Ngày tết nhớ hương vị bánh thuẫn ngọt ngào của má

(PLO)- Cứ chừng sau ngày 20 tháng Chạp là má tôi cũng như nhiều gia đình ở quê làm bánh thuẫn, bánh nổ hay bánh in để dâng cúng ông bà, tổ tiên trong ba ngày Tết.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Thời “bao cấp”, những thập niên 80 của thế kỷ trước, hầu như gia đình nào ở quê tôi - Quảng Ngãi cũng nghèo khó, thiếu ăn, thiếu mặc. Gia đình tôi có lẽ cũng không là “ngoại lệ”, thậm chí là cha mẹ tôi đông con và là gia đình nghèo nhất nhì trong thôn xóm.

Trong ký ức của tuổi thơ, tôi vẫn còn nhớ những bữa cơm độn củ khoai lang khô hàng ngày của mấy chị em tôi thường là thiếu thịt cá, vì thế mà chị em tôi rất thích và mong Tết đến xuân về.

Tết đến, chị em tôi được có chút cá thịt để ăn, đặc biệt là được thưởng thức những món bánh ngọt đặc trưng của quê hương má làm như bánh nổ, bánh in. Tôi rất thích được ăn món bánh thuẫn quê nhà thơm ngon nức tiếng được làm từ đôi bàn tay “tài hoa” của má.

Bánh thuẫn lấy ra từ khuôn đặt trên nia che mấy tờ giấy báo để sấy dưới than lửa hồng cho thơm ngon và để được lâu hơn. Ảnh: NGUYỄN ĐƯỚC

Bánh thuẫn lấy ra từ khuôn đặt trên nia che mấy tờ giấy báo để sấy dưới than lửa hồng cho thơm ngon và để được lâu hơn. Ảnh: NGUYỄN ĐƯỚC

Tôi nhớ, cứ chừng sau ngày 20 tháng Chạp là má tôi cũng như nhiều gia đình trong “thôn nghèo” (hồi đó xã tôi ở được mệnh danh là thôn nghèo trong thị xã) đã bắt đầu lên “kế hoạch” và chuẩn bị nguyên liệu để làm bánh thuẫn, bánh nổ hay bánh in để dâng cúng ông bà, tổ tiên trong ba ngày Tết. Ngoài ra, bánh thuẫn cũng để chiêu đãi bà con họ hàng thân thuộc hoặc khách đến nhà chúc Tết nhân dịp ngày đầu năm mới.

“Thời bao cấp” gia đình nào cũng đông con, kinh tế còn nhiều khó khăn nên thường nhà nào cũng cố gắng làm nhiều bánh hơn một chút khi Tết đến trước là để cúng ông bà, tổ tiên sau nữa là để con cái có cái ăn trong ba ngày Tết. Hai, ba gia đình trong “thôn nghèo” thường là góp trứng, góp bột, góp đường… để cùng nhau đổ bánh thuẫn chung cho tiện.

Ai góp nhiều thì được chia nhiều, ai góp ít thì được chia phần ít hơn. Tình làng nghĩa xóm thật đậm đà, thơm thảo mỗi khi Tết đến xuân về. Má tôi khéo tay nên thường được nhiều gia đình hàng xóm mang trứng, bột sang góp để làm bánh thuẫn.

Những hủ bánh thuẫn dâng lên cúng ông bà, tổ tiên trong 3 ngày tết.
Những hủ bánh thuẫn dâng lên cúng ông bà, tổ tiên trong 3 ngày tết.

Nguyên liệu chính để đỗ bánh thuẫn là bột mì, bột mình tinh (hay còn gọi là bột bình tinh), trứng gà (hoặc trứng vịt), hương vani, đường cát trắng và nước cốt gừng. Má tôi thường bảo, để bánh thuẫn thơm ngon, khi đổ bánh thuẫn nở đẹp và đều như những cánh hoa mai vàng thì cần phải lựa chọn những quả trứng gà hoặc trứng vịt thật tươi ngon, loại trứng gà mới đẻ, bột mình tinh hay bột mì phải là loại bột trắng mịn.

Hồi đó, chị Hai, chị Năm và tôi thường được má “giao nhiệm vụ” ngồi trong bếp đánh trứng. Đánh trứng để làm bánh thuẫn được đánh bằng tay chứ không phải đánh bằng máy như bây giờ. Hễ chị Hai hay chị Năm tôi đánh mỏi tay là tới lượt tôi đánh thế cho mấy chị nghỉ tay. Má “kiểm tra” nếu đánh “chưa đáp ứng yêu cầu” má bảo phải đánh tiếp.

Khi trứng gà, bột mình tinh đã quyện sánh vào nhau, bốc mùi thơm ngào ngạt má tôi mới bắt đầu chuẩn bị đổ nguyên liệu bột trứng vào khuôn đồng. Dưới lò than lửa rực hồng chừng vài ba phút là bánh chín, mùi thơm ngào ngạt, má dỡ nắp ra và nhẹ nhàng gắp những cái bánh thuẫn nở bung, hấp dẫn, đẹp mắt đầu tiên.

Ngồi trong gian bếp ấm áp trong những ngày đông lạnh giá giáp Tết, mùi thơm ngào ngạt của những chiếc bánh thuẫn “nhà làm” vừa mới “ra lò” sộc vào mũi luôn làm chị em tôi thèm thuồng và mong muốn được sớm thưởng thức những cái bánh thuẫn thơm ngon qua đôi bàn tay “tài hoa” của má. Chị em tôi cảm nhận như không khí ngày Tết đang dần cận kề.

Có những cái bánh thuẫn đổ không nở má cho chị em tôi thưởng thức. Tôi cầm cái bánh thuẫn nóng hổi, thơm ngon trên tay ăn từng chút một như để dành vì sợ hết bánh.

Má tôi thường nói, bánh thuẫn để dâng cúng ông bà, tổ tiên trong đêm giao thừa, ngày mồng một đầu năm hay trong ba ngày Tết phải là những cái bánh thuẫn màu sắc đẹp, nở hoa thật đều. Để bánh thuẫn thơm ngon, giòn rụm và để được lâu hơn má thường sắp sửa những chiếc bánh thuẫn ngay ngắn trên nia rồi mang đi sấy một lần nữa dưới lò than lửa rực hồng…

Thú thật, trong mấy ngày Tết mà được thưởng thức mấy món bánh ngọt của má làm, đặc biệt là bánh thuẫn với hương vị ngọt ngào, giòn rụm thơm mùi trứng gà cộng với chút cay cay của vị gừng thì còn gì bằng…

Theo thời gian, cuộc sống của nhiều gia đình ở thôn nghèo quê tôi kinh tế giờ đây đã phát triển và khấm khá hơn rất nhiều so với thời “bao cấp”.

Những ngày Tết đến đủ đầy hơn xưa với nhiều thịt cá và nhiều món bánh đủ loại “tây, tàu”, không thiếu thứ gì. Hầu như bây giờ không còn có nhà nào ngồi trong gian bếp để đổ bánh thuẫn như thời “bao cấp” mỗi khi Tết đến xuân về vì vài lý do “Ăn có ăn bao nhiêu đâu mà làm cho mất công”...

Hiện chỉ còn lác đác vài làng nghề làm bánh Tết truyền thống ở một số huyện trong tỉnh như huyện Tư Nghĩa, huyện Mộ Đức, huyện Đức Phổ… làm bánh để bán cho những ai có nhu cầu mua bánh để về cúng ông bà tổ tiên trong ba ngày Tết hoặc mua biếu tặng cho người thân quen ở xa.

Thậm chí, bánh thuẫn giờ đây ít nhiều “thiếu vắng” trong những mâm cúng ông bà tổ tiên trong ba ngày Tết của nhiều gia đình.

Bánh thuẫn nở đẹp trong khuôn đồng trên lò lửa than như những cánh mai vàng rực rỡ khoe sắc ngày tết

Bánh thuẫn nở đẹp trong khuôn đồng trên lò lửa than như những cánh mai vàng rực rỡ khoe sắc ngày tết

Với má tôi thì khác, má là người phụ nữ của truyền thống. Dù không còn ngồi đổ bánh thuẫn như mấy chục năm về trước do tuổi cao sức yếu nhưng trong những mâm cơm dâng cúng ông bà tổ tiên trong đêm giao thừa hay trên bàn thờ tổ tiên ông bà trong ba ngày Tết không thể nào thiếu vắng những đĩa hay những thẩu bánh thuẫn thơm ngon được má thành kính, đặt ngay ngắn trên bàn thờ ông bà.

Những ngày giáp Tết, má lại đặt mua loại bánh thuẫn hảo hạng, thơm ngon và chỗ làm có uy tín nhất để dâng cúng ông bà tổ tiên trong đêm giao thừa.

Má thường bảo với mấy chị em tôi dù sống ở bất cứ nơi đâu, làm gì thì làm, cúng gì thì cúng, dù có dâng cúng ông bà tổ tiên mình các “món ngon vật lạ”, bánh “tây”, bánh “tàu” nhưng cũng đừng quên có đĩa bánh thuẫn trên mâm cúng, mấy thẩu bánh thuẫn để trên bàn thờ, vì đó không chỉ là loại bánh truyền thống, là hương vị của quê hương, xứ sở mà còn là truyền thống, phong tục, tập quán của gia đình mình từ bao đời nay.

Bánh thuẫn ngày tết sau khi làm được đặt lên nia để sấy thêm một lần nữa mới thơm ngon

Bánh thuẫn ngày tết sau khi làm được đặt lên nia để sấy thêm một lần nữa mới thơm ngon

Bánh thuẫn còn tượng trưng cho cái đẹp của sắc màu, tượng trưng cho sự sinh sôi nẩy nở và mang đến những điều tốt đẹp trong thời khắc chuyển giao năm cũ sang năm mới cũng như mong ước cho một năm được sung túc, trọn vẹn và sum vầy.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm