Ngày hè đi tắm biển sao cho an toàn?

Từ đầu tháng 7 đến nay, ngành du lịch ghi nhận hai trường hợp du khách bị đuối nước ngay tại bãi tắm. Một trường hợp xảy ra ngày 7-7 tại khu vực Bãi Tràn, gần đèn biển Mũi Dinh thuộc thôn Sơn Hải 2, nạn nhân là một người đàn ông 44 tuổi.

Lực lượng cứu hộ ứng cứu nạn nhân ở Thanh Hóa. Ảnh: CS PCCC Thanh Hóa

Vụ thứ hai cách đây bốn ngày, một nhóm du khách năm người bị sóng cuốn trôi tại bãi biển Hải Hòa, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa. May mắn nhóm này được Phòng Cảnh sát PCCC số 2 (Cảnh sát PCCC tỉnh Thanh Hóa) thường trực tại bãi biển ứng cứu. Tuy nhiên, lực lượng chức năng chỉ cứu được bốn người, một du khách do đuối sức đã thiệt mạng.

Mặc dù các tai nạn như trên ít khi xảy ra nhưng vẫn không có gì khẳng định khi tắm ở các bãi biển du lịch bạn sẽ an toàn 100%. Chính vì thế cần trang bị những kiến thức hữu ích để tự cứu mình khi gặp sự cố.

Kiến thức cần có

Khi đi bơi ở bất cứ bãi biển nào, bạn nên dành khoảng 5-10 phút để quan sát biển báo nguy hiểm và nhận dạng dòng chảy xa bờ. Một trong những điều nguy hiểm nhất ở các bãi biển là dòng chảy xa bờ.

Dòng chảy này là dòng nước mạnh, chảy từ bờ hướng ra biển. Dòng chảy xa bờ được ví như dòng sông nhỏ, hình thành khi sóng đánh và đưa nước biển liên tục vào bờ, chúng tập hợp thành một dòng chảy cuốn tất cả những gì rơi vào nó xa khỏi bờ.

Nhận diện dòng chảy xa bờ.

Nhận diện dòng chảy xa bờ bằng cách quan sát:

· Vùng nước lặng, hầu như không có sóng thường xuất hiện dòng chảy xa bờ.

· Vùng biển nào có màu sậm hơn, nơi đó nước sâu hơn.

· Không nên di chuyển lại gần các khu vực có xuất hiện các mảnh vỡ/bọt nước nổi trên mặt dòng chảy xa bờ và trôi ra biển.

Những điều nên tránh

Cho dù đang ở trong bãi tắm riêng, có lực lượng cứu hộ thì người tắm biển cũng không nên bơi quá xa bờ và luôn chú ý đến các biển cảnh báo nguy hiểm (thường đều có ở các bãi tắm để cảnh giác khách du lịch). Không tắm vào ngày sóng lớn, không bơi, tắm gần nơi vách đá, cầu cảng, trụ cột và không bao giờ nên đi bơi một mình.

Khi xảy ra sự cố phải làm gì?

Lưu ý biển cảnh báo luôn có ở những bãi tắm.

Điều cốt yếu là phải bình tĩnh, không hoảng loạn. Các động tác cần làm để có thể thoát hiểm là:

· Nín thở, ngậm miệng, thả lỏng cơ thể để phổi không bị sặc nước mà dần nổi lên.

· Dùng tay chân làm mái chèo, quạt nước đẩy đầu nhô lên khỏi mặt nước chờ người đến cứu.

· Trường hợp bị rơi vào dòng chảy xa bờ thì tuyệt đối không được cố bơi ngược dòng chảy xa bờ để vào bờ. Đối với người bơi giỏi, nếu tự tin, bạn có thể bơi song song với bờ biển, thường sẽ hướng đến chỗ có sóng bạc đầu và nhờ sóng đưa bạn vào bờ. Đối với người bơi yếu bất cứ khi nào bạn thấy không thể chạm bờ biển / đuối sức, hãy giơ tay lên ra hiệu trợ giúp, bình tĩnh, thả nổi để giữ sức. Nếu nhận thấy đòng chảy xa bờ yếu đi, hãy cố gắng bơi song song với bờ biển để đến chỗ có sóng bạc đầu nhờ sóng đưa bạn vào bờ.

Luôn chủ động cảnh báo du khách

Theo ông Phạm Khắc Tộ, Giám đốc Ban quản lý (BQL) các khu du lịch (KDL) TP Vũng Tàu, từ dịp Tết nguyên đán 2018 đến cao điểm du lịch hè, du khách đến Vũng Tàu vui chơi, tắm biển rất đông. Theo ghi nhận có nhiều trường hợp du khách lọt ao xoáy, dòng chảy nguy hiểm. Tuy nhiên, tất cả đều được lực lượng cứu hộ cứu vớt, cấp cứu kịp thời, không để xảy ra sự cố tử vong do đuối nước.

Để đảm bảo an toàn cho du khách, công tác cảnh báo, phòng tránh ngay từ ban đầu là rất quan trọng. Đối với các khu vực có ao xoáy, dòng chảy nguy hiểm thì lực lượng cứu hộ của BQL và tổ cứu hộ của từng KDL đều cắm cờ đen, thường xuyên ứng trực, chủ động cảnh báo, nhắc nhở du khách không được tắm tại các khu vực không an toàn.

Khu vực biển Bãi Sau, TP Vũng Tàu là nơi rất đông du khách ghé vui chơi, tắm biển. Dọc tuyến này khi gặp sự cố cần được hỗ trợ, du khách có thể liên hệ với Trung tâm hỗ trợ khách du lịch, các đài cứu hộ trực thuộc BQL.

Số điện thoại của Trung tâm hỗ trợ khách du lịch TP Vũng Tàu: 02543611988 - 0911644838

Ban quản lý các KDL Vũng Tàu: 02543.852.282 

TRÙNG KHÁNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm