Nghệ sĩ cải lương rưng rưng về dự 45 năm ngày thành lập nhà hát Trần Hữu Trang

Chiều nay, 24-12, Lễ kỉ niệm 45 năm thành lập Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang được tổ chức trang trọng, ấm áp. Tham dự có NSƯT Thanh Thuý- Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP. HCM, đại diện các thế hệ lãnh đạo nhà hát, những nghệ sĩ cải lương gạo cội và những người tâm huyết với cải lương: NSND Trần Minh Ngọc, NSƯT Ca Lê Hồng, NSƯT Lê Thiện, nghệ sĩ Hồng Nga, đạo diễn Thanh Hiệp, Minh Trường, Nhã Thy…

Các nghệ sĩ vui mừng ngày gặp lại trong Lễ kỉ niệm 45 năm thành lập Nhà hát Trần Hữu Trang. Ảnh: NGUYỄN TRÀ

Nhiều nghệ sĩ tóc đã bạc trắng, run run bước chân ngày trở về. Với nhiều nghệ sĩ, đây không chỉ là Lễ kỉ niệm 45 năm thành lập Nhà hát Trần Hữu Trang mà còn là cơ hội gặp lại chuyện trò sau một năm đầy biến động bởi đại dịch COVID-19. Không ít nghệ sĩ đã vĩnh viễn ra đi trong đợt dịch bùng phát lần thứ 4 để lại nỗi tiếc thương khôn nguôi trong lòng đồng nghiệp và những người ở lại: nghệ sĩ Bạch Mai, Kim Phượng, Thanh Linh, Thanh Châu, Thanh Kim Huệ…

45 năm thành lập Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang, nghệ sĩ trở về đây tri ân nguồn cội nơi góp phần đào tạo nuôi dưỡng nhiều thế hệ vàng cho cải lương miền Nam.

Toạ đàm bảo tồn và phát huy nghệ thuật sân khấu cải lương trong giai đoạn hiện nay là một trong những điểm nhấn của lễ kỉ niệm. Nhiều vấn đề được đặt ra tại buổi toạ đàm: nhân lực, tài lực, trí lực… Đặc biệt là vấn đề đào tạo được nhiều nghệ sĩ quan tâm.

Toạ đàm bảo tồn và phát huy nghệ thuật sân khấu cải lương trong giai đoạn hiện nay. ẢNH: NGUYỄN TRÀ

Đạo diễn, NSƯT Ca Lê Hồng chia sẻ bà nhất trí đào tạo phải kết hợp truyền nghề. "Lực lượng đào tạo phải từ thầy cô đến học viên, truyền nghề phải có phương pháp khoa học. Những nghệ sĩ lớn tuổi lâu năm càng phải học hỏi. Học hỏi không chỉ ở trường mà còn ở nhà hát. Đào tạo phải kết hợp giữa nhà hát và trường. Trong thời đại công nghệ như hiện nay, nếu cải lương không tìm tòi phát triển, đổi mới tư duy thì rất khó”- NSƯT Ca Lê Hồng bày tỏ quan điểm.

Đào tạo một thế hệ trẻ cải lương kế nhiệm có tầm nhìn, trí tuệ tương xứng với nghề nghiệp của mình là điều khiến nhiều nghệ sĩ trăn trở. Truyền nghề là yếu tố quan trọng. Bên cạnh phương pháp truyền nghề phải có đào tạo hàn lâm, đào tạo chuyên nghiệp. Phải có sự kết hợp giữa 2 yếu tố này, để đào tạo thế hệ cải lương có tư duy, có nghề.

NSƯT Ca Lê Hồng. Ảnh: NGUYỄN TRÀ

Bên cạnh đó, trong thời đại công nghệ phát triển như hiện nay, việc áp dụng công nghệ vào việc truyền nghề, dạy học cũng là điều cấp bách cần làm. “Công nghệ phát triển nhưng nhiều nghệ sĩ trẻ không biết áp dụng để phục vụ tư duy làm nghề của mình”- Đạo diễn Thanh Hiệp trăn trở.

Diễn viên, đạo diễn Minh Trường nhận định từ thực tế anh nhận thấy khán giả cải lương hiện nay không thiếu. Khó khăn ở đây là làm sao đưa họ từ việc xem qua điện thoại đến rạp coi.

“Phát triển lâu dài, đào tạo nguồn nhân lực kế tục, chúng ta đang làm dang dở. Điều tôi trăn trở là: chương trình như thế nào là phù hợp, chúng ta chưa xây dựng chương trình cụ thể để phù hợp với từng lứa tuổi, bên cạnh đó kinh phí để tổ chức một vở cải lương quá lớn. Làm sao 'lôi' khán giả đang xem trên điện thoại đến sân khấu, chứ khán giả cải lương không thiếu”- Đạo diễn Minh Trường bày tỏ.

Niềm vui ngày gặp lại. Ảnh: NGUYỄN TRÀ

Nghiêng nghiêng mái đầu đã ngả bạc, bà Trần Thanh Liễu- nguyên Phó giám đốc nhà hát Trần Hữu Trang trầm ngâm nhớ lại rạp Hưng Đạo (Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang-PV). Bà kể chuyện thời hoàng kim, khi đoàn cải lương về biểu diễn, rạp đông ken không trống một ghế nào hết.

"Từ những năm 1979, lực lượng khán giả về với sân khấu, về với rạp đông không tưởng tượng được. Rạp Hưng Đạo là rạp trung tâm gần như lúc nào cũng sáng đèn, cao điểm là sáng phục vụ thiếu nhi, chiều đến tối là tuồng. Khoảng 7h30 bắt đầu bán vé nhưng mới 5h mấy, 6h khán giả đã xếp hàng đông nghẹt từ ngoài cửa.

Mỗi người chỉ được mua 2 vé thôi. Nhiều cô bác lớn tuổi không chen vào mua vé được, chúng tôi bàn bạc để mỗi suất hát trước giờ bắt đầu chừa lại 100 vé để cô bác đều được xem”- người phụ nữ đã đi qua xế dốc cuộc đời mỉm cười nhớ lại.

Lễ kỉ niệm 45 năm thành lập Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang. Ảnh: NGUYỄN TRÀ

Năm tháng đi qua, nhiều loại hình nghệ thuật ra đời hiện đại hơn, cạnh tranh khốc liệt. Nhưng rõ ràng, nghệ thuật cải lương vẫn có chỗ đứng nhất định trong trái tim khán giả, vẫn âm thầm chảy như một lời nhắc nhở về tinh hoa Nam bộ, về cội nguồn dân tộc.

Và, Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang được kì vọng sẽ thắp lên ngọn lửa để cải lương đến gần với công chúng hơn, đặc biệt thế hệ trẻ hôm nay.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới