hộ gia đình trong ngày 28-6. Các hoạt động kỷ niệm nhằm tôn vinh những giá trị nhân văn sâu sắc của gia đình Việt Nam.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm