Khu vực tìm kiếm máy bay Boeing 777-200 mang số hiệu MH370 của Hãng hàng không Malaysia Airlines được mở rộng thêm về phía đông (tức biển Đông) và về phía tây (Ấn Độ Dương) với 57 tàu và 48 máy bay của 13 nước tham gia tìm kiếm.
Vẫn không manh mối
Tại cuộc họp báo ở Kuala Lumpur (Malaysia) vào chiều tối 14-3 (ngày thứ bảy máy bay mất tích), Bộ trưởng Quốc phòng và Giao thông Hishammuddin Hussein đã thông báo như trên.
Ông cho biết hôm 13-3, Malaysia phát hiện hai vệt dầu loang gần khu vực máy bay bị mất liên lạc nhưng qua kiểm tra thì không phải nhiên liệu máy bay. Ông nhấn mạnh vẫn chưa có thông tin mới về máy bay MH370 mất tích.
Về thông tin máy bay có thể bay ra Ấn Độ Dương, ông nói đội điều tra quốc tế đang xác minh.
Cục trưởng Cục Hàng không dân dụng Azharuddin Abdul Rahman giải thích Malaysia đang trao đổi với Mỹ để xem có thông tin nào từ vệ tinh có thể xác định vị trí máy bay mất tích.
Trực thăng của hải quân Malaysia chuẩn bị tìm kiếm ở eo biển Malacca. Ảnh: AP
Tại Mỹ, người phát ngôn Lầu Năm Góc Jay Carney tuyên bố: “Theo những gì tôi hiểu, trên cơ sở thông tin mới, chưa cần thiết xác thực nhưng mới, khu vực tìm kiếm sẽ mở rộng sang Ấn Độ Dương”.
Bí ẩn năm giờ bay
Trước đó, báo Wall Street Journal (Mỹ) đưa tin vệ tinh viễn thông Inmarsat đã nhận được tín hiệu tự động kết nối của máy bay MH370 vào thời điểm năm tiếng sau khi máy bay mất tích. Tín hiệu không có nội dung nhưng qua đó có thể xác định độ cao, vận tốc, vị trí của máy bay. Tín hiệu cuối cùng được phát bên trên mực nước biển ở độ cao bình thường đối với máy bay.
Hải quân Mỹ đã điều động một máy bay và tàu USS Kidd lên đường đến Ấn Độ Dương. Trước đó, tàu USS Kidd và tàu USS Pinckney của Mỹ đã có mặt ở vịnh Thái Lan.
Kênh truyền hình ABC (Mỹ) tiết lộ Lầu Năm Góc đã thu thập được dữ liệu chứng minh máy bay MH370 gặp nạn trên Ấn Độ Dương.
Ấn Độ Dương là đại dương lớn thứ ba thế giới với độ sâu trung bình gần 3.900 m. Điều khó tin là làm sao máy bay MH370 có thể chuyển hướng bay sang Ấn Độ Dương đến mấy tiếng mà không có radar quân sự nào của các nước bắt được tín hiệu?
Khu vực tìm kiếm được mở rộng đến Ấn Độ Dương. Ảnh: AP
Giả thiết máy bay bị cướp
Mấy hôm trước, không quân Malaysia thông báo radar không quân đã phát hiện tín hiệu của một máy bay mà cơ quan điều tra Malaysia tin rằng đây chính là máy bay MH370 mất tích.
Ngày 14-3, hãng tin Reuters đã dẫn hai nguồn tin giải thích rõ ràng hơn về dữ liệu radar này.
Hai nguồn tin cho biết một máy bay không xác định đã bay theo tuyến giữa các tọa độ điểm dẫn đường (các điểm địa lý được xác định bằng cách tính toán kinh độ và vĩ độ để giúp phi công bay dọc theo các hành lang bay). Điều này cho thấy máy bay được một người có huấn luyện điều khiển.
Vạch dấu cuối cùng trên radar quân đội cho thấy máy bay bay hướng vào quần đảo Andaman (Ấn Độ) giữa biển Andaman và vịnh Bengal ở Ấn Độ Dương.
Một quan chức cảnh sát cấp cao Malaysia cho biết hướng điều tra đang tập trung giả thuyết ai đó biết điều khiển máy bay đã cố tình chuyển hướng bay và Malaysia đang xem xét giả thiết phá hoại, trong đó có khả năng cướp máy bay.
Liên quan đến thông tin ông Mike McKay làm việc tại giàn khoan dầu Songar Mercur (Vũng Tàu) nhìn thấy máy bay phát nổ, theo Đài Tiếng nói Việt Nam, ông Đoàn Hữu Gia - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam cho biết cơ quan chức năng Việt Nam đã làm việc với ông McKay và tìm kiếm nhưng không phát hiện gì khả nghi.
LÊ LINH - TNL
Việt Nam tìm thấy một vệt màu vàng trên biển Chiều 14-3, đại diện của Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn thông báo: “Việt Nam vẫn tiếp tục tìm kiếm máy bay MH370 của Malaysia nhưng chưa có phát hiện đặc biệt ngoài một vệt màu vàng dài 20 km ngoài vùng biển Cà Mau”. Lúc 9 giờ 20 cùng ngày, máy bay AN26 của Việt Nam phát hiện vệt màu vàng này cách mũi Cà Mau khoảng 25 hải lý về hướng tây nam. Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn đã giao cho địa phương xác minh. Trong ngày, lực lượng tìm kiếm tiếp tục sử dụng bảy tàu, năm máy bay với sáu chuyến bay để rà soát khu vực rừng ngập mặn phía đất liền, phía đông và phía đông nam đường bay của máy bay MH370 mất tích theo hướng Malaysia - Trung Quốc. Lực lượng tìm kiếm chuyển từ phương án tìm kiếm khẩn cấp sang phương án thường xuyên, tức sử dụng một số máy bay và tàu di chuyển tìm kiếm tại các khu vực nghi vấn, lực lượng còn lại ứng trực sẵn sàng khi có phát hiện mới. Chiều 14-3, Văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn cho biết đã nhận được công văn của Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao Việt Nam) thông báo lãnh thổ Đài Loan xin cấp phép cho bốn tàu cứu hộ và một máy bay C130 tham gia tìm kiếm máy bay mất tích. TRỌNG PHÚ |