Nghị quyết mới, đòn bẩy tạo sự đột phá cho TP.HCM

Nghị quyết mới, đòn bẩy tạo sự đột phá cho TP.HCM

(PLO)- Việc Quốc hội trao quyền nhiều, rộng hơn cho TP.HCM là tiền đề quan trọng để TP bước sang một giai đoạn phát triển mới, nhanh và bền vững.

Nghị quyết mới về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM vừa được Quốc hội (QH) thông qua được kỳ vọng sẽ tháo gỡ những khó khăn đang tồn tại lâu nay của TP. Từ đó, mở ra nhiều cơ hội giúp TP có thể phát huy hết các tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá về phát triển kinh tế - xã hội, hướng tới xây dựng TP.HCM trở thành hạt nhân tăng trưởng của vùng Đông Nam Bộ và cả nước, theo tinh thần Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị.

Dịp này, báo Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với đại biểu (ĐB) QH Đỗ Đức Hiển, Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật (Đoàn ĐBQH TP.HCM), về ý nghĩa cũng như tầm quan trọng của nghị quyết này đối với sự phát triển của TP nói riêng và cả nước nói chung.

Đại biểu Quốc hội TP.HCM Đỗ Đức Hiển cho rằng những góp ý của các đại biểu đối với nội dung nghị quyết mới là hết sức quan trọng, thể hiện sự quan tâm, tình cảm đặc biệt dành cho TP.HCM trong xuyên suốt quá trình phát triển sau này. Ảnh: PHẠM THẮNG
Đại biểu Quốc hội TP.HCM Đỗ Đức Hiển cho rằng những góp ý của các đại biểu đối với nội dung nghị quyết mới là hết sức quan trọng, thể hiện sự quan tâm, tình cảm đặc biệt dành cho TP.HCM trong xuyên suốt quá trình phát triển sau này. Ảnh: PHẠM THẮNG

Cú hích lớn giúp gỡ khó cho TP

. Phóng viên: Tại kỳ họp thứ năm QH khóa XV vừa thông qua nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54/2017 cho TP.HCM. Theo ông, nghị quyết này có ý nghĩa đặc biệt như thế nào đối với sự phát triển của TP.HCM?

+ ĐBQH Đỗ Đức Hiển: Thực hiện Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó có yêu cầu “sớm ban hành chính sách, pháp luật vượt trội, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho TP.HCM khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, huy động mọi nguồn lực đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững”, thời gian qua TP đã khẩn trương chuẩn bị, báo cáo Chính phủ xây dựng, trình QH dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, thay thế Nghị quyết 54.

Tôi cho rằng việc QH xem xét, cho ý kiến và thông qua nghị quyết này tại kỳ họp thứ năm, tức chỉ sau gần sáu tháng kể từ khi Bộ Chính trị có chủ trương, là một cú hích lớn, rất kịp thời và là đòn bẩy về chính sách, pháp luật, góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của TP.

Mặt khác, việc này cũng nhằm tạo đột phá, khơi thông nguồn lực, kiến tạo để TP phát triển, có tính lan tỏa, tác động sâu rộng không chỉ đối với TP mà còn cho cả vùng Đông Nam Bộ và cả nước.

Đây cũng sẽ là tiền đề quan trọng để TP bước sang một giai đoạn phát triển mới, nhanh và bền vững hơn. Qua đó, tiếp tục giữ vững vai trò của TP là trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa - xã hội, có vị trí chính trị quan trọng của cả nước, có sức lan tỏa, thúc đẩy phát triển vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Sớm đưa TP trở thành trung tâm kinh tế, tài chính… của khu vực Đông Nam Á và châu Á, có năng lực cạnh tranh toàn cầu, theo đúng tinh thần của Nghị quyết 31.

“Nghị quyết về cơ chế vượt trội cho TP.HCM được thông qua là một trong những văn bản rất đặc biệt, bởi đây là lần đầu tiên QH cho phép một địa phương được thí điểm nhiều cơ chế, chính sách đặc thù như vậy.”

ĐBQH Đỗ Đức Hiển


Nghị quyết mới giúp tạo đột phá, khơi thông nguồn lực, kiến tạo để TP phát triển. Ảnh: NGUYỄN TIẾN

Nghị quyết mới giúp tạo đột phá, khơi thông nguồn lực, kiến tạo để TP phát triển. Ảnh: NGUYỄN TIẾN

Lần đầu cho phép một địa phương thí điểm nhiều cơ chế

. Nghị quyết vừa được QH thông qua có hơn 40 chính sách đặc thù cụ thể thuộc bảy nhóm lĩnh vực. Với số lượng chính sách nhiều như vậy, trong quá trình nghị quyết được đưa ra thảo luận tại QH, vấn đề gì được lưu tâm nhất, thưa ông?

+ Có lẽ nghị quyết về cơ chế vượt trội cho TP.HCM vừa được thông qua là một trong những văn bản rất đặc biệt, bởi đây là lần đầu tiên QH cho phép một địa phương được thí điểm nhiều cơ chế, chính sách đặc thù đến như vậy.

Qua theo dõi, tinh thần chung các ĐBQH đều tán thành cho rằng các quy định của nghị quyết đã thể chế hóa cơ bản những chủ trương của Đảng được xác định tại Nghị quyết 31, Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Nội dung các quy định khá toàn diện, có sự gắn kết chặt chẽ, hài hòa các yếu tố phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng, an ninh và đối ngoại.

Tuy vậy, cũng có ý kiến ĐB băn khoăn liệu các quy định cụ thể của nghị quyết đã đủ mạnh, đủ đột phá để đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển TP theo mục tiêu đã đề ra. Cũng có nhiều ý kiến cho rằng với các chính sách lớn, mới thì việc giới hạn thời gian thí điểm là năm năm như đối với các tỉnh, TP khác và tương tự như quy định của Nghị quyết 54 liệu có phù hợp hay không?

Chính vì vậy, trên cơ sở tiếp thu ý kiến của ĐBQH, Ủy ban Thường vụ QH và Chính phủ đã thống nhất báo cáo QH bổ sung vào nghị quyết một nội dung. Cụ thể, đối với những vấn đề có nội dung khác, chưa được quy định trong luật và nghị quyết của QH, để đáp ứng yêu cầu cấp thiết trong thu hút nhà đầu tư chiến lược, huy động nguồn lực trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, UBND TP báo cáo Chính phủ để trình cấp có thẩm quyền các cơ chế, chính sách, trình QH xem xét, quyết định.

Trong thời gian giữa hai kỳ họp, trình Ủy ban Thường vụ QH xem xét, quyết định và báo cáo QH tại kỳ họp gần nhất. Việc xây dựng, trình văn bản cụ thể hóa các chính sách này được thực hiện theo trình tự, thủ tục rút gọn. Đáng chú ý, nghị quyết không xác định giới hạn thời gian thực hiện thí điểm mà giao Chính phủ sơ kết ba năm, tổng kết năm năm thực hiện để báo cáo QH xem xét, quyết định.

Tôi cho rằng đây cũng là những nội dung hết sức quan trọng, thể hiện sự quan tâm, tình cảm đặc biệt của các ĐBQH dành cho TP trong xuyên suốt quá trình phát triển sau này.

Việc triển khai nghị quyết là nhiệm vụ chính trị quan trọng, không chỉ của riêng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP mà của cả hệ thống chính trị. Ảnh: NGUYỄN TIẾN

Việc triển khai nghị quyết là nhiệm vụ chính trị quan trọng, không chỉ của riêng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP mà của cả hệ thống chính trị. Ảnh: NGUYỄN TIẾN

. Vậy theo ông, TP.HCM và các bộ, ngành trung ương cần phối hợp với nhau như thế nào để nghị quyết nhanh chóng đi vào thực tiễn và phát huy giá trị?

+ Nghị quyết được QH thông qua dự kiến có hiệu lực thi hành từ ngày 1-8-2023. Với tinh thần TP.HCM vì cả nước, cả nước vì TP.HCM, việc triển khai nghị quyết này là nhiệm vụ chính trị quan trọng, không chỉ của riêng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP mà của cả hệ thống chính trị.

Để chuẩn bị triển khai thi hành nghị quyết, QH đã giao Chính phủ, Thủ tướng và chính quyền TP ban hành các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành. QH cũng yêu cầu Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp với TP trong cải cách thủ tục hành chính; rút ngắn thời gian xử lý các vấn đề chưa phân cấp, phân quyền cho TP.

Đồng thời, ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp với thẩm quyền nhằm điều chỉnh, bổ sung các quy định phù hợp giải quyết những bất cập phát sinh trong thực tiễn quản lý, phát triển TP…

Có thể nói đây là khối lượng công việc rất lớn, có việc rất cấp bách, có việc cần được triển khai thường xuyên trong suốt quá trình tổ chức thực hiện nghị quyết, do đó đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên của TP với các bộ, ngành trung ương.

Tôi tin rằng với sự chủ động của TP, sự phối hợp trách nhiệm, nhiệt tình của các bộ, ngành, cơ quan trung ương và chính quyền địa phương, nghị quyết sẽ sớm đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả tích cực.

. Xin cám ơn ông.

TP.HCM luôn tiên phong thí điểm những điều mới

Trong quá trình phát triển, TP.HCM luôn là đơn vị tiên phong trong việc đề xuất và thực hiện các chính sách thí điểm. Điểm chung là các nội dung thí điểm đều xuất phát từ những trăn trở, bức xúc đầy trách nhiệm của những cán bộ trực tiếp làm công tác thực tiễn của TP.

Cạnh đó là sự cởi mở tư duy, lắng nghe của những người lãnh đạo, quản lý và cả sự đón nhận của các tổ chức, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân. Và do là làm thí điểm nên các vấn đề đặt ra luôn đòi hỏi phải có tính mới, với tinh thần tiên phong, đi trước. Tuy vậy, trong tổ chức thực hiện cũng chứa đựng nhiều khó khăn, thách thức.

Đối với nghị quyết thí điểm lần này, một trong những yêu cầu mà Bộ Chính trị đã đề ra tại Nghị quyết 31 là cần xây dựng cơ chế để cụ thể hóa thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Tôi cho rằng việc TP mạnh dạn đề xuất Chính phủ, QH cho phép ban hành nghị quyết lần này cũng đã toát lên tinh thần “dám nghĩ, dám làm” và điều này được thể hiện khá rõ nét qua từng chính sách, quy định cụ thể.

Việc nghị quyết được thông qua với sự ủng hộ, thống nhất cao cũng sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để cán bộ, đảng viên nói chung và cán bộ, đảng viên của TP nói riêng mạnh dạn thực hiện các giải pháp giải quyết những vấn đề còn tồn đọng, những vướng mắc về cơ chế, thủ tục. Đồng thời áp dụng những mô hình mới, cách làm hiệu quả với tinh thần mới, khí thế mới. Điều này là hoàn toàn phù hợp với chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung.

Ông ĐỖ ĐỨC HIỂN, ĐBQH TP.HCM

Đọc thêm