Nếu châm cứu vào cuối thập niên 1980 còn là liệu pháp xa lạ với phần lớn nhà điều trị trên quê hương của Goethe thì con số nhiều chục ngàn thầy thuốc hiện nay đang áp dụng phương pháp này, cũng như sự kiện môn châm cứu được đưa vào nghiên cứu giảng dạy tại nhiều trường đại học y với sự đồng thuận của y sĩ đoàn ở Đức, là dữ kiện cho thấy khoảng cách tư duy giữa y học hiện đại và y học cổ truyền phương Đông chỉ còn là bóng mờ của quá khứ.
Trị đau, dự phòng và phục hồi bệnh
Kết quả cụ thể của vô số công trình nghiên cứu về tác dụng châm cứu tại nhiều quốc gia Âu Mỹ đã là cơ sở để phương pháp này được y giới phương Tây rộng tay chào đón trong thời gian gần đây, nhất là khi “phương pháp điều trị không dùng thuốc” được đề cao từ nhận thức về nguy hại do phản ứng phụ của dược phẩm hóa chất. Đáng tiếc nếu môn châm cứu được áp dụng khi thì không theo sát chỉ định, lúc thì không tôn trọng tiêu chuẩn kỹ thuật.
Theo quan điểm tượng hình của Đông y, bên cạnh mạng lưới mạch máu và thần kinh, còn một hệ thống khác rất hoàn chỉnh về cấu trúc. Đó là hệ thống kinh mạch lưu hành khí lực. Ngày nào khí lực vận hành thông suốt thì con người khỏe mạnh. Nếu vì lý do nào đó mà luồng sinh khí bị đình trệ hay tắc nghẽn thì đủ loại bệnh chứng, tâm cũng như thể, có cơ thành hình. Để giải quyết tình trạng bệnh lý, thầy thuốc cổ truyền hoặc dùng kim để “châm”, hoặc dùng tơ lá ngải cứu để “cứu”, nghĩa là hơ nóng một số điểm đặc biệt mang tên huyệt đạo, để tùy theo thao tác kỹ thuật mà thúc đẩy hay tái phân phối dòng khí lực. Không chỉ giới hạn trong phạm vi trị đau như nhiều người lầm tưởng mà châm cứu, thông qua cơ chế điều tái lập quân bình trên trục thần kinh - nội tiết - biến dưỡng, còn có thể được áp dụng linh động trong nhiều căn bệnh nhằm mục tiêu dự phòng và phục hồi. “Châm” để phòng chống stress theo kết quả nghiên cứu ở ĐH Thượng Hải, “cứu” để phục hồi sau bệnh mạn tính như kết quả áp dụng 073 ĐH Tokyo đã từ lâu là phương pháp quen thuộc tại nhiều quốc gia bên kia biển Thái Bình, nơi châm cứu trước đây không lâu còn bị liệt vào nhóm phương pháp điều trị chưa đủ dẫn chứng khoa học!
Châm cứu sao cho vừa ít kim châm vừa ít đau thì mới là thầy thuốc giỏi.
Tiêu chí chọn mặt gửi tiền chữa bệnh
Với người bệnh thì vấn đề thiết thực chỉ gom về một mối. Đó là làm thế nào để “chọn mặt” mà “gửi… mạng!”. Không khó nếu theo sát một vài tiêu chí phản ánh trung thực “hàng chất lượng cao”.
● Công việc của nhà châm cứu tập trung vào mục tiêu phát hiện và xử lý tình trạng ùn tắc năng lượng. Thầy thuốc muốn dùng kim chữa bệnh bắt buộc phải điều nghiên mỗi địa hình trước khi triển khai liệu pháp, từ kỹ thuật châm kim cho đến công thức huyệt, cho từng trường hợp cá biệt trên tinh thần “mỗi người một vẻ” vì không ai giống ai.
● Để giải quyết tình trạng kẹt xe ở vài điểm “nóng” không nhất thiết phải trải đều cảnh sát giao thông trên khắp các ngả đường. Nhà châm cứu một khi đã chẩn đoán đúng chỉ cần ít cây… kim! Thầy thuốc thiếu kiến thức và kinh nghiệm thường găm kim đến độ bệnh nhân từa tựa… con nhím! Châm ít kim dù gì cũng có lợi điểm là nếu chữa không xong thì ít ra người bệnh vốn đã khổ quá nhiều không phải đau thêm vì… thầy thuốc!
● Huyệt vị trong hệ thống kinh mạch là nơi hầu như không có dây thần kinh. Châm đúng huyệt, đúng độ sâu, đúng vận tốc qua da thì không đau, hay nói dè dặt hơn, đau rất ít. Châm đúng huyệt thì người bệnh có cảm giác căng tức gọi là “đặc khí” nhưng dễ chịu tại điểm châm. Nhiều thầy thuốc vì theo nghề chưa tới nơi tới chốn nên vẫn lầm tưởng là châm phải đau mới hay! Nhiều người bệnh vì chưa được thông tin đúng mức nên cũng tưởng châm mà không đau thì không hiệu quả, thậm chí càng đau càng đáng tiền. Nếu phải khổ thế còn đâu là nghệ thuật trong châm cứu?
● Thời gian để điều chỉnh dòng khí lực không đến độ quá lâu như quan điểm ngâm kim càng lâu càng tốt của một số nhà điều trị và của không ít bệnh nhân suy nghĩ theo kiểu chữa càng lâu càng đáng tiền! Châm cứu tuy phải có thời gian tối thiểu nào đó để tích lũy tác dụng. Nhưng điều trị không giống như sửa chữa cầu đường, cống rãnh, nghĩa là sửa hoài mà vẫn không xong. Bỏ qua chuyện câu bệnh để kiếm cơm, liệu trình châm cứu nếu kéo dài năm này qua tháng khác thường chỉ phản ánh tình trạng lúng túng của thầy thuốc!
● Nhằm tăng kích ứng cho dẫn truyền thần kinh thầy thuốc có thể dùng điện châm, xung điện, tia laser, sóng siêu âm… nhưng điều đó không có nghĩa là bệnh nào cũng dùng theo kiểu du lịch trọn gói. Nhiều bệnh nhân vì không hiểu nên vẫn tưởng châm phải gắn thêm dây điện mới hay. Hoa Đà ngày xưa đâu cần máy nào khi châm cứu nạo xương cho Quan Vân Trường.
● Để phòng tránh bệnh lây lan thầy thuốc châm cứu thời nay dùng kim đã tiệt trùng và dùng xong thì bỏ. Châm cứu phải tuyệt đối tôn trọng nguyên tắc vô trùng theo tiêu chí của Tây y. Y học cổ truyền không có nghĩa là trước đây mấy ngàn năm thế nào nay cứ y như thế!
Nếu thợ may hay-dở là do khác biệt về đường kim mũi chỉ thì “châm sư” hay “thợ châm” cũng thế. Hiệu quả của châm cứu hoàn toàn tùy thuộc kinh nghiệm của người cầm kim.
Nói cho cùng, nghề nào cũng thế, dù “châm cứu”, “châm chích” hay “châm chọc”, nghề nào cũng lắm công phu!