Ngày hội lớn tưởng nhớ Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực

(PLO)- Năm nay, hoạt động kỷ niệm 154 năm Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực hy sinh (1868-2022), tỉnh Long An đã tổ chức nhiều hoạt động với không khí nhộn nhịp như một ngày hội lớn.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Hàng năm, cứ đến ngày 12-9 âm lịch, người dân trên mọi miền Tổ quốc tìm về Xóm nghề ấp 1, xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức và Khu di tích lịch sử Vàm Nhựt Tảo, xã An Nhựt Tân, huyện Tân Trụ tỉnh (Long An) để dâng hương tưởng nhớ vị Anh hùng của dân tộc Nguyễn Trung Trực.

Di tích Xóm Nghề chào đón du khách đến viếng ngày giỗ cụ Nguyễn Trung Trực. Ảnh: TIẾN BIN

Di tích Xóm Nghề chào đón du khách đến viếng ngày giỗ cụ Nguyễn Trung Trực. Ảnh: TIẾN BIN

Khi đến với Xóm Nghề những ngày này, nhiều người bất ngờ trước hình ảnh mỗi ngôi nhà đều là bàn cúng với những đĩa trái cây, hoa tươi, bánh ít, bánh tét...cúng giỗ cho cụ trước sân.

“Tôi rất xúc động trước hình ảnh thiêng liêng, ấm áp tình cảm của người dân ở đây đối với cụ Nguyễn, không ngại đường xa mà đến viếng cụ tại Xóm Nghề”- bà Thái Thị Út (huyện Bình Minh, Vĩnh Long) đến với Khu Di tích Lịch sử Xóm Nghề để thắp hương nói.

Ông Nguyễn Phước Lộc hậu duệ đời thứ 4 của cụ Nguyễn Trung Trực. Ảnh: TIẾN BIN
Ông Nguyễn Phước Lộc hậu duệ đời thứ 4 của cụ Nguyễn Trung Trực. Ảnh: TIẾN BIN

Là con cháu đời thứ 4 của cụ Nguyễn, ông Nguyễn Phước Lộc (Thạnh Đức, huyện Bến Lức) chia sẻ: "Hằng năm đến ngày 12-9 Âm lịch, gia đình tôi lại dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, chọn trái cây tươi, hoa đẹp thêm vài chiếc bánh ít để mời cụ Nguyễn về. Đây là hoạt động truyền thống của gia đình nhiều thế hệ qua đã gìn giữ. Từ việc hằng năm cúng giỗ cụ Nguyễn tôi cũng nhắc nhở con cháu về truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm và thêm niềm tự hào về dòng họ".

Hoạt động văn nghệ tại Khu di tích lịch sử Vàm Nhựt Tảo. Ảnh: HUỲNH DU

Hoạt động văn nghệ tại Khu di tích lịch sử Vàm Nhựt Tảo. Ảnh: HUỲNH DU

Còn tại khu Khu di tích lịch sử Vàm Nhựt Tảo (huyện Tân Trụ) nơi ông đã lãnh đạo nghĩa quân đốt cháy tàu chiến L’Espérance (Hi Vọng) của Pháp (vào ngày 10-12-1861).

Hằng năm vào chiều 11-9 âm lịch, UBND tỉnh Long An tổ chức lễ dâng hương tưởng niệm vị Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực. Cùng đó, nhiều người dân trên mọi miền đến dâng hương tưởng niệm ông trong ngày 11 và 12-9 Âm lịch được địa phương và các mạnh thường quân, hội từ thiện phục vụ chu đáo cho hàng trăm ngàn du khách đến viếng.

Tất cả mọi người cùng chung một tấm lòng nhiệt tình có trách nhiệm, tự giác, tự nguyện hăng hái chỉ để tỏ chút lòng thành với vị anh hùng dân tộc.

Tàu L’Espérance được các nghệ nhân tái hiện lại tại Khu di tích lịch sử Vàm Nhựt Tảo. Ảnh: HUỲNH DU

Tàu L’Espérance được các nghệ nhân tái hiện lại tại Khu di tích lịch sử Vàm Nhựt Tảo. Ảnh: HUỲNH DU

Ông Nguyễn Văn Đức (huyện Chợ Mới, An Giang) cho biết: “Đoàn của tôi có 5 người, ngày lễ kỷ niệm của Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực có mang theo hai tác phẩm để cúng viếng và để ghi nhớ lịch sử, chiến công oanh liệt của vị anh hùng.

Một là chiếc tàu L’Espérance cụ Nguyễn đốt cháy tàu Pháp tại dòng sông Nhật Tảo và một tác phẩm hình rồng, phía trên cũng để hình của cụ Nguyễn trên một cái hoa sen nhằm mục đích là cho bà con mình đến tham dự lễ hội và viếng xem những chiến công oanh liệt của cụ Nguyễn”.

Bia tưởng niệm anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực tại Xóm Nghề. Ảnh: TIẾN BIN

Bia tưởng niệm anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực tại Xóm Nghề. Ảnh: TIẾN BIN

Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực gốc người tỉnh Bình Định, sau đó gia đình vô sinh sống ở phủ Tân An, tỉnh Gia Định (nay thuộc xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An). Ông từng chỉ huy nghĩa quân đốt tàu L’Espérance của quân Pháp. Ngày 19-9-1868, ông sa vào tay giặc. Chúng chiêu dụ đầu hàng nhưng không đạt được mục đích. Ông bị xử chém tại chợ Rạch Giá ngày 27-10-1868 (nhằm ngày 12-9 năm Mậu Thìn).

Ông ra đi để lại cho đời câu nói khẳng khái, bất hủ: “Bao giờ người Tây nhổ hết cỏ nước Nam thì mới hết người Nam đánh Tây”.

Du khách thập phương đổ đến viếng cụ Nguyễn Trung Trực ở Xóm Nghề. Ảnh: TIẾN BIN
Du khách thập phương đổ đến viếng cụ Nguyễn Trung Trực ở Xóm Nghề. Ảnh: TIẾN BIN

Ngày giỗ Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực đã có sức lan tỏa ngày càng rộng trong cộng đồng, từ một lễ giỗ bình thường đã được nâng lên thành lễ hội với nhiều ý nghĩa nhân văn cao đẹp giá trị văn hóa, dân tộc.

Ông Trịnh Phước Trung, Quyền Chủ tịch UBND huyện Tân Trụ, Long An cho biết: “Để phát huy khu di tích này trở thành một khu di tích mà được nhiều người biết đến thì huyện cũng đã có định hướng thu hút du lịch, trong đó giới thiệu nhiều đoàn khách đến tham quan khu di tích. Định hướng trong những năm tới thì huyện tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất để làm sao cho cái điều kiện phục vụ lễ giỗ tốt hơn. Để người dân đến thì thì có điều kiện sinh hoạt đầy đủ hơn”.

Người dân xem chương trình múa rối nước nói về Anh hùng Nguyễn Trung Trực tại lễ kỷ niệm ngày hy sinh của ông. Ảnh: HUỲNH DU
Người dân xem chương trình múa rối nước nói về Anh hùng Nguyễn Trung Trực tại lễ kỷ niệm ngày hy sinh của ông. Ảnh: HUỲNH DU

Tại khu di tích Vàm Nhật Tảo trưng bày nhiều hiện vật, hình ảnh, tài liệu khoa học về thân thế và sự nghiệp của ông, trong đó tái hiện chiến công lừng lẫy “Hỏa hồng Nhựt Tảo”… để du khách trong và ngoài nước đến viếng, tham quan, sinh viên và học sinh du khảo về nguồn, đây cũng là nơi giáo dục truyền thống lịch sử của dân tộc.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm