Nghi án nhầm tử tội gây xôn xao Trung Quốc

Zhang Huanzhi, mẹ của Nhiếp Thụ Bân, đấu tranh để vụ án của con trai mình được xem xét lại. Ảnh: CFP

Trong cơn mưa nặng hạt sáng 10/7, bà Trương Hoán Chi bước vào tòa án Hàm Đan, tỉnh Hà Bắc, để theo dõi phiên tòa xét xử Vương Thư Kim. Vương bị nghi ngờ có liên quan đến vụ cưỡng hiếp và sát hại một phụ nữ họ Kang vào tháng 4/1994.

Phiên tòa có liên quan đến bà Trương vì đứa con duy nhất của bà, Nhiếp Thụ Bân, bị tử hình vào năm 1995 khi mới 21 tuổi. Nhiếp chết vì chính cái tội mà Vương đang thừa nhận hôm nay.

'Tôi thực sự hy vọng sau đây vụ án của con tôi sẽ được xét xử lại và sự thật sẽ được làm sáng tỏ", bà Trương nói với Global Times và cho biết thêm rằng tòa không cho phép luật sư của bà tới dự phiên tòa.

Một thập kỷ sau khi Nhiếp bị tử hình, Vương, 46 tuổi, tự thú rằng ông đã bắt cóc, cưỡng hiếp và giết hại ba phụ nữ. Vương thừa nhận mình có tội nhưng các công tố viên bác bỏ lời nhận tội của ông. Công tố viên nói Vương không nói đúng các chi tiết trong vụ việc, ví dụ như thời gian hoặc quần áo của nạn nhân.

Trong phiên tòa tuần trước, 200 người dân và phóng viên ngồi chật kín khán phòng và bên ngoài hành lang. Người dùng mạng xã hội Trung Quốc mô tả đây là phiên tòa "kỳ cục nhất" của Trung Quốc và tranh cãi về hệ thống tư pháp của đất nước.

Đấu tranh cho công lý

Nhiếp bị cảnh sát bắt vào tháng 9/1994 ở Thạch Gia Trang, thủ phủ tỉnh Hà Bắc. Gia đình Nhiếp bất ngờ khi Nhiếp bị xử tử. Họ chỉ biết Nhiếp không còn sống khi người quản giáo nói rằng không cần gửi thêm đồ ăn vào nữa.

Bà Trương nói bà không bao giờ quên được cái nhìn cuối cùng của con trai trước khi bị kết án tử hình vào năm 1995. "Phòng xử án ở trên tầng hai, một số cảnh sát chặn tôi không cho đến gần nó. Tôi phải hét tên nó lên và nó nhìn tôi và gọi 'mẹ' trong nước mắt", bà nói.

Nhiếp Thụ Bân lúc còn sống. Ảnh: Baidu

Bà cho hay sau khi con trai chết, cứ mỗi khi rời việc đồng áng, bà lại đến tòa án tối cao Thạch Gia Trang. "Ngày nào cũng thế, họ bảo tôi đợi và bảo tôi hãy về đi. Tôi không muốn ai phải giải thích gì cả, tôi chỉ muốn vụ án được xem xét lại", bà Trương nói.

Sau khi con trai qua đời, cha của Nhiếp muốn tự sát bằng cách uống thuốc trừ sâu. Ông được cứu sống nhưng sức khỏe sa sút trầm trọng. "Bây giờ tôi già rồi, chồng tôi cũng ốm yếu. Gánh nặng và những trở ngại trên con đường đi tìm công lý làm tôi kiệt sức", bà nói.

"Nhưng tôi luôn tự nhủ tôi đã theo đuổi việc này nhiều năm và tôi sẽ không bao giờ dừng lại, trừ phi tôi chết". Gia đình bà muốn thuê thêm luật sư để đấu tranh nhưng chị gái của Nhiếp đã bị gây sức ép ở nơi làm việc khi cấp trên cảnh báo gia đình không nên theo đuổi vụ kiện nữa.

Sát thủ thú tội?

Trong phiên tòa đầu tiên năm 2007, Vương bị kết án tử hình vì tội hiếp dâm và sát hại ba phụ nữ từ năm 1994 đến 1995. Tuy nhiên, Vương kháng cáo vì tòa án không chấp nhận lời thú tội của ông từ năm 2005 rằng ông đã cưỡng hiếp và giết hại một phụ nữ khác, họ Kang, ở một ngôi làng gần Thạch Gia Trang tháng 8/1994.

Zhu Aiming, luật sư của Vương, nói rằng Vương không hề biết Nhiếp đã bị xử tử hình từ lâu trước khi ông tự thú. Trong lời tự thú, Vương kể rất rõ các chi tiết tại hiện trường, rất khớp với các chi tiết về vụ án của Nhiếp năm 1994, luật sư Zhu nói.

Lời thú tội này đặt ra câu hỏi rằng liệu Nhiếp có bị xét xử sai. Với bà Trương và luật sư, đây là điểm mấu chốt để lật lại vụ án.

6 năm sau phiên tòa năm 2007, vụ việc của Vương được xét xử lại từ hôm 25/6, trong đó tòa án cho biết Vương kháng cáo để mong được nhận khoan hồng.

Trong cả hai ngày xét xử 25/6 và 10/7, các công tố viên nói rằng Vương không có tội, do sự khác biệt đáng kể giữa lời khai của ông và các sự kiện, ví dụ như nguyên nhân, thời gian vụ việc và chiều cao của nạn nhân. Hơn nữa, công tố viên nói rằng Vương không biết rằng người phụ nữ bị siết cổ bằng chiếc áo sơ mi, chi tiết mà theo họ là hung thủ thực sự sẽ biết.

Luật sư của Vương nói rằng ông hài lòng với phiên xét xử và tòa án cho phép ông bào chữa và cho ông xem lại vài trang hồ sơ vụ án của Nhiếp. Tuy nhiên, luật sư của gia đình Nhiếp nhiều năm nay không hề được xem hồ sơ này. 

Liu Bojin, một luật sư làm việc tại Bắc Kinh đại diện cho bà Trương, nói rằng tập hồ sơ, bao gồm lời khai của Nhiếp, là chứng cứ quan trọng để kháng cáo vì họ không thể thu thập thêm bằng chứng nào khác bởi vụ việc đã xảy ra nhiều năm trước. Tuy nhiên, bà Trương vẫn lo ngại rằng "tòa án chỉ thực hiện đúng thủ tục chứ không xét xử đúng người".

Vụ án nhận được sự quan tâm rất lớn trong những ngày gần đây. Hồi tháng 3, tạp chí Caixin trích nguồn tin không nêu tên của Tòa án Tối cao Trung Quốc nói rằng có thể tòa án Hà Bắc nên xem xét lại vụ án của Nhiếp vì nó đang trở thành tâm điểm trong việc đánh giá độ tin cậy của ngành tư pháp Trung Quốc.

Ngành tư pháp cũng lưu ý về trường hợp trên. Zhong Qiang, chánh án Tòa án Tối cao Trung Quốc, hôm 4/7 phát biểu nếu một phán quyết không chính xác thì cần phải được sửa chữa vì nó phản ánh độ tin cậy của pháp luật.

"Bản án có sai sót là điều không thể tránh khỏi, nhưng tôi phiền lòng hơn vì cách mà họ sửa chữa sai lầm", Zhang Sizhi, một luật sư khác của gia đình Nhiếp nói. Các luật sư của gia đình cho biết một nguồn tin trong tòa án Hà Bắc nói rằng vụ án của Nhiếp có thể sẽ sớm được đưa ra xử lại vì sức ép từ dư luận. Trong khi đó các tòa án có liên quan đến việc xét xử Nhiếp và Trương đều từ chối trả lời phỏng vấn.

Theo Vũ Hà (VNE)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới